Làm sao để không mù đường khi du lịch, chuyện mua SIM nước ngoài, cách đi lại, các thứ phải chuẩn bị

Lạc đường là nỗi sợ lớn nhất khi bạn chuẩn bị du lịch hoặc công tác đến một nơi xa lạ, nhất là khi bạn sắp đi ra nước ngoài. Xin chia sẻ với anh em những cách mà mình thường sử dụng để tìm cách đi, tìm cách tham quan các địa điểm, những app nào anh em có thể xài trên điện thoại để giúp việc di chuyển của anh em trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. Ngoài ra mình cũng nói luôn về cách mua SIM khi ra nước ngoài để có Internet sử dụng, những thứ bạn cần chuẩn bị sẵn ở nhà để không bị mất thời gian hay mất phương hướng khi mới đến một quốc gia mới, và những thứ quan trọng cần có trong balo khi ra đường chơi lúc đã bay tới địa điểm mong muốn.

Mua SIM và data plan

Để có thể dùng được những công cụ mà mình sắp nói tới bên dưới, đa phần anh em sẽ cần kết nối Internet. Trong nước thì không sao, nhưng còn ra nước ngoài thì sao? Anh em có một vài giải pháp như sau để có thể tiếp tục sử dụng Internet khi đi ra khỏi biên giới Việt Nam:
Roaming với nhà mạng Việt Nam: chi phí quá cao, không nên sử dụng
Mua cục phát Wi-Fi LaxGo: thích hợp cho chuyến đi ngắn ngày, nhưng phải cầm cục Wi-Fi theo bên mình liên tục
Mua SIM nhà mạng địa phương: thích hợp cho cả chuyến đi ngắn ngày và đặc biệt cực kì tốt cho chuyến đi dài ngày vì rẻ hơn cục LaxGo nếu tính theo số ngày.
Cục phát LaxGo anh em có thể xem link trên, còn sau đây là kinh nghiệm của mình về việc mua SIM của nhà mạng tại nơi bạn đến. Khi bạn vừa đáp xuống phi trường, hãy cố gắng tìm xem trong khuôn viên sân bay có chỗ bán SIM hay không, nếu có thì mua ngay cho tiện, còn không bạn phải lội ra ngoài mất công hơn và không phải lúc nào chỗ bán SIM cũng nằm gần nơi bạn đến.

Khi đến được chỗ bán SIM, hãy hỏi về việc mua SIM du lịch. Người bán sẽ yêu cầu bạn trình Passport nên hãy nhớ luôn đem theo Passport bên người nhé. Sau đó bạn sẽ được lựa các gói cước (plan) khác nhau, phổ biến các gói như thế này:
Gói chỉ có gọi và nhắn tin, không có Internet: không nên mua, vì nếu bạn đi một mình thì làm gì có ai để gọi và SMS, không có Internet thì bạn vẫn mù đường thôi
Gói chỉ có Internet: phù hợp nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ cần gọi cho ai đó trong đoàn hay cho người thân tại nước sở tại. Nếu đi du lịch với bồ, với bạn bè, với vợ thì gói này hợp lý
Gói có cả gọi, nhắn tin (ít) và có cả Internet: mình thường chọn gói này khi cần đi thăm người nhà ở nước ngoài vì mình có thể gọi cho họ bất kì khi nào mình cần, không phải phụ thuộc chuyện họ có mở Internet hay không. Mình cũng có thể gọi cho những người khác trong đoàn. Gói này thường đắt hơn nhưng mình thích sự an toàn nên chọn cái này.

Thông thường các nhà mạng sẽ bán gói cước với giới hạn về thời gian và dung lượng mạng truy cập. Hãy chọn khung thời gian và dung lượng tùy thuộc vào nhu cầu của bạn, nhưng để cho an toàn thì bạn nên chọn các gói 1GB trở lên vì nội việc Google tìm địa điểm ăn chơi cũng đã tốn kha khá rồi, chưa kể lúc di chuyển còn cần xài Google Maps nữa. Bạn cũng

nên lựa gói nào mà sau khi hết data tốc độ cao thì bạn vẫn có thể tiếp tục xài Internet với tốc độ chậm

, đừng chọn gói hết data là ngắt luôn (vốn thường rẻ tiền hơn) vì lỡ bạn đang ở ngoài đường mà mất hẳn Internet thì làm sao mà kiếm được đường về khách sạn, rất khổ.

Lưu ý: một số quốc gia giới hạn độ tuổi khách du lịch được phép mua SIM. Ví dụ, Đài Loan thì khách từ 21 tuổi trở lên mới được mua (từng đi công tác Đài Loan năm 19 tuổi và không thể mua SIM, phải xài ké ), Mỹ và các nước Châu Âu là 18 tuổi. Nhớ tìm hiểu vụ này. Nếu bạn đã trên 21 tuổi thì thoải mái, không phải lo nghĩ nữa.

