Làm rõ nguy cơ có làm phát sinh điều kiện kinh doanh mới?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, vừa góp ý vào Dự thảo Đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Dự thảo đề xuất sửa đổi các quy định về giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo hướng yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi đưa các sản phẩm hoặc dịch vụ ứng dụng công nghệ mới ra thực tiễn. Theo VCCI, quy định này dự kiến sẽ có tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định này có trùng lặp với các nghĩa vụ mà các doanh nghiệp đang phải đáp ứng theo quy định của pháp luật hay có phát sinh thủ tục hành chính hoặc điều kiện kinh doanh mới cho các doanh nghiệp hay không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chẳng hạn, hiện nay, một số doanh nghiệp công nghệ xây dựng các nền tảng trung gian để hỗ trợ giao dịch của các doanh nghiệp với khách hàng (như các sàn bất động sản trực tuyến, ứng dụng công chứng trực tuyến…). Hầu hết các trường hợp này đều không hoặc chưa thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc bổ sung quy định trên liệu có nguy cơ đặt ra các điều kiện kinh doanh mới cho các doanh nghiệp này hay không?

Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ, tài liệu. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện pháp luật không có quy định cho phép hoặc quy chuẩn cho việc lưu trữ bản sao điện tử, dẫn đến doanh nghiệp phải thực hiện lưu trữ bằng giấy chỉ để phục vụ cho quản lý nhà nước. Kể cả trong trường hợp đã triển khai nhận biết khách hàng qua phương thức trực tuyến (eKyC) và thực hiện giao dịch trực tuyến nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chuyển đổi các tài liệu ra giấy để lưu trữ.

Việc này khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí lưu trữ hồ sơ, mất nhiều thời gian trong việc truy xuất thông tin và đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình số hóa quy trình hoạt động.

Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị bổ sung quy định cho phép các đối tượng báo cáo được lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo phương thức điện tử.

Bên cạnh đó, Điều 11 Luật Phòng, chống rửa tiền yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Một trong những cơ sở tài liệu, dữ liệu lớn nhất và đáng tin cậy nhất để doanh nghiệp thực hiện đối chiếu thông tin là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu này để tra cứu thông tin một cách thủ công, mà chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ. Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến việc tự động hóa và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp.

Do vậy, VCCI đề nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lam-ro-nguy-co-co-lam-phat-sinh-dieu-kien-kinh-doanh-moi-233414.html