Làm sạch sông Tô Lịch: Khi ô nhiễm đang được xử lý ở 'ngọn'

Thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm sông ngòi trên địa bàn Thủ đô, trong đó có sông Tô Lịch được đặc biệt quan tâm bởi ô nhiễm ở mức báo động và công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản đang được thử nghiệm đã có một số kết quả tích cực nhưng vấn đề chính vẫn là xử lý nước thải từ nguồn.

Hiện nay, Hà Nội chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được vỏn vẹn 22% lượng nước thải ra hàng ngày, còn 78% kia được xả thẳng ra môi trường. Chỉ cần một ngày lang thang có thể dễ dàng nhìn thấy những kênh mương, sông lớn bé khác nhau “chết cứng” bởi rác, nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối. Sông Tô Lịch cũng vậy, giờ chẳng khác gì vũng bùn giữa lòng Thủ đô.

Vậy vì sao sông bị ô nhiễm đến mức này? Sông Tô Lịch dài tổng cộng 14km, trải dài trên địa bàn 6 quận là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì với tổng dân số trên 1,5 triệu người. Sông Tô Lịch cùng sông Lừ, song Sét tạo thành hệ thống tiêu thoát nước chính của Hà Nội.

Dọc sông Tô Lịch có tổng cộng hơn 300 ống cống thải ra khoảng 150.000 mét khối nước thải/ngày đêm. Nước thải ở đây bao gồm hai loại, nước thải sinh hoạt của hơn 1,5 triệu người, nước thải công nghiệp từ các làng nghề... Nước sông Tô Lịch đen, thối, ô nhiễm là từ đây.

Xử lý tại nguồn xả mới là giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm sông ngòi.

Xử lý tại nguồn xả mới là giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm sông ngòi.

Từ ngày đặt máy thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch, đã có nhiều chuyển biến tích cực ở đoạn sông được đặt máy. Vậy về lâu dài sẽ phải tính toán thêm nhiều vấn đề nữa.

Trao đổi với PV, chuyên gia môi trường Đỗ Thanh Bái cho biết, bây giờ mới chỉ là thử nghiệm thì có thể nhận ra đoạn sông đó không có mùi, nước trong hơn nhưng về lâu dài sẽ thế nào? Giải pháp kinh tế sẽ phải tính đến, bởi dọc 14km sông Tô Lịch sẽ phải đặt bao nhiêu máy? Tiền điện sẽ là bao nhiêu? Rồi về sau thay máy móc nếu có hỏng hóc...

Vừa qua, trả lời trước báo giới, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE), người đưa công nghệ Nano – Bioreactor vào làm sạch sông Tô Lịch cho rằng, việc xử lý nước sông Tô Lịch sẽ chỉ cần làm tại chỗ bằng “nhà máy xả nước thải” của Nhật Bản mà không cần phải xử lý nước thải tại nguồn! Và ý kiến này đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau, đa số đều cho rằng, việc này là không thể. Bởi mọi vấn đề phải được xử lý từ “gốc” chứ không phải ở “ngọn”.

Hiện nay, xử lý nước thải tại nguồn ở Hà Nội đang gặp phải 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là chính sách, cơ chế quản lý, xử phạt đối với những người, hộ gia đình xả thải bừa bãi không qua xử lý. Thứ hai là quỹ đất của chúng ta không đủ để phát triển hệ thống bể gom, xử lý nước thải sinh hoạt và cuối cùng là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Chuyên gia Đỗ Thanh Bái khẳng định rằng, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, tốc độ xử lý có nhanh đến đâu cũng không bằng người dân xả thải! Với hơn 150.000 mét khối/ngày đêm đó là chưa kể mùa mưa, nước thải từ khắp nơi đổ về thì không biết máy móc kia sẽ phải hoạt động với tốc độ nào? Chuyên gia Bái cũng nhất quán với quan điểm xử lý nước thải phải xử lý từ nguồn.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hàn Tân Việt – Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (trường ĐH TP Hồ Chí Minh) - cho biết, công nghệ chỉ là công cụ, cần phải phối hợp đồng bộ với nhiều giải pháp khác.

Cụ thể trong việc xử lý nước sông Tô Lịch, áp dụng công nghệ hiện đại của các bạn Nhật Bản là điều cần thiết, hợp lý nhưng nguyên nhân gốc rễ cùng phải được xử lý. Phải xác định được nguồn nước thải, xử lý bằng nhiều cách khác nhau như phân loại, lọc nước thải rồi mới xả ra môi trường.

Phong Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/lam-sach-song-to-lich-khi-o-nhiem-dang-duoc-xu-ly-o-ngon-549327/