Các app nên cài sẵn

Để đi du lịch, bộ app lúc nào cũng có sẵn trong điện thoại của mình bao gồm:

Google Maps

/

Here WeGo

hoặc cả hai: bản đồ, chỉ đường, cái này chắc không cần nói nhiều

TripAdvisor

: gợi ý chỗ ăn chơi và ở, có thể tham khảo khi đã đến nơi

Booking.com

: book phòng khách sạn, hoặc xem lại những booking bạn đã đặt sẵn từ nhà

Airbnb

: tìm chỗ nghỉ theo dạng nhà ở, xem lại booking đã đặt sẵn từ nhà

Google Trip: cũng hơi giống Trip Advisor nhưng có tính năng nhận diện thông minh, nhiều thông tin hữu ích hơn về mặt đi chơi ở đâu. Xem thêm:

Google Trip - app lên kế hoạch du lịch, nhiều thông tin hữu ích và chi tiết, hỗ trợ Việt Nam

Sygic Travel: app lên kế hoạch du lịch, chủ yếu xài khi đi nước ngoài. Ở VN thì xài Google Trip là đủ. Xem thêm:

[Chia sẻ] Cách dùng Sygic để đi du lịch nước ngoài

Traveloka

: đặt vé, kiểm tra vé máy bay khi bay nội địa Việt Nam, lân cận Đông Nam Á

Skyscanner

: đặt vé, kiểm tra vé máy bay khi đi những khu vực Châu Âu, Châu Mỹ, còn mấy chỗ khác chưa đi nên chưa dám chém

Uber, Grab: đặt xe đi lại

Tất cả những ứng dụng này anh em nên cài trước ở nhà, đừng đợi đến nơi mới cài vì lỡ không có mạng hay mạng chậm thì rất mất thời gian và bất tiện không đáng có. Trong trường hợp cấp bách, có thể dùng tạm phiên bản nền web của những dịch vụ này cũng khá ổn.

Những việc cần chuẩn bị trước từ nhà

1. Download sẵn bản đồ offline của khu vực bạn sắp đi trong Google Maps, phòng trường hợp không mua SIM hay không có mạng vẫn có cái để sử dụng.

2. Tìm địa chỉ khách sạn, sân bay, nơi chuẩn bị tới công tác và bookmark chúng trong Google Maps. Cách làm rất dễ, vào Google Maps đánh địa chỉ rồi nhấn nút Add to Favorite là xong. Bằng cách này, bạn sẽ luôn nắm được những địa điểm quan trọng và có thể về đó khi có chuyện không hay xảy ra.

3. Đặt sẵn phòng khách sạn, đừng nên chơi kiểu tới nơi mới đặt phòng vì rủi ro bị ở ngoài đường do hết phòng cao hoặc bạn phải trả nhiều tiền hơn. Dùng Booking.com, Airbnb, Agoda hay các dịch vụ đặt phòng khác để book phòng xuyên biên giới, và lưu booking đó vào điện thoại để có thể đưa cho khách sạn xem khi bạn đến nơi (screenshot lại xác nhận đặt phòng là dễ nhất. Booking.com còn hỗ trợ lưu vào Apple Wallet nếu anh em xài iPhone, iPad).

4. Nghiên cứu sơ về địa điểm bạn sắp đi, lên Google có đầy, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Bạn có thể search từ khóa "Kinh nghiệm du lịch

" hoặc chỉ cần tên địa điểm cũng đủ rồi

Tìm hiểu về những cái nguy hiểm và cần lưu ý, ví dụ các khu vực xô bồ hay những tội phạm nào thường diễn ra để biết đường mà né, cái này cũng chỉ cần Google là ra.

Làm sao để di chuyển khi đã tới nơi?

Đi bộ

: cách dễ nhất và rẻ nhất nhưng cũng cực nhất nếu cần đi xa. Trong Google Maps khi bạn tìm đường đi từ A đến B có biểu tượng người đi bộ, đảm bảo bạn chọn biểu tượng này để đi cho đúng.

Đi xe buýt, tàu điện, phương tiện công cộng

: ở những quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn, Singapore... phương tiện công cộng của họ rất phát triển nên bạn có thể chọn cách đi buýt hoặc metro cho rẻ, nhất là những chặng đi xa. Thường thì Google Maps cũng sẽ có chỉ cách đi cho bạn bằng những loại phương tiện này, chẳng hạn như bạn cần đi đường nào để đến ga tàu, đón chuyến số mấy, màu gì, đi hướng nào, đi bao nhiêu trạm thì dừng... Nếu chưa từng sử dụng, bạn nên tập đi bus với sự chỉ dẫn của Google Maps tại Việt Nam trước cho quen.

