Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu gây chậm trễ thoái vốn, cổ phần hóa

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực để hoàn thiện thể chế về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước. Các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính cũng đã tích cực làm việc với các địa phương, doanh nghiệp (DN) để nắm bắt vướng mắc, chủ động có giải pháp thúc đẩy CPH, thoái vốn nhà nước. Song, tiến độ chung vẫn rất chậm. Một nguyên nhân được chỉ ra và cũng cần phải được giải quyết kịp thời đó là nhận thức của người đứng đầu DN.

VNPT nằm trong danh sách CPH 2019 song đã và đang tiến hành các bước chuẩn bị khá tốt để kịp xác định giá trị DN đúng thời điểm. Ảnh: ST.

Cuộc cách mạng về thể chế

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2018, có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An - Đăk Nông; Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk; Công ty TNHH MTV Vạn Tường – Quân khu 5; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp,... Tổng giá trị DN được phê duyệt là 29,4 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty, DN đã thoái được 3 nghìn tỷ đồng, thu về 7,9 nghìn tỷ đồng. Thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm là 622 tỷ đồng, thu về 725 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện thoái vốn tại 8 DN với giá trị 212 tỷ đồng, thu về 2,6 nghìn tỷ đồng; thoái vốn 2,16 nghìn tỷ đồng và thu về khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư các lĩnh vực khác.

Tiến độ CPH và thoái vốn nói trên khá chậm và nhiều khả năng khó đạt kế hoạch 85 DN CPH và 181 DN thoái vốn của năm nay.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho rằng: Chính phủ đã hoàn thiện về mặt thể chế theo Nghị quyết Trung ương 5 với tinh thần quyết liệt bám sát nguyên tắc thị trường, tuân thủ pháp luật, công khai minh bạch. Trong đó, các lỗ hổng đã được xử lý, những vướng mắc trong xử lý đất đai, định giá DN được quy định rõ ràng để khắc phục những tồn tại trong quá trình CPH trước đây.

"Với những quy định đảm bảo được yêu cầu của Đảng, của Quốc hội, đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của người dân về quá trình CPH phải đi vào thực chất, đảm bảo lợi ích của nhà nước, của nhân dân, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai và minh bạch, thì đây thực sự là một cuộc cách mạng thay đổi về nhận thức, về cách làm. Chính vì vậy, khi các DN tiến hành CPH sẽ thấy bỡ ngỡ, không đơn giản. Và thường thì các DN thích làm những gì dễ, đơn giản, đặc biệt là những DN có nhiều tồn tại, nhiều đất đai chưa được xử lý, hay những DN có lợi thế thì họ càng thấy đây là áp lực" - ông Tiến chia sẻ. Hơn thế nữa, để CPH đúng theo quy định đòi hỏi phải có sự chuẩn bị bài bản, lộ trình rõ ràng. Nếu lãnh đạo DN không có ý thức chủ động, quyết liệt thì việc triển khai CPH rất khó đáp ứng tiến độ.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2018, qua các buổi làm việc với một số đơn vị có kế hoạch CPH năm 2019 như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT)…, Bộ Tài chính nhận thấy, ngay từ đầu năm 2018, các đơn vị này đã tiếp cận các văn bản pháp quy mới, chuẩn bị các phương án, sắp xếp đất đai. Như vậy, đến 31/12/2018 khi chốt được thời điểm xác định giá trị DN, hầu như các phương án đã xong hết. Nhưng ngược lại, đơn vị nào còn chần chừ, không chuẩn bị từ trước thì sẽ không thể kịp, nhất là những đơn vị có kế hoạch trong năm 2018. Vì thế, Bộ Tài chính đánh giá nguyên nhân chậm là do nhận thức của người đứng đầu DN, ảnh hưởng đến tổ chức công việc.

Bên cạnh đó, việc áp dụng nhiều quy định mới chặt chẽ hơn đòi hỏi chất lượng tư vấn DN cũng phải được nâng cao. Đây cũng là một nguyên nhân khiến đơn vị tư vấn e dè, bởi trong quy định mới về CPH, DN đủ điều kiện là có thể cung cấp dịch vụ nhưng nếu làm sai phải chịu trách nhiệm. Sau khi định giá, một số trường hợp Kiểm toán Nhà nước vẫn xem xét lại, nếu làm sai sẽ bị xử lý, do đó đơn vị tư vấn cũng ngần ngại khi làm dịch vụ xác định giá trị DN khi CPH, thoái vốn.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo ông Tiến, việc tuân thủ kỷ cương, kỷ luật của người đứng đầu DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các chỉ đạo của Chính phủ chưa nghiêm. Năm nay, Chính phủ đã nêu rõ khẩu hiệu hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó kỷ cương là yếu tố hàng đầu.

Không làm bằng mọi giá

Đưa ra giải pháp, đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần phải "xốc" lại yếu tố kỷ luật, kỷ cương bằng nhiều giải pháp. Chẳng hạn như mạnh dạn công bố những địa phương, DN làm chậm, trì hoãn không triển khai, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Vừa qua, khi thực hiện giám sát chuyên đề về CPH, Quốc hội đã nêu giải pháp là lấy kết quả việc triển khai CPH, thoái vốn theo đúng tiến độ được giao làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành của người đứng đầu ở cả bộ, ngành, địa phương. Đây là những việc cần phải thực hiện cương quyết. Nếu những vấn đề này được giải quyết, bao gồm nhận thức, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường giám sát kiểm tra và nâng cao vai trò người đứng đầu thì tiến độ CPH sẽ đảm bảo.

Ở khía cạnh khác, tuy tiến độ CPH và thoái vốn đang chậm nhưng Chính phủ cũng không đặt ra mục tiêu CPH, thoái vốn bằng mọi giá. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới DN đã nói rõ: “Không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa”. Các đơn vị bám sát tiến độ nhưng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch theo thị trường, gắn trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của các bên tư vấn. Có như vậy quá trình CPH, thoái vốn mới hiệu quả, loại bỏ được tiêu cực. Trong quá trình này, địa phương nào, DN nào chậm thì phải chấp nhận các biện pháp xử phạt, cả về hành chính, phê bình và khiển trách bằng hình thức kỷ luật để giữ kỷ cương, chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho thị trường hay vấn đề xử lý tài chính. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong bộ, đặc biệt là Cục Quản lý công sản về sắp xếp đất đai đối với DN CPH và Cục Tài chính DN về xử lý các vấn đề tài chính phối hợp làm việc với các địa phương, DN, qua đó nắm bắt tình hình, chủ động có giải pháp xử lý để DN, địa phương có thể triển khai sớm.

Với phần còn lại năm 2018, các giải pháp đã đầy đủ, vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Ngoài ý thức trách nhiệm của người đứng đầu thì còn phải có sự giám sát kiểm tra, công khai những việc làm được, chưa được, có sự giám sát của người dân, nhà đầu tư, báo chí truyền thông,...

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-ro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-gay-cham-tre-thoai-von-co-phan-hoa.aspx