Làm sạch bất thành sông Tô Lịch: Xem Singapore hồi sinh sông thối thế nào?

Vào những năm 1960, người dân Singapore cũng từng đối mặt với tình trạng ô nhiễm sông ngòi nặng giống như sông Tô Lịch của Việt Nam. Đứng trước vấn đề này, giới chức Singapore cùng các chuyên gia, người dân chung tay thực hiện để hồi sinh các dòng sông.

Những ngày qua, dư luận trong nước xôn xao trước việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc làm này đã khiến sông Tô Lịch có sự thay đổi lớn với màu nước chuyển từ đen, ô nhiễm sang nước khá trong và xanh hơn.

Thế nhưng, tình trạng này chỉ tồn tại trong vài ngày trước nước sông Tô Lịch lại bắt đầu chuyển về màu nước đen xì như trước. Không những vậy, một số lượng nhỏ cá chết nổi lên hai bên bờ bốc mùi hôi thối.

Sông Tô Lịch trở nên đen kịt, bốc mùi hôi thối trở lại sau khi tiến hành xả nước từ hồ Tây vào. Ảnh: Tiền Phong.

Sông Tô Lịch trở nên đen kịt, bốc mùi hôi thối trở lại sau khi tiến hành xả nước từ hồ Tây vào. Ảnh: Tiền Phong.

Vấn đề sông ô nhiễm, bốc mùi hôi thối không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là tình trạng chung mà nhiều nước phải đối mặt. Trong số này có đất nước Singapore. Quốc đảo sư tử này từng đối mặt với tình trạng sông, suối bị ô nhiễm nặng, tràn ngập rác vào những năm 1960. Trước vấn đề này, chính quyền Singapore đã nỗ lực làm sạch các con sông thối để môi trường trở nên xanh - sạch - đẹp.

Vào thời điểm ấy, Thủ tướng Lý Quang Diệu bổ nhiệm Lee Ek Tieng chịu trách nhiệm kế hoạch đắp đập tất cả các con sông, suối. Lee Ek Tieng là một kỹ sư dân sự. Về sau, ông trở thành người đứng đầu tổ chức chống ô nhiễm. Kế hoạch làm sạch sông thối được thực hiện trong khoảng 10 năm.

Khi bắt tay thực hiện dự án làm sạch sông thối, Thủ tướng Lý Quang Diệu đối mặt với nhiều ý kiến phản đối từ các quan chức trong chính quyền cũng như một số người dân. Thế nhưng, với quyết tâm lớn nhằm xử lý sông bẩn, Thủ tướng Lý Quang Diệu kiên quyết thực hiện dự án.

Theo đó, kỹ sư Lee Ek Tieng phụ trách thực hiện dự án tổng thể để làm sạch các con sông gây ô nhiễm. Cụ thể, toàn bộ nhà ổ chuột ven sông được di dời. Hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán ven sông được chuyển tới các trung tâm thương mại, được hưởng trợ cấp, ưu đãi thuế... Giới chức trách ban lệnh cấm tất cả trang trại lợn và nhà máy đầu nguồn gây xả nước thải gây ô nhiễm.

Song song với đó, chính quyền Singapore tiến hành lắp đặt lại toàn bộ hệ thống nước thải phải xử lý ở các khu dân cư trước khi xả ra sông. Chuyển tàu bè hoạt động từ cảng sông sang cảng biển. Một phần quan trọng đóng vào thành công của dự án là giới chức trách tuyên truyền và giáo dục người dân không vứt rác thải ra sông. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, Singapore phạt nặng đối với các hành vi vi phạm xả rác thải ra sông, suối.

Video: Sông Tô Lịch đổi màu khi sử dụng “thần dược” Nhật Bản (nguồn: VTC Now)

Sau gần 10 năm thực hiện dư án làm sạch sông thối với nguồn kinh phí khoảng 170 triệu đô la Singapore, chính quyền của Thủ tướng Lý Quang Diệu hồi sinh các dòng sông. Nhờ vậy, Singapore từng bước trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp nhất thế giới.

Nhìn vào những gì mà chính quyền Singapore làm được để giải quyết vấn đề sông ô nhiễm nặng mới thấy với nỗ lực và quyết tâm cao, mọi cơ quan, tổ chức và người dân cùng chung tay làm sạch các dòng sông thì sẽ đạt được hiệu quả ngoài mong đợi. Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm làm sạch sông thối của Singapore. Từ đó, giới chức trách và các chuyên gia, nhà khoa học tìm ra giải pháp xử lý các dòng sông ô nhiễm như sông Tô Lịch phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, để dự án làm sạch sông đạt hiệu quả cần có sự ủng hộ và chung tay thực hiện của mỗi người dân. Có như vậy, những con sông ô nhiễm sẽ sớm trở nên xanh, sạch hơn.

Tâm Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/lam-sach-bat-thanh-song-to-lich-xem-singapore-hoi-sinh-song-thoi-the-nao-1253967.html