Làm rõ mục đích người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Người Trung Quốc nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam không chỉ vi phạm chủ quyền mà còn khó kiểm soát các hoạt động phạm tội, phi pháp

Trước thực trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ngày càng tăng, Bộ Công an mới đây cho biết đang tổng kiểm tra rà soát để xác định đường đi, mục đích cụ thể của những người nhập cảnh trái phép để xử lý.

Công an khám xét, thu giữ nhiều máy móc sản xuất ma túy trong các nhà xưởng. Ảnh: CAND

Công an khám xét, thu giữ nhiều máy móc sản xuất ma túy trong các nhà xưởng. Ảnh: CAND

Thông tin trên khiến nhiều người quan tâm, bởi cũng tại thời này, cơ quan công an vừa thông báo đã phát hiện 1.443 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tính từ đầu năm 2021 tới nay. Trong đó, xử lý, khởi tố 49 vụ, với 141 đối tượng. Đáng nói, chỉ trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, thời điểm diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp thì tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng... cơ quan công an đã phải phá khóa, phục kích, bắt giữ hàng trăm đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang thuê chung cư, khách sạn cao cấp cư trú bất hợp pháp gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bàn về hiện tượng này, ông Nguyễn Anh Sơn - nguyên ĐQBH Khóa XIII nhận định, hiện tượng người Trung Quốc nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam không phải ngày một ngày hai. Những vụ việc được phát hiện chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Lập luận cho quan điểm trên, ông Sơn đặt ra ba câu hỏi:

Thứ nhất, vì sao những người Trung Quốc nhập cảnh được vào Việt Nam? Họ vào bằng con đường nào và mục đích là gì?

Thứ hai, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan tới người Trung Quốc vấn đề này cần phải được cảnh giác và xử lý như thế nào?

Thứ ba, những ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp này? Và cần nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm quản lý địa bàn, bảo vệ an ninh trật tự?

Liên quan tới ba câu hỏi trên, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng cơ quan công an cần thiết phải điều tra để làm rõ vấn đề.

Bên cạnh đó, những người nhập cảnh trái phép cũng sẽ mang theo những nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, kể cả các vấn đề về an ninh trật tự cũng như các hoạt động phạm tội nghiêm trọng khác.

Nhắc lại hàng loạt các vụ việc sai phạm đã xảy ra gần đây liên quan tới người Trung Quốc như: thuê trẻ em đóng "phim người lớn" đã bị phát hiện và bắt giữ tại Đà Nẵng.

Bắt nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi tại TP.HCM; bắt nhóm người Trung Quốc đánh cắp thông tin thẻ ATM.

Và gần đây là phá đường dây sản xuất ma túy quy mô lớn tại Kon Tum. Đáng chú ý, trong số này có cả đối tượng đang mang án tù chung thân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thuê nhà xưởng, vận chuyển thiết bị, máy móc, tiền chất để sản xuất ma túy ở Bình Định, sau đó lại chuyển vào TP.HCM rồi qua Kon Tum...

Còn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, từ Trung ương, tới địa phương đang kích hoạt cao độ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thì việc liên tục phát hiện những người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam là rất đáng lo ngại. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

Trường hợp này, ông Sơn cho rằn ngoài việc phải điều tra, làm rõ mục đích, ý đồ cũng như đường vào của những người Trung Quốc cũng cần phải kiên quyết xử lý, kể cả phải truy tố, trục xuất khi cần thiết.

"Tôi xin nhấn mạnh, một người không thể làm được. Người Trung Quốc sang Việt Nam không tự nhiên tìm, thuê nhà để ở được mà phải có người mách nước, tìm mối. Trong việc này liệu có phải chỉ một vài cá nhân nhỏ lẻ tham gia hay còn là cả một đường dây? Việc này phải được làm rõ thế nào? Và phải xử lý ra sao đó là trách nhiệm của các cơ quan công an điều tra", ông Sơn nói rõ.

Với góc nhìn cá nhân, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng để xảy ra tình trạng trên đầu tiên vẫn là do lỗ hổng trong công tác quản lý trên địa bàn.

Ông Sơn phân tích, việc phát hiện hàng nghìn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam cho thấy vấn đề về quản lý cư trú, dân cư, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh có lỗ hổng.

Theo quy định pháp luật chỉ những nhà đầu tư, thương nhân, chuyên gia, khách du lịch mới được lưu trú tại Việt Nam với các điều kiện quản lý rất nghiêm ngặt.

Trên thực tế, các quy định yêu cầu khai báo tạm trú, xuất nhập cảnh, quản lý lao động nước ngoài đều đã có, thế nhưng, vẫn để lọt những đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép rồi lưu trú lại luôn.

Ở đây cần phải xem lại công tác quản lý, việc thực thi các quy định pháp luật trong rà soát, kiểm tra, yêu cầu khai báo...

Tiếp nữa cũng phải xem lại các quy định cho phép người nước ngoài đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức kinh doanh trá hình, kinh doanh nhỏ lẻ, nhờ người mua đất để ở lại Việt Nam.

Vấn đề nữa là việc thực thi pháp luật, xử lý những trường hợp sai phạm cần thực hiện nghiêm khắc, nghiêm minh với những trường hợp phạm tội để răn đe.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Nguyễn Anh Sơn kiến nghị cần phải quy trách nhiệm rõ ràng về việc quản lý cư trú của người nước ngoài. Cụ thể là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các quy định xuất nhập cảnh, các cơ quan quản lý hành chính, cơ quan ông an từng địa bàn phải chịu trách nhiệm chính. Nếu để xảy ra hiện tượng trên, những người đứng đầu tại các cơ quan, địa phương này phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Đối với các cơ sở lưu trú nếu bị phát hiện để lọt người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp phải đóng cửa cơ sở lưu trú, thậm chí phải truy tố, khởi tố hình sự nếu hành vi sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với những người dân nếu phát hiện tham gia tiếp tay, móc nối, tham gia vào đường dây tổ chức, đưa người nước ngoài vào Việt Nam bất hợp pháp, tìm kiếm cơ sở lưu trú cho người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp cũng bị xử lý nghiêm khắc, kể cả truy tố trước pháp luật.

"Chỉ cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, xử lý nghiêm khắc người vi phạm chắc chắn tính trạng vi phạm sẽ hạn chế rất nhiều", ông Sơn nói.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-ro-muc-dich-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-3431752/