Chia sẻ thêm với anh em rằng đi tàu điện cũng là một trong những cách hay nhất để giúp anh em biết được đời sống thường ngày của người dân tại nơi đó ra sao vì cuộc đời của họ gắn liền với tàu điện. Sáng sớm họ lên tàu làm gì, họ đi như thế nào, họ nói chuyện, cười giỡn với nhau ra sao, cuối giờ họ ra về thì đông đúc cỡ nào, sau khi tới ga thì họ đi bộ, đi xe đạp về nhà. Hãy cố gắng đi tàu điện ở tất cả các nơi mà anh em đến.

Đi taxi

: lựa chọn đắt đỏ nhất, đôi khi nhanh, nhưng gặp kẹt xe là tạch. Không phải là lựa chọn ưu tiên của mình, hết cách mới phải đi taxi. Đi Châu Âu mà đi taxi thì cứ chạy một đoạn là lại lên tim vì cước phí rất đắt.

Đi Uber, Grab

: lựa chọn tốt để đi trong những thành phố lớn vì giá cước rẻ hơn taxi, có nơi rất rẻ (Singapore chẳng hạn). Tùy nơi bạn đến có dịch vụ nào phổ biến thì sử dụng dịch vụ đó, đừng quên không phải nơi nào cũng có dịch vụ gọi xe (ví dụ: Đà Lạt). Nhớ kiểm tra trước nhé.

Tự lái xe

: tự lái xe máy hoặc xe hơi khi đi chơi là một trải nghiệm thú vị và giá cũng rất hợp lý. Anh em nên Google chỗ mướn xe trước, nếu được thì đặt xe sẵn để tới nơi có xe lái ngay. Ví dụ, khi bạn qua Mỹ, bạn có thể mướn xe ngay tại sân bay, sau đó lái đi chơi, tới ngày về thì trả xe cũng ngay sân bay. Sẽ có bus chở bạn từ bãi đậu xe sang ga lên máy bay. Ở Việt Nam thì mình hay di chuyển về khách sạn trước, sau đó nhờ lễ tân gọi xe giúp hoặc tự Google tìm chỗ mướn xe sau.

Đừng quên dùng Google Now

Google Now (trên iOS chỉ là app Google) có chức năng nhận diện cực kì thông minh. Khi bạn đi đến một thành phố mới khác nơi bạn ở, nó sẽ hiển thị múi giờ ở cả nơi hiện tại lẫn nhà của bạn, hiện thêm cả công cụ chuyển đổi tiền tệ khi cần, cũng như thông tin về chuyến bay hay đặt phòng (miễn là giấy xác nhận có gửi qua email). Thông tin thời tiết và giao thông cũng sẽ xuất hiện trong Google Now để bạn biết mà canh giờ đi chơi. Tất cả những thứ này diễn ra hoàn toàn tự động, bạn không cần phải làm gì thêm cả. Google Now sẽ dùng vị trí địa lý của bạn để quyết định xem bạn cần xem thông tin gì.

Nếu không biết, hãy mạnh dạn hỏi

Bạn có thể hỏi người bản xứ hoặc cảnh sát địa phương. Đừng ngại hỏi, vì khi bạn ngại bạn lại càng cố đi và lại càng lạc thêm. Ngay tại ở Việt Nam mà mình thấy nhiều anh em cũng ngại hỏi nữa thì thật đáng trách. Mạnh dạn lên nào anh em, đang đi chơi chứ có phải đi trộm cắp gì đâu mà lo. Nếu không nói được tiếng của họ, hãy cho họ xem hình ảnh của nơi bạn muốn đi và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để trình bày.

Những thứ quan trọng cần có trong balo khi ra đường đi chơi

Passport / Chứng minh nhân dân: để cần khi cảnh sát hỏi, khi mua SIM, khi mua đồ muốn lấy lại tiền thuế tại sân bay, hoặc để người ta biết quốc tịch của bạn lỡ có tai nạn xảy ra thì họ sẽ giúp liên lạc với Đại Sứ Quán. Nhớ cất kĩ passport trong balo để không bị trộm mất.

Một ít tiền bạc: không nên mang quá nhiều. Nếu bạn cầm nhiều tiền, hãy cất bớt vào két sắt trong khách sạn

Một cây viết + cuốn sổ nhỏ nhỏ: để ghi chú, nhờ người khác chỉ đường

Một chai nước hoặc bình giữ nhiệt: uống nước giải khác khi đi chơi

Một cái muỗng (thìa), có thể dùng muỗng kim loại bỏ cố định trong balo cũng được, qua an ninh sân bay không gặp khó khăn gì cả

Điện thoại, tất nhiên rồi

Cục sạc dự phòng

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/lam-sao-de-khong-mu-duong-khi-du-lich-chuyen-mua-sim-nuoc-ngoai-cach-di-lai-cac-thu-phai-chuan-bi.2713109/