Làm rõ nguyên nhân đất ngập úng và nhiễm mặn ở Vĩnh Tân

Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích cây trồng của các hộ dân, nhất là cây trôm trên địa bàn thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị chết hàng loạt do đất bị ngập úng, nguồn nước và đất bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân dẫn đến nước và đất bị nhiễm mặn.

Cây trôm của gia đình ông Trương Tấn Ðức, ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) ra mủ rất ít hoặc không có, do cây bị úng nước và đất nhiễm mặn.

Cây trôm của gia đình ông Trương Tấn Ðức, ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) ra mủ rất ít hoặc không có, do cây bị úng nước và đất nhiễm mặn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích cây trồng của các hộ dân, nhất là cây trôm trên địa bàn thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị chết hàng loạt do đất bị ngập úng, nguồn nước và đất bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân dẫn đến nước và đất bị nhiễm mặn.

Ðất ngập úng và nhiễm mặn bất thường

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngân ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong có diện tích 2,5 ha trồng các loại cây. Trước đây, tùy theo từng mùa, gia đình chị trồng các loại cây phù hợp, nhưng chủ yếu là các loại cây ngắn ngày như: dưa, ớt, hành… Từ hơn hai năm nay, khu vực đất sản xuất của gia đình chị thường xuyên bị ngập nước không rõ nguyên nhân làm cây bị úng chết. Gia đình chị đã đầu tư hơn 100 triệu đồng chuyển sang trồng 1,5 ha cây trôm để lấy mủ (đây là loại cây lâu năm thích nghi với vùng đất Tuy Phong) với hy vọng cây sẽ đem lại thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm, cây trôm có hiện tượng chết dần.

Ngay cạnh khu đất sản xuất của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân là hơn 2 ha cây trôm đang thời kỳ thu hoạch của gia đình ông Trương Tấn Ðức. Ông Ðức cho biết, gia đình đã trồng cây trôm từ 9 đến 10 năm nay, hiện đang mùa thu hoạch, thu nhập bình quân có thể đạt từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, từ khi bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, không hiểu sao khu vực này lại bị ngập úng, làm cho cây trôm không ra mủ hoặc có ra thì rất ít, thu nhập của gia đình vì thế mà giảm hẳn.

Trước thực trạng nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng khảo sát, xác định nguyên nhân. Kết quả cho thấy phần lớn cây trôm trồng trên diện tích 3,25 ha của năm hộ dân tại khu vực Chùa Linh Sơn, xã Vĩnh Tân đều có hiện tượng trụi lá, khô cành. Một số cây tuy vẫn ra một ít lá non, nhưng bộ rễ đã bị hư, thối do úng nước lâu ngày. Qua phân tích các mẫu đất, mẫu nước tại đây cho thấy, hàm lượng Clorua trong nước ngầm vượt từ 1,2 đến 1,8 lần mức độ cho phép; hàm lượng tổng số muối hòa tan trong đất tại khu vực gần bãi thải xỉ cho thấy đất mặn và rất mặn. Bước đầu xác định cây chết có thể do nhiều nguyên nhân như: đất bị ngập úng, nguồn nước và đất bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là vì sao nước giếng, đất của các hộ dân bị nhiễm mặn thì vẫn chưa rõ.

Theo báo cáo giải trình về thông tin nhiễm mặn tại khu vực chung quanh bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ngày 4-5-2017 của Tổng công ty Phát điện 3, nền của bãi xỉ được thiết kế gồm ba lớp: lớp dưới cùng là lớp đất bảo vệ được đầm chặt, có độ dày từ 0,6 m đến 1 m; lớp giữa là màng chống thấm và lớp trên cùng là đất đệm, được đầm chặt dày 0,3 m. Với thiết kế này bảo đảm không thấm nước bên trong bãi xỉ ra môi trường. Nguồn nước được sử dụng để trộn ẩm tại si-lô tro và tưới giữ ẩm bãi xỉ là nước xả lọc thẩm thấu RO của hệ thống khử khoáng (là nước ngọt) và nguồn nước ngọt từ hồ Ðá Bạc do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cấp. Không dùng nước nhiễm mặn để tưới giữ ẩm bãi xỉ.

Cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục

Do kết quả khảo sát bước đầu của các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận và báo cáo của Tổng công ty Phát điện 3 vẫn chưa làm rõ được căn nguyên đất ngập úng và nhiễm mặn tại khu vực gần bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, ngày 15-5-2017 UBND tỉnh Bình Thuận đã chọn Viện Môi trường và Tài nguyên (Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị độc lập để xác định nguyên nhân cây chết, nước giếng bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng, nhiễm mặn và phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại tại khu vực này.

Báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, nguyên nhân nước thải sau hệ thống xử lý tập trung thường có độ mặn cao do nhà máy sử dụng một lượng khá lớn các hóa chất NaOH và HCl trong quá trình xử lý nước và nước thải, phản ứng tự trung hòa lẫn nhau tạo ra muối NaCl. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tập trung có tiếp nhận các dòng nước thải từ quá trình rửa ngược thiết bị RO; từ quá trình hoàn nguyên hệ thống xử lý nước khử khoáng, thiết bị RO, hệ thống Polishing. Các loại nước thải này thường có độ mặn cao, trong khi công nghệ được áp dụng cho hệ thống xử lý nước thải tập trung không có công đoạn xử lý độ mặn, vì thế nước sau xử lý thường có độ mặn cao. Việc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, sử dụng một phần nước thải sau xử lý từ hệ thống tập trung để tưới giữ ẩm cho bãi xỉ trong một thời gian dài sẽ làm tăng độ mặn trong khu vực bãi xỉ.

Hiện Viện Môi trường và Tài nguyên đang khẩn trương phân tích các mẫu nước, đất đã lấy cho nên vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Kỳ họp thứ tư HÐND tỉnh Bình Thuận khóa 10 đã thông qua Nghị quyết về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Trung tâm Ðiện lực Vĩnh Tân và Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân, trong đó nêu rõ cần phải sớm có kết luận về nguyên nhân cây chết, nước giếng bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng, nhiễm mặn ở khu vực chung quanh bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Trước mắt, chỉ đạo việc tham mưu, đề xuất hỗ trợ người dân có cây bị chết do ảnh hưởng đất bị ngập úng, đất và nước bị nhiễm mặn ở khu vực bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ổn định cuộc sống.

THANH HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33571602-lam-ro-nguyen-nhan-dat-ngap-ung-va-nhiem-man-o-vinh-tan.html