Làm sao chọn cộng sự khởi nghiệp phù hợp và xây dựng mối quan hệ bền vững?

'Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau', chính vì vậy để khởi nghiệp thành công không chỉ cần người sáng lập, để dự án của mình trở thành hiện thực và ngày càng phát triển vươn xa, nhất định bạn cần chọn cho mình những đối tác, những người đi cùng phù hợp và có cùng chí hướng.

Một trong những yếu tố khiến startup thất bại không lâu sau khi khởi động là chọn nhầm cộng sự. Các chuyên gia nhận định, việc chọn sai người có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của tổ chức, thậm chí tệ hơn, ảnh hưởng đến năng suất và tinh thần toàn bộ nhóm. Cộng sự khởi nghiệp có thể là người đồng sáng lập startup, cũng có thể là nhà quản lý, nhân viên cùng làm việc với bạn

Trước khi nôn nóng tìm cộng sự, điều đầu tiên bạn cần làm là lập một danh sách trong đó liệt kê lĩnh vực bạn đang kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, sau đó là những yêu cầu dành cho người sẽ cùng thực hiện dự án. Cách làm này giúp bạn xác định thiếu sót của bản thân, từ đó dễ dàng tìm ra cộng sự phù hợp với mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đa số nhà khởi nghiệp, tìm được người có tài, có đủ kỹ năng chuyên môn đã khó nhưng không khó bằng việc tìm người có chung chí hướng. Một người cộng sự phù hợp không chỉ hỗ trợ bạn về mặt kỹ năng mà cả hai còn phải “ăn ý” với nhau trong việc phân chia, phối hợp công việc. Tuy nhiên, trong một hệ thống cấp bậc mà kèm theo đó là quyền lãnh đạo, nếu bạn hoặc cộng sự của mình đặt “cái tôi” lên trên lợi ích của tập thể thì rất dễ khiến bản thân quên đi tầm nhìn dài hạn của công ty.

Ví dụ, giám đốc điều hành (CEO) của một công ty luôn có vị trí cao hơn một giám đốc công nghệ (Chief Technology Officer – CTO) trên sơ đồ tổ chức. Tuy nhiên, nếu công ty của bạn chuyên về lĩnh vực công nghệ và hiện đang bán một công nghệ mới nhất ra thị trường thì rất có thể nhiệm vụ thiết kế và hoàn thiện công nghệ này còn quan trọng hơn công việc của CEO.

Khi đó, nếu một CTO cảm thấy thất vọng vì vị trí “cấp dưới” của mình và bắt đầu can thiệp nhiều hơn vào công việc CEO (riêng về mảng kinh doanh), thì mối quan tâm hàng đầu của họ sẽ chuyển từ ưu tiên phát triển sản phẩm sang buôn bán – phần công việc mà người khác đã làm và làm tốt hơn so với CTO.

Hợp tác là một cách thúc đẩy phát triển công việc nhưng bên cạnh đó cũng dễ khiến người đồng sự cảm thấy kiêu hãnh theo cách có thể khiến công ty gặp nhiều rủi ro. Do đó, việc đánh giá xem liệu thái độ và tham vọng của một người được thúc đẩy bởi tiềm năng phát triển của công ty hay bởi “cái tôi” của họ luôn là điều khó khăn, và một doanh nhân giỏi phải là người có trực giác nhạy bén cũng như đủ kinh nghiệm để “nhìn” người một cách chính xác.

Có thể ngay từ đầu, bạn hiểu được người cộng sự của mình và biết “ngưỡng” tham vọng của họ, nhưng trên thực tế, suy nghĩ của con người lại có xu hướng thay đổi theo thời gian và nếu minh họa một cách đơn giản thì mối quan hệ cộng tác cũng giống như một cuộc hôn nhân: Cho dù lúc đầu hai người hiểu nhau ra sao thì theo năm tháng, cũng có những vấn đề mà hai bên không thể giải quyết được trong thời gian dài.

Chính vì vậy, trong trường hợp đã tìm được cộng sự ăn ý nhưng sau thời gian hợp tác, giữa bạn và họ lại xảy ra xung đột. Đó có thể là xung đột về chiến lược phát triển, về tài chính, về cơ hội thăng tiến... hoặc cộng sự muốn ra đi theo lời mời hấp dẫn từ những công ty khác. Điều bạn cần làm lúc này là xác định nguyên nhân nằm ở đâu. Nếu có thể hòa giải xung đột, hãy cố gắng hết sức có thể. Còn không, hãy để mọi việc xảy ra tự nhiên.

Vấn đề ở đây là bạn không thể đoán trước được những thứ có thể thay đổi trong mười năm tới, nhưng bù lại bạn có thể làm mọi điều cần thiết để giữ mối quan hệ đó được lâu bền và hiệu quả. Cũng giống như trong hôn nhân, mọi người thường chọn cách thỏa hiệp hoặc nhường nhịn nhau để giữ cho mọi thứ diễn ra êm đẹp.

Có thể có những thói quen hoặc tật xấu của cộng sự mà bạn chưa hiểu hoặc thông cảm ngay lập tức, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn lường trước và chấp nhận điều đó thay vì khó chịu một cách không cần thiết – miễn là chúng không gây hại gì đến công việc chung.

Dương Dương (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/khoi-nghiep/lam-sao-chon-cong-su-khoi-nghiep-phu-hop-va-xay-dung-moi-quan-he-ben-vung-7380.html