Làm sao để không bị lừa đảo trong việc xuất khẩu lao động?

Ngày 13.11, tại hội thảo 'Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài', nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh vấn đề lừa đảo trong việc làm hồ sơ xuất khẩu lao động cùng nhiều mối quan tâm về việc làm sau khi về nước.

Nhiều sinh viên đặt câu hỏi tại hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Cục quản lý Lao động ngoài nước, đại diện các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, THPT cùng hàng trăm lao động, sinh viên, học sinh.

Trước câu hỏi làm sao để không bị lừa đảo trong việc xuất khẩu lao động? Đại diện Ban tổ chức cho biết: “Một số bộ phận người lao động, sinh viên, học sinh rất thiếu thông tin nên dẫn đến tình trạng bị lừa đảo. Và thực tế, không ít trường hợp “dở khóc dở cười” mang nợ vào thân do vấp phải lừa đảo. Nhất là đóng tiền qua người quen hay thông qua mua giới. Để tránh tình trạng này, mỗi người lao động phải có kĩ năng kiểm định thông tin. Có nhiều trường đã kết nối được với các doanh nghiệp uy tín để có nơi làm việc tốt, đây là một kênh quan trọng. Bên cạnh đó, nên tìm địa chỉ uy tín, tin cậy để hỗ trợ”.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Xu hướng xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật cao đang tăng nhanh, nhất là đối với lao động đã qua đào tạo tại các trường nghề có ngoại ngữ, có kỷ luật lao động và kỹ năng nghề cao. Từ nay đến năm 2025, dự báo mỗi năm đưa khoảng 54.000 lao động có trình độ kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao”.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội, có hơn 134.000 người đi nước ngoài làm việc vào năm 2017. Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu là những thị trường có nhu cầu tuyển dụng lao động cao và đa dạng ngành nghề.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra thực tế rằng, việc xuất khẩu lao động của nước ta còn hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kỷ luật của người lao động còn thấp so với mặt bằng chung. Nhiều người lao động có tâm lý đi làm để kiếm tiền hơn là đi làm để tích lũy kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Chính vì thế, nhiều người khó kiếm được việc làm sau khi về nước. Do đó, việc liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp với các công ty xuất khẩu lao động bằng cách phái cử thực tập sinh là cách hay để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, mở ra nhiều cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ xã hội.

Anh Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/ket-noi/lam-sao-de-khong-bi-lua-dao-trong-viec-xuat-khau-lao-dong-641143.ldo