Làm sao để mỗi đứa trẻ sinh ra đều được hạnh phúc?

Không ai có thể tự quyết định sự có mặt của mình trên đời. Nhưng bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra cũng đều đáng được hưởng ấm no, sung sướng và hạnh phúc.

Đó là một đám cưới thật đặc biệt. Đám cưới của hai người kém trí. Cô Mến và anh Khờ. Mến từ bé đã bất thường, nó hay tha thẩn một mình, không thích ai đụng tới. Lớn chút nữa, thì không thích chơi với bạn. Mến nói vừa chậm vừa ít. Chỉ là không hiểu nhiều chứ không phải Mến không biết gì.

Mẹ Mến trong một lần đi chùa gặp một người đồng cảnh ngộ, bà kia cũng có người con trai kém trí. Anh Khờ hơn Mến ba tuổi, cũng khờ khạo chậm hiểu nhưng được cái khỏe mạnh,siêng năng, ai sai gì cũng biết làm kiếm tiền. Thế là hai người kết nghĩa sui gia. Mục đích duy nhất họ kết hợp đôi trẻ là muốn cho hai người con tật nguyền có một đứa con để sau này lo phần phụng dưỡng.

Nỗi đau mất vợ lìa con của một người kém trí không hề kém người bình thường

Sau một năm cưới nhau, Mến hạ sinh một cậu con trai. Mến vụng về không biết chăm con nhưng rất thương yêu, nâng niu thằng bé không rời. Ơn trời, lên hai tuổi, thằng bé tỏ ra lanh lợi, nghe đâu hiểu đó. Mẹ cô Mến yên tâm dắt cô đi triệt sản.

Nhưng ông trời thương không trót, một bữa chiều, cô Mến lơ đểnh để thằng con lẫm đẫm ra chỗ người ta đang làm nhà, té xuống cái lỗ mống xăm xắp nước không ai hay. Thằng bé chết đi coi như mục đích không thành, cô Mến thì không thể sinh nở nữa nên mẹ cô Mến bắt cô về. Anh Khờ tuy khù khờ nhưng rất thương vợ. Chiều nào cũng đứng trước cửa nhà khóc lóc đòi vợ, chửi rủa mẹ cô Mến không tiếc lời. Có lẽ nỗi đau mất vợ lìa con của một người kém trí không hề kém người bình thường nên một bữa chồng cô Mến đâm đầu vô xe hơi tự sát.

Câu chuyện nghe thật thương tâm. Nó để lại trong lòng chúng ta nhiều suy ngẫm.

Rõ nét hơn hết là sự bất hạnh mà các nhân vật trong câu chuyện phải gánh chịu. Sinh ra đứa con kém trí là nỗi bất hạnh của hai bà mẹ. Nỗi bất hạnh trực tiếp là của hai vợ chồng cô Mến. Khổ quá người ta có thể trách “trời”. Nhưng đứa con cô Mến ra đời rồi mất đi, cả cái chết của chồng cô Mến đều do con người bày ra, không thể kêu “trời” được.

Nó bắt nguồn từ việc tác hợp cho đôi trẻ của hai bà mẹ. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong xã hội ta. Có con tật nguyền, tất cả các bậc làm cha mẹ đều có cùng một trăn trở “không biết mai mốt mình chết rồi nó ở với ai”. Một đứa con - nếu có thể - là phương án mà nhiều người nghĩ tới và lựa chọn.

Hiện nay, trong xã hội, nhiều người vẫn còn quan niệm: có con để nối dõi tông đường, cho vui nhà vui cửa, có người phụng dưỡng tuổi già… tức là với họ, đứa trẻ ra đời là nhằm để phục vụ mục đích, yêu cầu của người sinh ra nó.

Chừng nào mọi người sinh con trong tâm thế vì chính đứa con của mình với suy nghĩ: con là do bản thân chúng ta tạo ra, chúng ta phải có trách nhiệm cho nó góp mặt trên đời với một cuộc sống hoàn hảo nhất thì chừng đó, mới hạn chế tối đa sự bất hạnh của trẻ, mới không có những đứa con thứ tám, thứ mười nheo nhóc trong một gia đình nghèo khó, không có những đứa trẻ vừa mới sinh ra đã gánh trên đôi vai nó gánh nặng mưu sinh…

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Và chừng nào ai cũng ý thức được việc cho ra đời một đứa trẻ là một việc hết sức hệ trọng, thiêng liêng, quyết định số phận của một con người thì chừng đó mới không có những đứa trẻ bất đắc dĩ phải ra đời nhân danh lòng nhân đạo.

Cân nhắc giữa việc cho ra đời một đứa trẻ khiếm khuyết gia đình (thiếu cha/mẹ), sống trong nghèo đói, thiếu thốn, với việc “đừng tạo ra nó” là vấn đề mà bất cứ bạn trẻ nào cũng nên quan tâm, huống gì ngày nay, y học tiên tiến đã hỗ trợ chúng ta một cách hiệu quả tối đa.

Mọi đứa trẻ sinh ra đời đều phải được sống hạnh phúc

Trở lại câu chuyện trên, nếu như hai cuộc đời tật nguyền kia không được ghép lại để tạo ra đứa bé thì câu chuyện của họ diễn biến như thế nào, không ai đoán được. Nhưng vì thương con mà hai bà mẹ đã hóa giải nỗi bất hạnh của con họ bằng cách gieo một nỗi bất hạnh khác cho đứa trẻ, chưa kịp tượng hình, thằng bé đã bị người lớn chất lên vai nó gánh nặng phải nuôi nấng, phụng dưỡng hai người kém trí cho đến trọn đời. Xem như thằng bé vô tội đã bị người lớn bạc đãi từ lúc mới lọt lòng. Vậy có công bằng cho nó không?

CÁT TƯỜNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lam-sao-de-moi-dua-tre-sinh-ra-deu-duoc-hanh-phuc-11822.html