Làm sao để mía đường hết lao đao?

Để phát triển bền vững ngành mía đường cần tái cơ cấu sâu rộng, đẩy mạnh nghiên cứu giống, thậm chí nhập khẩu mọi giống mới có năng suất cao, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất là một trong những giải pháp khả thi giúp ngành mía đường tăng cạnh tranh. Ảnh: Nguyễn Thanh

Thời gian qua, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, sức cạnh tranh thấp. Dự báo, khi kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, những khúc mắc đặt ra cho ngành này sẽ ngày một chất chồng.

Đề cập tới câu chuyện làm sao gia tăng sức cạnh tranh cho mía đường Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững hơn, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: Trước tiên, cần đầu tư nghiên cứu về giống, thậm chí nhập khẩu mọi giống mía mới có năng suất cao; đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chủ động tưới tiêu để dần nâng năng suất mía đường Việt Nam ngang tầm khu vực. Hiện, năng suất mía của Việt Nam còn khá thấp.

Giải pháp thứ hai là đầu tư công nghệ. Trên thế giới, trung bình 8kg mía nguyên liệu sản xuất ra 1kg đường, trong khi ở Việt Nam cần tới 10kg mía nguyên liệu mới cho ra 1kg đường.

“Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Thực tế hiện nay, có nhiều nông dân không muốn hoặc không hài lòng khi bán mía cho doanh nghiệp thể hiện ở khâu xác định chữ đường. Việc xác định chữ đường của doanh nghiệp với nông dân còn thiếu minh gạch, khách quan. Đây là điều cần lưu ý để đảm bảo sự liên kết chặt chẽ. Ngoài ra, với các nhà máy công suất thấp, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh kém có thể tính tới chuyện gộp các nhà máy lại với nhau để tăng sức cạnh tranh”, ông Cường nói.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tiếp nối niên vụ trước, niên vụ 2017/2018, ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn. Tính đến ngày 15/3/2018, các nhà máy đã ép hơn 8,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 750 ngàn tấn đường. Lượng tồn kho tại các nhà máy hiện tại đã tăng cao trên 530 nghìn tấn, chiếm hơn 70% so với lượng sản xuất và tại các công ty thương mại, lượng đường tồn cũng lên tới trên 14 nghìn tấn.

Trước đó, niên vụ mía đường 2016/2017, sản lượng đường sản xuất đạt khoảng 1,24 triệu tấn đường, tương đương niên vụ 2015/2016. Việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến lượng tồn kho lớn nhất từ trước đến nay với thời điểm cao nhất khoảng 700 nghìn tấn.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-sao-de-mia-duong-het-lao-dao.aspx