Làm rõ nghi vấn 'cát tặc' hoành hành dưới chân núi Cô Tô

Nhiều người dân và cả khách du lịch tỏ ra bức xúc vì cho rằng cát tặc đã hoành hành dưới chân núi Cô Tô nhưng chính quyền địa phương ngó lơ

Nhiều ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh lòng hồ Soài Chek dưới chân núi Cô Tô (thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) xuất hiện nhiều xe chuyên dụng ra vào khu vực này để chở cát đi nơi khác khiến bụi bay mù mịt. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì cho rằng hồ Soài Chek vốn có cảnh quan tuyệt đẹp với chân núi Cô Tô và là nơi được rất nhiều khách du lịch biết đến nhưng nay lại bị "cát tặc" hoành hành một cách công khai giữa ban ngày.

Hồ Soài Chek dưới chân núi Cô Tô đang được nạo vét để trữ nước nhưng nhiều người nghi ngờ do "cát tặc" khai thác trái phép

Hồ Soài Chek dưới chân núi Cô Tô đang được nạo vét để trữ nước nhưng nhiều người nghi ngờ do "cát tặc" khai thác trái phép

Về vấn đề này, ông Trần Văn Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tri Tôn, cho biết cũng đã nắm được thông tin này từ nhiều ngày qua. Tuy nhiên, đây chỉ là công trình nạo vét lòng hồ theo dự án đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt từ khoảng tháng 6-2018. Nguyên nhân là do trước đây đơn vị thi công không bóc tầng phủ mà chỉ làm con đập chắn ngang để ngăn nước lại nên lòng hồ có độ sâu chưa đến 1 m. Do đó, lòng hồ thường bị trơ đáy do lượng nước bốc hơi vào những tháng mùa khô. Trước tình hình này, UBND huyện Tri Tôn có báo cáo lên Sở NN-PTNT và UBND tỉnh để đến khảo sát. Qua đó, đoàn công tác nhận thấy hồ này không trữ được nhiều nước để phục vụ cho nhu cầu sản xuất đối với nhiều diện tích đất nông nghiệp vùng phía sau. Do đó, UBND huyện Tri Tôn đề xuất phương án nạo vét lòng hồ để nâng sức chứa từ 270.000 m3 lên 620.000 m3.

"Sau khi được tỉnh thống nhất, UBND huyện tiến hành các bước theo hướng dẫn như thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như phương án sử dụng nguồn cát tận dụng như thế nào cho hợp lý nhất. Sau đó, huyện cho đấu thầu công khai nhưng chỉ có một doanh nghiệp đăng ký nên đã ra quyết định chấp thuận cho đơn vị này thực hiện theo hình thức xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách địa phương", ông Cường khẳng định.

Cũng theo ông Cường, hồ Soài Chek có tổng diện tích hơn 50 ha. Mục đích của việc nạo vét là nâng sức chứa của hồ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, phòng chống cháy rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hiện, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cũng đang trình UBND tỉnh này đề xuất cho khai thác đa mục tiêu hồ Soài Chek kết hợp cảnh quan để phục vụ du lịch. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2020. Ngoài ra, UBND huyện Tri Tôn cũng đang gấp rút thi công xây dựng sân đua bò tại khu vực gần hồ Soài Chek nên lượng cát tận thu sẽ được chuyển về đây làm mặt bằng. Khi 2 công trình này hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng sẽ là điểm nhấn về du lịch của địa phương do có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp dưới chân núi Cô Tô với những cung đường kết nối với các khu du lịch lân cận như đồi Tức Dụp.

T.Nốt

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lam-ro-nghi-van-cat-tac-hoanh-hanh-duoi-chan-nui-co-to-20190506102549154.htm