'Làm sai lệch hồ sơ ' giúp con nuôi Đường Nhuệ thoát tội, cái kết của hai CA?

Hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, làm sai lệch hồ sơ vụ án của 2 công an là hành vi đến mức phải xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Sáng 2/11, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 BLHS năm 2015, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vũ Thư.

Đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Bằng Giang, SN 1981, cán bộ Công an huyện Vũ Thư và Hoàng Hồng Hạnh, SN 1978, cán bộ Công an huyện Vũ Thư để điều tra về hành vi có dấu hiệu của tội phạm "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hai cán bộ công an trên được xác định có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án liên quan vụ án liên quan Bùi Mạnh Tiến (25 tuổi, biệt danh Tiến "trắng", trú tại huyện Vũ Thư, là con nuôi của Đường “Nhuệ”).

 Đường Nhuệ và con nuôi Tiến Trắng.

Đường Nhuệ và con nuôi Tiến Trắng.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thời gian gần đây một số nơi đã xuất hiện những băng ổ nhóm tội phạm ngang nhiên công khai đánh người mà không bị xử lý kịp thời, vụ việc khiến dư luận bức xúc, trong đó phải kể đến băng nhóm Đường "Nhuệ” ở Thái Bình mà dư luận và cơ quan chứ năng vừa phanh phui thời gian gần đây.

Khi các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội một cách công khai mà không bị xử lý kịp thời sẽ dẫn đến chuyện các đối tượng khinh nhờn pháp luật và tiếp tục phạm tội tương tự. Khi có người dung túng “chống lưng”, “bảo kê” hay “làm ngơ” sẽ khiến các đối tượng côn đồ càng trở lên côn đồ, manh động hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân vào lực lượng giữ gìn an ninh trật tự.

Nếu ngay từ ban đầu những hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng này bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có việc làm ngơ, bảo kê, bao che thì sẽ không có hậu họa về sau. Khi mà các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện triệt để các biện pháp răn đe và phòng ngừa có hiệu quả, bọn chúng không thể tạo thành những vây cánh, băng nhóm ngày càng hung hãn, thao túng, lũng đoạn xã hội.

Thực tiễn cho thấy nếu ở đâu xuất hiện băng ổ nhóm, tội phạm hoành hành chứng tỏ ở đó công tác đấu tranh với tội phạm đang có “vấn đề” và rất có thể có hiện tượng bao che, bảo kê cho tội phạm.

Luật sư Cường phân tích, từ khi vụ án Đường Nhuệ bị phanh phui, nhiều ý kiến cho rằng, đằng sau băng nhóm này phải có người bảo kê, bao che, tiếp tay cho bọn chúng thì bọn chúng mới có thể hoàn thành trong một thời gian dài như vậy, khiến dư luận hoang mang, lo sợ và bức xúc như vậy (?!).

Từ đó rất nhiều người mong muốn các cơ quan chức năng xác minh làm rõ, xử lý triệt để đối với những cán bộ sai phạm. Cho đến nay, một số cán bộ đã được phát hiện là có sai phạm, tiếp tay cho nhóm đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội và đã bị khởi tố liên quan đến hoạt động đấu giá đất, quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là hai cán bộ công an vừa khởi tố ở trên.

Vấn đề nguy hiểm, nghiêm trọng trong vụ án vừa được Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao làm rõ là hành vi cố ý gây thương tích của nhóm đối tượng này đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chính những người có trách nhiệm trong việc đấu tranh xử lý tội phạm, người thụ lý hồ sơ lại đứng ra “dàn xếp”, tiếp tay, dung túng cho nhóm đối tượng này để chuyển hóa thành quan hệ dân sự.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi cố ý gây thương tích mà có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc gây cố tật cho nạn nhân... tỷ lệ thương tích dưới 11% theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 hoặc điều khoản 1, điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 thì mới khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.

Còn trường hợp đối tượng dùng hung khí nguy hiểm chém đứt gân, cơ của nạn nhân như trong vụ án nêu trên, những người trong nghề đều biết rằng thương tích như vậy đối chiếu theo Thông tư số 28/2013/TT-BYT hoặc Thông tư số 22/2019/TT-BYT không thể dưới 11 % và không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Trường hợp người bị hại cố tình không phối hợp để giám định thương tích thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải để thực hiện các thủ tục điều tra.

Tuy nhiên, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, trong vụ việc này đối tượng trong nhóm Đường Nhuệ chém đứt gân, đứt cơ nạn nhân, thương tích nghiêm trọng những người này vẫn cố tình “dàn xếp” để không xử lý hình sự đối với các đối tượng côn đồ là hành vi có dấu hiệu tội phạm. Sự việc này khiến các đối tượng càng trở nên côn đồ, hung hãn, ngang ngược, sẵn sàng đánh người, chém người không thương tiếc và tiếp tục gây ra nhiều vụ việc mất an ninh trật tự sau đó.

Hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, làm sai lệch hồ sơ vụ án là hành vi đến mức phải xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền xử lý các tội phạm về chức vụ của những người tiến hành tố tụng thuộc về cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Có lẽ vì thế mà cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý đối với hai cán bộ công an có liên quan đến vụ án này.

Mời độc giả xem thêm video Đường “Nhuệ” bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù

Nguồn: VTV1

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/lam-sai-lech-ho-so-giup-con-nuoi-duong-nhue-thoat-toi-cai-ket-cua-hai-ca-1456234.html