Làm sân golf cạnh nguồn nước sạch sông Đà: Nguy hiểm

Nếu sân golf ở huyện Kỳ Sơn đi vào hoạt động có thể gây ra ô nhiễm nước hồ Đồng Bài - nguồn nước nhà máy sông Đà.

Tỉnh Hòa Bình đang cho phép Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại khảo sát lập dự án sân golf nằm trong vùng an toàn nguồn nước sạch sông Đà. Vị trí sân golf nằm tại xã Yên Quang và xã Phú Minh của huyện Kỳ Sơn.

Mặc dù trước đó Cục Quy hoạch đất đai (thuộc Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ TN&MT) có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ, sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn sử dụng 270 ha đất, trong đó có 3/4 diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của Dự án nước sông Đà.

Việc xây dựng khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn là không phù hợp, vi phạm phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước, chất lượng nước thô đầu vào và kế hoạch cấp nước an toàn liên tục phục vụ nhân dân TP. Hà Nội.

3/4 diện tích sân golf Yên Quang nằm trong vùng an toàn nguồn nước nhà máy nước sạch sông Đà.

3/4 diện tích sân golf Yên Quang nằm trong vùng an toàn nguồn nước nhà máy nước sạch sông Đà.

Thông tin này đã khiến cho nhiều nhà khoa học không khỏi giật mình, lo ngại nếu sân golf được xây dựng nằm trong vùng an toàn nguồn nước sạch sông Đà thì nguy cơ "đầu độc" người dân Thủ đô rất cao.

TS Trần Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu xem sân golf là hiểm họa về môi trường bởi để có được những thảm cỏ đẹp, tại các sân golf thường phải dùng một lượng lớn phân hóa học, thuốc trừ sâu dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), mỗi ha sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư. Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm.

Còn tại Việt Nam, như sân golf Tân Sơn Nhất, mỗi năm phải bón gần 200 tấn phân hóa học, gần 9 tấn thuốc trừ sâu để chăm sóc cỏ.

Một nhóm nghiên cứu ở Canada qua nghiên cứu, nhận thấy các khu vực sân golf có nồng độ thủy ngân cao nhất và vượt tiêu chuẩn môi trường. Phần bùn lắng của một hồ ở sân golf cũng có mức thủy ngân cao hơn mức ở một hồ khác cách đó hơn 8km. Cá ở hồ sân golf cũng có nhiều thủy ngân hơn cá ở hồ kia.

"Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn nếu sân golf làm gần sông hay khu dân cư bở phân hóa học, thuốc trừ sâu sẽ ngấm vào đất, vào mạch nước rồi chảy đi khắp nơi. Chất độc từ các sân golf thường là thủy ngân, ngấm vào đất rất độc hại, tạo ra nguy cơ đầu độc trên diện rộng không kiểm soát nổi" - TS Trần Văn Tuấn nói.

Ông Tuấn chỉ ra một thực trạng tại Việt Nam là nhiều sân golf đang được xây gần khu dân cư, gần sông trong khi thế giới lại rất "kỵ" điều này.

Nguồn nước nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải thời gian qua.

Còn chuyên gia Nguyễn Trọng Hưng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, Hòa Bình làm sân golf gần khu vực hồ Đồng Bài là việc làm nguy hiểm. Nếu không tính đến nguy cơ có thể xảy ra thì hậu quả khó lường.

"Hành lang an toàn cho nguồn nước sinh hoạt đã được quy định ở mức cao nhất so với các nguồn nước khác. Tuy nhiên lại không quy định cụ thể như thế nào mà chỉ chung chung, yêu cầu hành lang an toàn tối đa nhất có thể. Từ đó dẫn đến việc khó định lượng chính xác" - vị chuyên gia nói.

Quy định về hành lang an toàn cho nguồn nước đã có nhưng từ lâu lại không được các địa phương thự hiện đúng. "Ngay như gần nguồn nước nhà máy nước sạch Sông Đà không có biển cảnh báo, gia súc thả rông gần nguồn nước.

Không những thế, trên địa bàn còn có 2 trang trại lợn cực lớn, bây giờ có thể sẽ là sân golf thì việc hành lang an toàn nguồn nước sinh hoạt chắc chắn đã bị vi phạm hành lang an toàn nguồn nước" - ông Hưng cho biết.

Vị chuyên gia này không hiểu vì sao quy định của Chính phủ về an toàn nguồn nước đã có nhưng Hòa Bình vẫn chấp thuận chủ trương làm sân golf, cho làm trang trại lợn gần nguồn nước sinh hoạt.

"Không thể nói là những dự án, công trình này không ảnh tới nguồn nước sinh hoạt. Bởi chất thải từ trang trại lợn, sân golf thẩm thấu vào trong đất, ngấm qua mạch nước ngầm. Nguy cơ ô nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt là rất cao, rất nguy hiểm" - ông Hưng nói.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-san-golf-canh-nguon-nuoc-sach-song-da-nguy-hiem-3390253/