Làm sạch sông Tô Lịch: Căn cơ là xử lý nguồn chất thải vào dòng sông

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5 về tính khả thi của đề xuất hỗ trợ giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch từ phía chuyên gia Liên Hợp Quốc.

Đặt vấn đề tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, phóng viên đã nêu câu hỏi quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào khi vừa qua, Thủ tướng có buổi làm việc với một số chuyên gia của Liên Hợp Quốc về việc hỗ trợ Hà Nội làm sạch sông Tô Lịch, việc xử lý này có khả thi không và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về dự án này.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ đã có buổi làm việc với chuyên gia Nhật Bản cũng là chuyên gia của Liên Hợp Quốc về môi trường, và đã đề xuất thử nghiệm công nghệ nano để xử lý mùi của sông Tô Lịch. Đây là công nghệ thân thiện với môi trường, đã được cấp bằng sáng chế ở Nhật.

"Đây mới chỉ là thử nghiệm, Bộ đã giao cho các đơn vị theo dõi và đánh giá. Kết quả thử nghiệm sẽ là cơ sở để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của công nghệ này", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Sông Tô Lịch đã ô nhiễm nhiều năm qua.

Sông Tô Lịch đã ô nhiễm nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho rằng, việc làm sạch sông Tô Lịch bắt buộc phải được giải quyết từ nguồn gây ô nhiễm, các nguồn xả thải từ nước sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân đổ trực tiếp vào lòng sông.

"Xử lý căn cơ vẫn phải là xử lý tại nguồn xả thải, chất ô nhiễm trực tiếp vào lòng sông, các biện pháp khác cũng chỉ là những biện pháp nhất thời. Vấn đề này cần có những giải pháp căn cốt hơn", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Được biết, trước đó, đoàn chuyên gia Liên Hợp Quốc do ông Tadashi Yamamura dẫn đầu đã đề xuất tài trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và Hồ Tây bằng công nghệ mới của Nhật.

Theo đó, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông, vận hành tự động để làm sạch nước, phân hủy bùn, chất thải.

Đây là công nghệ Nano - Bioreactor, tốc độ xử lý siêu nhanh, hứa hẹn chỉ sau vài ngày thì mùi khó chịu từ lòng sông sẽ giảm đáng kể và phân hủy được hết tầng chất thải, bùn nằm dưới lòng sông trong vòng 2 tháng.

P.N

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-sach-song-to-lich-can-co-la-xu-ly-nguon-chat-thai-vao-dong-song-90776.html