Làm sao chấm dứt hành vị côn đồ chốn công cộng?

Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng đối với 3 đối tượng đánh nữ nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân vào ngày gây xôn xao dư luận xã hội.

Đồng thời, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với 4 nhân viên an ninh Trịnh Hồng Quân, Vũ Quốc Hội, Trịnh Ngọc Hoàn và Đào Văn Dũng đã thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình công việc, không đúng quy trình phối hợp hoạt động, làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng nhưng chưa uy hiếp đến an ninh hàng không, an toàn hàng không. Câu hỏi đặt ra là, làm sao chấm dứt hành vi côn đồ chốn công cộng?

Các đối tượng hành hung nữ nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân

Đoạn clip ngắn được ghi lại ở sân bay Thọ Xuân khiến nhiều người giật mình cho hành vi táo tợn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật: ba gã đàn ông hung hãn bao vây và đạp ngã một cô gái, sau đó rượt đuổi một cô gái khác và xông thẳng vào giằng co với nhân viên an ninh. Nhìn kỹ hơn, cô gái bị đạp ngã mặc quần áo nhân viên một hãng hàng không, nghĩa là loại trừ hiềm khích do quen biết với nhau từ trước. Mâu thuẫn gì để dẫn đến hành động khó chấp nhận như vậy?

Sự việc có thể tóm tắt như sau: Ngày 23/11, Lê Trung Dũng và Lê Văn Nhị (cùng ngụ huyện Thọ Xuân) và Phạm Hữu An (ngụ phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) đã đến sân bay Thọ Xuân để tiễn người quen đi chuyến bay chặng Thanh Hóa - TP.HCM. Nhân lúc cao hứng, ba đối tượng đã nhờ cô Lê Thị Gi (nhân viên hàng không Vietjet Air) chụp ảnh tại sảnh check-in. Cô Lê Thị Gi đã vui vẻ đáp ứng yêu cầu ấy, nhưng ba đối tượng lại tiếp tục đề nghị cô Lê Thị Gi chụp ảnh chung với mình. Do đang bận việc, cô Lê Thị Gi từ chối. Lập tức ba vị khách vừa tỏ vẻ lưu luyến tiễn đưa khách lên chuyến bay, đã hiện nguyên hình những kẻ giang hồ dữ dằn.

Cả ba chửi bới và hành hung cô Gi. Đối tượng Phạm Hữu An dùng điện thoại đánh vào đầu của cô Gi, còn đối tượng Lê Văn Nhị tát vào mặt của cô Gi. Hành vi kinh khủng tưởng dừng ở đó đã khó chấp nhận. Ai dè, khi người quản lý của cô Lê Thị Gi là bà Lê Thị H lên tiếng can thiệp, đã bị Lê Văn Nhị xông tới tát vào mặt và đạp vào bụng. Cùng lúc, đối tượng Lê Trung Dũng ra oai bằng cách giật mũ và đấm thẳng vào mặt nhân viên kiểm soát an ninh Trịnh Ngọc Hoàn vì cho rằng… dám ngăn cản một cuộc thị uy với phụ nữ. Và khi nhân viên an ninh Vũ Quốc Hội đến tiếp ứng đồng đội, thì đối tượng Lê Trung Dũng tấn công luôn.

Cục Hàng không VN đã ký quyết định cấm bay 12 tháng (từ 25/11/2018 đến 25/11/2019) và kiểm tra trực quan 6 tháng tiếp theo với cả 3 đối tượng Lê Trung Dũng, Lê Văn Nhị và Phạm Hữu An.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng ở đó, mà khiến dư luận phải băn khoăn về vấn nạn côn đồ có nguy cơ trở thành đại dịch ở các sân bay. Những trường hợp khách hàng to tiếng lăng mạ nhân viên hàng không thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng không đáng sợ bằng việc thượng cẳng tay hạn cẳng chân. Có thể liệt kê vài ví dụ. Ở quầy làm thủ tục cho chuyến bay Đà Nẵng - TP.HCM, nam hành khách đã ném điện thoại vào mặt nữ nhân viên khi nghe thông báo chuyến bay đã bị hủy, khiến nữ nhân viên rách mí mắt.

Còn trên chuyến bay BL529 từ Vinh đi TP.HCM ngày 17/7, nam hành khách đã đánh vào đầu nữ tiếp viên vì… không tích cực hỗ trợ anh ta sắp xếp hành lý cồng kềnh. Đấy là chuyện của khách hạng phổ thông, chứ khách hạng thương gia còn hãi hùng hơn. Trên chuyến bay VN255 ngày 3/8/2016, nam hành khách vì không tìm thấy chiếc điện thoại do mình đánh rơi dưới gầm ghế, đã vu khống nữ nhân viên lấy cắp và tát cô này một cú như trời giáng. Tất cả những khách hàng vô văn hóa trên đều đã bị xử phạt, nhưng hệ lụy để lại cho cộng đồng vẫn rất nhức nhối.

Dù muốn dù không cũng phải thừa nhận, phương tiện vận tải hàng không thuộc đẳng cấp văn minh của mỗi quốc gia. Cho nên, sân bay luôn là bộ mặt văn minh của xã hội. Mọi hành vi khiếm nhã ở sân bay cũng khó chấp nhận, huống hồ hành vi bạo lực giữa những quý ông to khỏe với những thiếu nữ yếu ớt. Vì sao thái độ côn đồ liên tục tiếp diễn? Vì những kẻ ngông cuồng kia tự cho rằng họ có tiền thì họ có quyền?

Cái tư duy bệnh hoạn dựa vào đồng tiền để chà đạp người khác cực kỳ nguy hiểm cho trật tự cuộc sống. Mấy năm gần đây, nhiều hãng hàng không giá rẻ xuất hiện đã khiến chất lượng những chuyến bay bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, đòi hỏi sự thấu hiểu giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ bay. Cần xác định rõ ràng, nhân viên hàng không hoàn toàn không phải nơi phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi trút giận của khách hàng. Tấn công nhân viên hàng không trong bất kỳ điều kiện nào, cũng là thái độ côn đồ không thể dung túng. Những kẻ cậy tiền và cậy thế để vung chân múa tay gây tổn thương cho người khác, nhất là đối với các nữ nhân viên hàng không, phải bị trừng trị thích đáng. Bởi lẽ, động cơ ngông cuồng ấy rất thấp hèn về mặt nhân cách và rất nhơ bẩn về mặt văn hóa.

Bạo lực ở sân bay, nhìn cho tường tận, là dấu hiệu của sự nảy nở cái ác trong đời sống dân sinh. Tấn công nữ nhân viên sân bay, chính là lợi dụng tư hình chốn công cộng. Đúng sai đã có cơ quan đại diện pháp luật xử lý, không một cá nhân nào dù là đại gia hay dù là con ông cháu cha, được phép ra tay trừng phạt người khác theo ý mình.

TÂM HUYỀN (Kiến thức gia đình số 50)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lam-sao-cham-dut-hanh-vi-con-do-chon-cong-cong-post232480.html