Lâm sản ngoài gỗ, nhân tố cho bảo tồn rừng tự nhiên

Phát triển lâm sản ngoài gỗ (LSNG) là một giải pháp có triển vọng để gắn kết tạo thu nhập với 'bảo tồn có khai thác bền vững' rừng tự nhiên. Xung quanh câu chuyện này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Điện tử Chính phủ.

Phát triển lâm sản ngoài gỗ giúp bảo tồn rừng bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát triển lâm sản ngoài gỗ giúp bảo tồn rừng bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thưa ông, sinh kế của người dân được giao rừng tự nhiên luôn là một vấn đề lớn được đặt ra trong việc phát triển và bảo vệ rừng. Trên thực tế, hiện nay người dân có thể hưởng lợi gì từ những cánh rừng tự nhiên đã được giao?

Ông Phạm Văn Điển: Hiện nay, có ba con đường hợp pháp để hưởng lợi từ rừng tự nhiên.

Một là, nguồn thu từ Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nguồn thu của cả nước trong năm 2018 ước tính đạt 2.300 tỷ đồng, với khoảng 6 triệu ha rừng trong diện chi trả. Mức hưởng lợi bình quân là 370 nghìn đồng/ha/năm. Đối với nguồn thu từ REDD+, ước tính có thể gấp đôi con số nêu trên, nhưng hiện nay đang trong quá trình triển khai.

Hai là, nguồn thu từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng là một hướng đi mới và có ý nghĩa. Tuy nhiên, cách làm này chỉ thích hợp ở nơi có cảnh quan đẹp và hấp dẫn, có khả năng tiếp cận và có doanh nghiệp đầu tư.

Ba là, nguồn thu từ kinh doanh LSNG là một cách làm có triển vọng, đã được thực tiễn chứng minh. Việc canh tác, thu hái LSNG ít gây tổn hại đến rừng, đồng thời cây LSNG cũng cần có tán rừng che chở, bảo vệ. Đây là sự cộng sinh "khôn khéo", là sự kết hợp giữa bảo tồn với phát triển, giữa kinh tế với sinh thái, giữa người dân với rừng. Chúng tôi gọi đây là “rừng bảo tồn có khai thác”. Cây gỗ được duy trì và bảo vệ trong khi người dân thu được LSNG để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ là nhất quán, phát triển không đánh đổi môi trường, nên dừng việc khai thác gỗ đối với rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc.

Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ hiện nay ở Việt Nam?

Ông Phạm Văn Điển: Chúng ta có 2,2-2,5 triệu ha rừng tự nhiên (và khoảng 0,8 triệu ha rừng trồng) có tiềm năng cho thu nhập cao từ LSNG. Cây LSNG rất đa dạng (gần 4000 loài cây làm dược liệu, 500 loài cung cấp tinh dầu, 200 loài tre nứa, 30 loài song mây...), trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đáp ứng cả nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, trong nước lẫn xuất khẩu.

Ở nhiều nơi, LSNG đã được phát triển, tạo ra điểm sáng trong kinh tế rừng, như cây Bảy lá một hoa và Tam thất ở Hà Giang, rừng dẻ ăn hạt ở Bắc Giang, Trúc sào ở Cao Bằng, rừng cung cấp nhựa Trôm ở miền Trung, sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, các loại măng tre nứa ở Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung, Sa nhân tím ở Hòa Bình, Tầm gửi cây Gạo ở vùng trung tâm phía bắc, cây Bon bo ở Nghệ An, phấn hoa ở phía nam, và nhiều khu rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước luôn đóng vai trò là "rừng sinh kế" đối với người dân.

Nhu cầu về LSNG cũng rất lớn. Nước ta có khoảng 25 triệu người dân có sinh kế liên quan đến rừng. LSNG là tiềm năng đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi có gần 10% dân số là người nghèo và 3 triệu người dân tộc thiểu số sinh sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên (10,2 triệu hecta). LSNG đang là nguồn nguyên liệu lớn cho nhiều làng nghề trên cả nước, như: các làng nghề mây tre đan; các cơ sở sản xuất thuốc Đông y; các cơ sở chế biến măng, nấm, mộc nhĩ, hương, thực phẩm. Hơn 40 loại LSNG có giá trị xuất khẩu cao, với nhu cầu ngày càng lớn như: Tinh dầu tràm, Ba kích, nhựa mủ trôm, thông nhựa, sâm, tam thất, sa nhân, song mây, quả trám, hạt dẻ, nấm hương, thảo quả.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo đánh giá chung, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, ông có nhận định thế nào về việc này?

Ông Phạm Văn Điển: Trong thực tế, đóng góp của LSNG có khoảng cách thấp hơn so với tiềm năng của chúng.Chẳng hạn, năm 2017, giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ mới đạt 330 triệu USD, trong khi giá trị tiềm năng của bộ phận LSNG và gỗ ở vùng nhiệt đới như Việt Nam được đánh giá là xấp xỉ nhau (tổng giá trị xuất khẩu gỗ là 8 tỷ USD). Toàn ngành phấn đấu giá trị xuất khẩu LSNG, gỗ sẽ nâng lên khoảng 800 triệu USD vào 2020 và trên 1,5 tỷ USD vào 2025.

Vậy, ngành lâm nghiệp và các địa phương cần có những chính sách, giải pháp gì để thúc đẩy phát triển lâm sản ngoài gỗ?

Ông Phạm Văn Điển: Luật Lâm nghiệp mới (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019) đã đạt được một bước tiến mới, mở đường cho các chính sách cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên ở nước ta. Hiện nay, việc thể chế hóa Luật Lâm nghiệp bằng các văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng nhiều nội dung thúc đẩy phát triển sản xuất LSNG.

Nghị định số 75/2015/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện. Hộ gia đình và cộng đồng được hỗ trợ một lần trồng cây dược liệu dài ngày. Đơn giá hỗ trợ 10,0 triệu đồng/ha.

Các chính sách hỗ trợ cho xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến LSNG (có thể đến 60% chi phí xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến); hỗ trợ tiếp cận thị trường (50% chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp liên kết với người dân và các hợp tác xã); hỗ trợ lãi suất (100% trong 3 năm) cho trồng cây LSNG... đang được đẩy mạnh và thực thi ở nhiều địa phương.

Việc mở mới, khai thông các thị trường quốc tế; hỗ trợ hình thành các giống mới, kỹ thuật mới cũng là những chính sách có tác động tốt đến việc phát triển LSNG trong thời gian vừa qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Đỗ Hương (thực hiện )

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/lam-san-ngoai-go-nhan-to-cho-bao-ton-rung-tu-nhien/343097.vgp