Làm sao để bảo vệ trẻ trước trò chơi nguy hiểm, xúi giục tự sát kiểu Momo?

Sau trào lưu gây ám ảnh Thử thách Cá voi xanh, gần đây cộng đồng mạng thế giới lại hoang mang với một trò chơi mới nổi với hình thức tương tự - xúi giục người tham gia những hành động nguy hiểm mang tên Thử thách Momo.

Trò chơi nguy hiểm

Sau "Thử thách Cá voi xanh", Momo cũng là một trò chơi khuyến khích người chơi tự sát đang phổ biến trong thời gian gần đây. Trường hợp tự sát đầu tiên của trò chơi này là một bé gái 12 tuổi đến từ Arghentina. Cảnh sát đã điều tra và phát hiện trong chiếc smart phone của bé gái này có ghi lại nhiều hoạt động và khoảnh khắc cô bé treo cổ tự sát.

Theo điều tra của Đơn vị Điều tra tội phạm mạng của bang Tabasco (Mexico), trào lưu MoMo được bắt nguồn từ Facebook. Tại đây những người chơi sẽ chấp nhận thử thách gửi tin nhắn tới những số điện thoại không xác định trên ứng dụng WhatsApp.

Ban đầu, người chơi cài ứng dụng, cho phép truy cập vào bộ nhớ điện thoại, sau đó là nhắn tin đến các số lạ, làm theo thử thách được đưa ra và sau đó chuyển tiếp cho người khác để không bị rơi vào "lời nguyền".

Tạo hình đầy ám ảnh của nhân vật Momo

Tạo hình đầy ám ảnh của nhân vật Momo

Một số người đã thử nhắn tin và nhận được nhiều phản hồi đáng sợ như những hình ảnh bạo lực hay dòng tin nhắn đe dọa. Điểm chung của các tài khoản "ảo" này là tấm hình đại diện một người phụ nữ với đôi mắt lồi to tròn và miệng rộng đến mang tai vô cùng ám ảnh.

Lợi dụng số điện thoại liên hệ của người chơi, ứng dụng này có thể truy cập và lấy cắp thông tin cá nhân từ các tài khoản mạng xã hội, sau đó uy hiếp nạn nhân.

Riêng về hình ảnh Momo, thực chất đây là tác phẩm điêu khắc thuộc sở hữu của Link Factory - một công ty chuyên về dàn dựng, hiệu ứng hình ảnh tại Nhật Bản.

Thủ thuật gây ám ảnh, đe dọa người chơi

Theo Zing đưa tin, ngày 5-8-2018, một blogger Hàn Quốc đã đăng tải clip trên kênh cá nhân - CubeTV - cho thấy quá trình kết nối với Momo Japan. Theo đó, sau khi cài đặt và nhắn tin đến ứng dụng, anh nhận lại những hình ảnh rùng rợn, sau đó là cuộc điện thoại gọi từ Momo chứa những âm thanh kỳ lạ.

Nhiều người chơi xác nhận khi tham gia vào trò chơi, họ sẽ nhận được các hình ảnh bạo lực, thậm chí là lời đe dọa nếu như không thực hiện theo thử thách.

Trò chơi này ban đầu nhằm vào giới trẻ, đặc biệt là những người có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, căng thẳng để khiến họ làm theo yêu cầu điên rồ. Hậu quả của trò chơi này đối với người trẻ là rất lớn, sau khi tham gia trò chơi, họ bị lấy cắp thông tin cá nhân sau đó bị đe dọa, tống tiền, uy hiếp thực hiện thử thách dẫn đến các vấn đề tâm lý, thậm chí là tự tử.

Tuy nhiên, điều đáng lo sợ là thời gian gần đây, Momo không chỉ là những thử thách trên Whatsapp hay Facebook mà còn ngụy trang dưới dạng những video dành cho trẻ em chiếu trên YouTube.

Hình ảnh Momo trên các kênh YouTube cho trẻ em khiến nhiều người khiếp sợ

Theo VnExpress, tờDaily Telegraph cho biết đã tìm thấy nhiều video "thử thách Momo" trên YouTube và Instagram, bao gồm những video do người dùng thực hiện và những nội dung được lồng ghép trong những video không chính thức có nhân vật Peppa Pig. Hai nền tảng này đã xóa các video đó sau khi được người dùng báo cáo nội dung không phù hợp.

Thực tế, thông tin được lan truyền gần đây tập trung hướng vào nhân vật Momo với ngoại hình kỳ dị, có thể gây hoảng sợ cho trẻ em. Nhân vật Momo được chèn vào một đoạn bất ngờ trong các video được đăng trên YouTube, kèm theo những lời lẽ mang tính chất hù dọa nhưng rất tiêu cực, chẳng hạn: bạn sẽ chết. Trẻ em thấy hình ảnh này có thể khóc, bỏ ăn nhưng cảnh sát Anh thông báo chưa có bất kỳ trường hợp trẻ em nào tự làm hại mình do nhân vật Momo.

Vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng

Hiện nay, nhiều gia đình thường cho con xem các chương trình thiếu nhi trên YouTube qua điện thoại, iPad. Lo lắng lớn nhất của các bậc phụ huynh là khó có thể kiểm soát được những gì con em mình đang xem trên internet.

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, để giữ an toàn cho trẻ trước nguy cơ tấn công từ các nội dung độc hại trên mạng xã hội cần có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng, các bậc phụ huynh cần gần gũi, sát sao, để giữ cho con em mình an toàn hơn trong môi trường trực tuyến.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho trẻ được an toàn khi xem các chương trình trên mạng internet, các gia đình cần biết được nội dung trẻ đang truy cập, cho trẻ biết tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao cho bất kỳ ai không quen biết; trò chuyện để trẻ biết không ai có quyền yêu cầu các em phải làm những điều mà các em không muốn, gần gũi để các em luôn tin tưởng và sẵn sàng tâm sự, chia sẻ thông tin với cha mẹ.

Nếu gia đình cho phép trẻ được quyền sử dụng công cụ để truy cập Internet, phụ huynh có thể cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên điện thoại thông minh và máy tính để giữ an toàn cho trẻ. Bên cạnh vai trò của gia đình, nhà trường cũng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, phù hợp theo từng lứa tuổi để các em có khả năng “sàng lọc” thông tin trên Internet.

Minh Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/lam-sao-de-bao-ve-tre-truoc-tro-choi-nguy-hiem-xui-giuc-tu-sat-kieu-momo/801784.antd