Làm rõ vấn đề xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại phiên họp thứ 26 diễn ra vào chiều 10/8. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại Kỳ họp thứ tư và kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp thứ năm, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, ngày 10/7/2018, UBTP đã có Báo cáo xin ý kiến UBTVQH về 4 vấn đề lớn của dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 25 (ngày 13/7/2018), UBTVQH đã cho ý kiến thống nhất về 3 nội dung gồm: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập và phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Còn nội dung về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) do vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thông qua.

Ngày 23/7/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì làm việc với lãnh đạo các cơ quan hữu quan để thảo luận về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Tại cuộc họp, các cơ quan tham dự đã thống nhất bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại Tòa án.

Tới nay, dự luật được xây dựng với bố cục gồm 11 chương với 95 điều, quy định quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Dự luật nêu rõ các hành vi tham nhũng, trong đó có các hành vi cụ thể là: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vì vụ lợi...

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Các phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) là vấn đề lớn được các thành viên UBTVQH thảo luận, làm rõ tại phiên họp.

Về vấn đề này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế; một số ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế bảo đảm phù hợp với thực tiễn; có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mà không dùng Luật này để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Nhiều ý kiến đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đã phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án.

Đối với phương án 1 (phương án thu thuế), theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Quy định này phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc chứng minh tội phạm, vi phạm pháp luật… Nhược điểm của phương án này là chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch với ý nghĩa là một biện pháp nhằm phòng chống tham nhũng; chưa giải quyết vấn đề thực tiễn đang đặt ra; có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Đồng thời, việc quy định thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình cũng chưa có căn cứ hợp lý. Phương án này cũng dẫn đến phải sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất.

Về phương án 2 (xử phạt hành chính), ưu điểm của phương án này là bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như Luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập; gián tiếp xử lý được tài sản, thu nhập qua mức phạt tiền tương xứng mà không gặp phải vướng mắc về căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến xử lý tài sản. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là vấn đề mà thực tiễn công tác PCTN đang gặp rất nhiều vướng mắc. Đồng thời, hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Do đó, dự thảo Luật quy định một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật sau đó lại bị xử lý hành chính là chưa thật sự hợp lý.

Về phương án 3 (xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự), theo bà Nga đây phương án này là vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN....

Đồng thời, phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự. Về trách nhiệm chứng minh, phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự (đa số các trường hợp, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện)…

Theo bà Nga, qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTP và Cơ quan trình dự án thấy rằng phương án 2 (xử phạt hành chính) có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Đối với phương án 1 và phương án 3, đề nghị lựa chọn phương án 3 là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, theo bà Nga, UBTP và Cơ quan trình dự án đề nghị UBTVQH báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến về 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Cụ thể, phương án 1: Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước; việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do Tòa án quyết định.

Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm sau đây: Nếu người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự. Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc không công nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự quy định tại khoản này.

Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm: chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do phạm tội mà có; chuyển vụ việc sang cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do vi phạm hành chính mà có; nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Người nộp thuế theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện Quyết định của cơ quan quản lý thuế ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là một dự án luật rất quan trọng và đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp và dự kiến sẽ được thông qua ở kỳ họp thứ 6 tới để giải quyết những bất cập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và cũng là để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Trên tinh thần phòng ngừa là chính, song chống là quan trọng, trong quá trình xây dựng dự án Luật, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến và làm rõ được nhiều vấn đề, tuy nhiên vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng còn có nhiều ý kiến khác khác nhau và tại phiên họp này, UBTVQH cũng đã thảo luận hết sức sôi nổi, thẳng thắn về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, sau phiên họp, vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tập trung vào 2 phương án. Phương án thứ nhất là phương án xử lý bằng giải quyết tố tụng dân sự tại tòa án và phương án thứ 2 là phương án về thuế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ, dù là phương án nào thì cũng phải khẳng định quan điểm thống nhất là tài sản do tham nhũng mà có hoặc có nguồn gốc từ tham nhũng là phải tịch thu. Nếu như có dấu hiệu phạm tội, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, bổ sung, chỉnh lý dự án luật; xây dựng dự thảo báo cáo để xin ý kiến Bộ Chính trị về những vấn đề liên quan đến dự án Luật, bảo đảm luật được xây dựng và ban hành đáp ứng được các yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế-xã hội của nước ta./.

Theo Nguyễn Hoàng/Baochinhphu.vn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/lam-ro-van-de-xu-ly-tai-san-tang-them-khong-giai-trinh-duoc-nguon-goc.html