Làm ruộng trên đỉnh Pà Hốc

Ðã 10 vụ mùa trôi qua, năm nào kho lúa của gia đình ông Và Tổng Sử cũng đầy. Ðó là giống lúa được Và Tổng Sử gieo trồng ở ruộng bậc thang, tận trên đỉnh Pà Hốc. Khi ấy chẳng ai ở bản Thằm Thẩm tin việc này, vì trên đỉnh Pà Hốc, đất ít, đá nhiều.

Ông Và Tổng Sử chăm sóc ruộng lúa của gia đình.

Ông Và Tổng Sử chăm sóc ruộng lúa của gia đình.

Ðã 10 vụ mùa trôi qua, năm nào kho lúa của gia đình ông Và Tổng Sử cũng đầy. Ðó là giống lúa được Và Tổng Sử gieo trồng ở ruộng bậc thang, tận trên đỉnh Pà Hốc. Khi ấy chẳng ai ở bản Thằm Thẩm tin việc này, vì trên đỉnh Pà Hốc, đất ít, đá nhiều.

Và Tổng Sử sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An). Mẹ Và Tổng Sử mất khi anh mới được ba tuổi. Vào năm 2003, Và Tổng Sử cùng vợ con di cư từ Huồi Cọ xuống bản Thằm Thẩm. Trong một lần phát nương làm rẫy trên đỉnh Pà Hốc, Tổng Sử đã phát hiện nơi này có thể làm được ruộng bậc thang. Nhưng để đưa con nước về, lại không dễ như cái bụng của Tổng Sử nghĩ, vì nước ở trên đỉnh Pà Hốc cách xa hàng trăm cái cán quốc. Và Tổng Sử chia sẻ: Làm mương dẫn nước về ruộng trên đỉnh Pà Hốc chỗ nào cũng khó; khó nhất là đá to quá không đào được. Nhưng rồi sau ba tháng tôi cứ lấy xà-beng bào mòn dần dần, bên dưới lấy đá đắp kè cho nước chảy qua.

Sau khi nước đã về, vợ chồng Và Tổng Sử bắt đầu cuốc đất khai hoang để làm ruộng lúa. Vụ mùa đầu tiên lúa rất tốt, lá xanh không bị sâu cuốn, bông nhiều. Vợ chồng Tổng Sử thu lúa đầy kho. Thấy làm ruộng lúa công chăm sóc ít, thời gian ngắn, lại thu được nhiều lúa, vợ con Tổng Sử tiếp tục làm thêm gần 40 bậc nữa.

Người Thái, người Khơ Mú thường ví người Mông chăm chỉ, cần mẫn như con ong mật. Khi sương chưa tan, trời chưa sáng, đã thấy gùi lúa trên đỉnh núi. Nhưng tại sao nhiều người Mông vẫn cứ nghèo, con cháu ít được học cái chữ? Ðể tìm lời giải, anh quyết định đầu tư tiếp vào việc chăn nuôi. Sau nhiều năm chăm bẵm, hiện nay anh đã có hơn 40 con bò, 50 con lợn, 300 con gà đen, mỗi năm đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, khó khăn, cuộc sống nay đây, mai đó, Và Tổng Sử trở thành "triệu phú trên đỉnh Pà Hốc".

Tin Và Tổng Sử làm ruộng bậc thang, nuôi được nhiều bò, lợn trên đỉnh Pà Hốc bán được nhiều tiền truyền đi khắp mường trên, bản dưới. Học cách làm kinh tế của Và Tổng Sử, bản Thằm Thẩm đã có hơn 10 hộ dân làm ruộng lúa nước, kết hợp chăn nuôi trâu, bò. Anh Và Sái Dênh chia sẻ: Thấy anh Và Tổng Sử làm ruộng được gạo ăn cả năm, tôi cũng nhờ anh Tổng Sử bày cho cách làm ruộng bậc thang, giờ đây gia đình đã làm được ruộng, gạo đủ ăn cả năm, cuộc sống ổn định.

Người Mông, người Khơ Mú ở bản Thằm Thẩm ngợi khen người nông dân Và Tổng Sử từ hai bàn tay trắng đã mài đá, phá lèn, gieo nên những hạt lúa vàng trên đỉnh Pà Hốc.

Bài và ảnh: Ðình Tỷ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37355102-lam-ruong-tren-dinh-pa-hoc.html