Làm sao để biết con tiến bộ hay không?

Đây là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh khi con bắt đầu đi học. Tiến bộ mỗi ngày luôn là điều cha mẹ nào cũng mong con hướng tới và tìm cách rèn rũa con. Thế nhưng cơm áo gạo tiền lôi tuột bố mẹ khỏi những sát sao chi tiết với con, khiến cho niềm băn khoăn 'làm sao biết con tiến bộ' càng trở nên mơ hồ hơn.

Tuy nhiên có một cách mà Quỳnh Hương, một chuyên gia giáo dục, mới đây chia sẻ đã trở thành chìa khóa cho câu hỏi trên. Chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương cho rằng: để đo sự tiến bộ của một đứa trẻ nhất định phải đo lường bằng quá trình chứ không phải chỉ bằng các hành động thường ngày của trẻ. Và quá trình ấy cần có công cụ.

Cụ thể, mời độc giả tham khảo bài viết của chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương.

"Làm thế nào để biết con của bạn có "ổn" không? Qua tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh tôi nhận thấy, bố mẹ thường căn cứ vào một số điều sau:

- Căn cứ vào các lời nói của con, vào các câu chuyện con kể.

- Căn cứ vào điểm số và kết quả học tập của con.

- Căn cứ vào sự giám sát của giáo viên (trăm sự nhờ thày là đây!)

- Căn cứ vào một số "đặc phái viên" nằm vùng quanh con, hoặc bạn của con.

Thường thì bố mẹ sẽ thấy yên tâm với con, cho đến một ngày đẹp trời nào đó, có một sự vụ nào đó xảy ra, bố mẹ mới ngã ngửa: "Con mình không ngoan như mình nghĩ!"

Với gia đình tôi, ban đầu tôi cũng thực hiện theo các nguyên tắc trên.

1. Tôi thường xuyên kết nối với con và được con kể chuyện. Tôi không dựa vào các câu chuyện con kể để đánh giá hay chỉ trích con.

2. Tôi không quan trọng điểm số học tập, nhưng tôi dùng điểm số để tham chiếu, đánh giá con học có nắm được ý chính không. Tôi hỗ trợ con tìm ra cách tiếp cận phù hợp cho mỗi môn học sao cho cần đầu tư ít thời gian nhất có thể.

3. Tôi giữ mối liên hệ với giáo viên, để nghe phản hồi sớm từ giáo viên, kiểu như "Con học chưa sâu, chạy theo thành tích." Hoặc: "Con học môn này dừng lại ở mức giỏi, chưa đi vào chuyên được!"

4. Tôi niềm nở với các bạn của con. Có những lúc được nghe các bạn con kể về: "Bạn ấy ở lớp như thế này, như thế kia...."

Tuy nhiên, tôi gặp khá nhiều những ca "ngã ngửa ra". Lớp 5, con không chép bài cả tháng. Lớp 7, con thấy bị cô lập ở lớp vì cả lớp chơi, mình con học. Tan học con bỏ đi lang thang đến mấy ngày liền. Lớp 9, con học không có nền nếp, không có thời gian tự học ở nhà, chơi nhiều hơn học.

Mẫu thiết kế một bảng theo dõi dành cho con.

Mẫu thiết kế một bảng theo dõi dành cho con.

Vậy thì giải pháp là gì đây? Bố mẹ cần thiết kế ngay một bảng tham chiếu dành cho con.

Bởi vì cách giáo dục của mỗi gia đình khác nhau, lịch sinh hoạt cũng khác nhau. Nên cần thiết phải quan tâm đến một số vấn đề sau, khi xây dựng bảng tham chiếu dành cho con:

1. Thời gian ngủ hàng ngày của con có đủ không? Khi con ngủ đủ, con mới có đủ minh mẫn để tiếp thu kiến thức và đi sâu tìm hiểu.

2. Thời gian con ngồi tự học hàng ngày là bao lâu? Học với người hướng dẫn (học trên trường, học thêm,...) chỉ là nhìn ra được con đường phía trước. Việc đi trên con đường đó phải do con tự trải nghiệm thông qua các bài tập con tự làm, các điều con tự đọc.

