Làm 'sạch' sông Tô Lịch: Hà Nội đang bỏ hoang dự án 16 nghìn tỷ đồng sau khởi công

Người Hà Nội nhiều năm nay mòn mỏi trông ngóng việc cải tạo, làm sống lại dòng sông Tô Lịch và mới đây, dư luận đang khấp khởi trước thông tin dự kiến lấy nước sông Hồng 'rửa sạch' con sông chết này. Tuy nhiên, cách đây hơn 2 năm, một dự án với tổng số tiền dự kiến là hơn 16 nghìn tỷ đồng đã từng được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát lệnh khởi công nhưng đã bị bỏ hoang...

Cách đây hơn 2 năm, ngày 7/10/2016, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi công dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Dự lễ khởi công có cả Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Dự án có mục tiêu là xử lý nước thải sinh hoạt được thu gom trên diện tích 4.874ha từ các quận, huyện như: Ba Đình, Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì. Dự án sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nước và làm trong sạch lại các sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó vốn ODA của Nhật Bản là 85%, vốn đối ứng của TP Hà Nội là 15%.

Dự án sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ khoan kích ngầm để thi công tuyến cống bao có độ sâu lên đến 15m đi dưới các tuyến phố đông đúc và công trình ngầm, công nghệ lọc cao tải để xử lý nước thải nồng độ thấp do pha loãng bởi nước mưa...

Theo kế hoạch, các gói thầu khác của dự án cũng sẽ được triển khai đồng loạt trong năm 2017 và các hạng mục của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu (2021).

Phát biểu tại lễ khởi công khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc khởi công Dự án trọng điểm Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thể hiện sự quyết tâm của TP Hà Nội về việc cải thiện môi trường sống cho Nhân dân Thủ đô, dần làm trong sạch lại các dòng sông, tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển Thủ đô bền vững.

Ông Chung cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thanh Trì, UBND xã Thanh Liệt giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân nằm trong diện GPMB. Các nhà thầu thi công xây dựng đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký kết với Nhà đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa công trình vào khai thác vận hành vào cuối 2019.

Cũng tại buổi lễ, Trưởng đoàn Tư vấn Nhật Bản Kunnji Akinaga cam kết khi bắt đầu triển khai thi công dự án từ tháng 5/2017, Liên danh tư vấn sẽ nỗ lực để công trình đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả và chất lượng cao.

Thông tin về dự án này, nhiều tờ báo đã giật những cái tít đầy hy vọng như: “Hà Nội sẽ trả lại màu xanh cho sông Tô Lịch”; “Hệ thống xử lý nước thải 800 triệu USD sẽ “hồi sinh” sông Tô Lịch?”; “Sông Tô Lịch sẽ "hồi sinh" nhờ hệ thống xử lý nước thải 800 triệu”; “Hà Nội khởi công dự án làm sạch lại sông Tô Lịch, sông Lừ”…

Tuy nhiên đến nay, khu đất được khởi công dự án “khủng” này vẫn bỏ hoang. Theo Lãnh đạo xã Thanh Liệt, để chuẩn bị cho dự án, chính quyền xã đã làm rất quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng vì xác định đây là dự án trọng điểm của TP, hơn nữa lại sử dụng vốn ODA Nhật Bản có tiến độ về thời gian. 14 hécta để xây dựng nhà máy này, xã Thanh Liệt đã bàn giao mặt bằng đúng tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, sau khi khởi công, 2 năm đã qua, các hạng mục xây dựng nhà máy này gần như không có bất kỳ động tĩnh gì.

Dự án nhà máy xử lý nước thải làm sạch sông Tô Lịch bị bỏ hoang sau khi khởi công

Dự án nhà máy xử lý nước thải làm sạch sông Tô Lịch bị bỏ hoang sau khi khởi công

Sông Tô Lịch nhiều năm nay đã trở thành dòng sông chết, dù được cải tạo nạo vét nhiều lần. Dù là con sông chảy giữa lòng thành phố nhưng quanh năm có một màu nước đen đặc quánh, bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa khô. Dù cảnh quan hai bên bờ sông đã được cải tạo, kè đá, trồng cây xanh "bốn mùa hoa nở" trông có vẻ rất thơ mộng nhưng không một ai muốn đến gần ngắm cảnh. Với những hộ dân ở gần dòng sông này thì những ngày "giở giời" thực sự là bị tra tấn bởi thứ mùi đáng sợ: Mùi của nước thải.

Sông Tô Lịch, trên bờ hoa nở tưng bừng nhưng không một bóng người đến "thưởng hoa" vì bên dưới là dòng nước thải đen ngòm

Hồi tháng 6/2017, trả lời ý kiến của cử tri về việc làm sạch sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến quý 3/2019, cơ bản nước thải ở các quận nội thành sẽ được thu gom, xử lý. Khi đó, hy vọng nước sông Tô Lịch mới đảm bảo sạch.

Ngoài ra, để đảm bảo lọc nước thì Thành phố đang xây dựng đề án và trong thời gian tới sẽ xây dựng lại cống Liên Mạc và khi xong sẽ bổ sung nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch.

Đến tháng 11/2018, vấn đề cải tạo làm sạch sông Tô Lịch lại một lần nữa được các cử tri quận Hoàn Kiếm đề cập với Chủ tịch Thành phố. Lần này, ông Chung cho biết, Thành phố cũng đang nỗ lực cải tạo, nạo vét, xử lý nước hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sông Tô Lịch bằng cách sẽ đóng 8 cửa xả, bơm bổ sung 10.000m3 nước sạch vào hệ thống này.

Chiều 19/12, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững”, trong đó đề xuất lấy nước sông Hồng để làm sạch hồ Tây và sông Tô Lịch.

Trước đó, Công ty cổ phần hạ tầng Phương Bắc, thuộc Tập đoàn Phương Bắc có công văn gửi các cơ quan chức năng TP.Hà Nội đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch bằng cách xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng cho các đô thị dọc sông Tô Lịch. Nước đổ ra sông Tô Lịch sau khi cải tạo sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên.

Công ty này cũng có ý tưởng sẽ tạo kết nối dòng chảy sông Tô Lịch với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… để lấy nước, tạo thành dòng đối lưu sông - hồ hài hòa, từ đó tạo thành dòng chảy tự nhiên, hình thành hệ sinh thái dưới nước…

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201812/lam-sach-song-to-lich-ha-noi-dang-bo-hoang-du-an-16-nghin-ty-dong-sau-khoi-cong-622610/