3. Thời gian con làm việc nhà hàng ngày là bao lâu? Con cần làm việc nhà để có ý thức trách nhiệm. Việc nhà cũng tập cho con cách tổ chức công việc sơ khai, cách dọn dẹp hậu quả sau mỗi lần làm.

4. Thời gian con học thêm là như thế nào?

Việc học thêm là việc không thể tránh hiện nay. Tuy nhiên, không thể học thêm quá nhiều mà không tự học. Nếu làm vậy thì học thêm chả có tác dụng gì. Bố mẹ đừng nghĩ là con cứ "Nghe nhiều sẽ tốt", nghe giảng nhiều mà không tự học sẽ làm con "chai lì", mất hứng thú với việc học, dần sẽ chán học.

5. Thời gian con chơi thể thao và sử dụng nhạc cụ là bao lâu?

Việc này không nhất định phải làm mỗi ngày, nhưng nên duy trì theo thời lượng tuần là tốt nhất. Dù vậy, hai việc này là do sở thích của con. Bố mẹ có thể khuyến khích, không nên ép buộc.

6. Thời gian con giải trí hàng ngày.

Con người mà không được làm một việc mình thích hàng ngày, có thể chỉ 10' đến 15' thôi, sẽ bị ức chế tâm lý đến ốm. Vì thế, hãy để con có thời gian làm việc con thích, ít nhất là 30', không dùng việc đó làm "phần thưởng" cho việc khác. Không nên áp dụng như nhà tôi đã áp dụng: "Nếu con học xong trước 21h thì con sẽ được dùng máy tính 30 phút.". Bởi vì nếu con con học với mục đích "được chơi" con sẽ không thấy hứng thú khi biết thêm điều mới, không ham thích đi sâu tìm hiểu vấn đề.

Một bảng theo dõi đã được thực hiện.

Sau khi thống kê các thời gian trên trong 1 tuần, bố mẹ nên chia bình quân theo ngày và đánh giá xem sinh hoạt của con có ổn không, có cần điều chỉnh không.

Ví dụ: con gái tôi giải trí nhiều, tính bình quân mỗi ngày con giải trí 2.5h trong khi thời gian con tự học bình quân mỗi ngày chỉ là 1.5h. Tôi có nói với con rằng con phân bổ thời gian như thế là "chưa phù hợp với mục đích thi vào lớp 10 chuyên của con năm nay". Tôi sẽ hỗ trợ con giảm thời gian dùng thiết bị điện tử để tập trung học hơn. Tôi đặt mật khẩu toàn bộ TV, máy tính, điện thoại thông minh trong nhà và chỉ cho con sử dụng mỗi ngày tối đa 2h. Và khi nhìn ra được sự mâu thuẫn trong tranh cãi của hai mẹ con, tôi chỉ cần yêu cầu con tính ra thời gian chơi và thời gian học của hôm nay là bao nhiêu - thế là con sẽ ngừng tranh luận để đi học bài.

Ví dụ như một bạn nhỏ khác đang học lớp 8 đi học thêm quá nhiều (hơn 17h/ tuần), tôi đề nghị mẹ bạn giảm xuống còn tối đa 14h/ tuần, để bạn tăng thời gian làm việc nhà lên. Hiện tại bạn đang trong quá trình điều chỉnh, kết quả ra sao, có thể tôi sẽ "khoe" trong thời gian tới.

Các bố mẹ ạ, hãy đồng hành với con và nhìn nhận vấn đề một cách cân đo đong đếm được. Đừng chỉ "Tôi thấy nó có vấn đề, nhưng tôi không biết vấn đề đó là gì, và cải thiện ra sao!" Sau đó bố mẹ hoặc là "Mặc kệ", hoặc là cãi nhau với con suốt ngày, mối quan hệ bố - con, mẹ - con ngày càng trượt dài xuống dốc.

Tôi hy vọng các con sẽ trở thành những nhà tổ chức, những người có trách nhiệm dưới sự hỗ trợ của bố mẹ mình!

Phương Nghi (ghi)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lam-sao-de-biet-con-tien-bo-hay-khong-2020121016482695.htm