Làm rõ hơn các trường hợp phải chấm dứt hợp đồng tại các dự án PPP

Các trường hợp phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại các dự án PPP sẽ được quy định rõ hơn tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư PPP.

Quá trình lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sẽ cung cấp nhiều kinh nghiệm thực tế quý giá cho cơ quan chủ trì soạn thảo các nghị định hướng dẫn Luật PPP.

Đây là thông tin được bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đưa ra tại cuộc tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” tổ chức vào chiều ngày 19/10.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đang xây dựng 2 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP để xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư gồm Dự thảo Nghị định hướng dẫn chung gồm 7 chương và 46 điều; Dự thảo Nghị định hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP gồm 9 chương và 89 điều.

Theo ông Trần Chủng – Chủ tịch VARSI, trong số các nhóm vấn đề được Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn Luật PPP thì lĩnh vực và quy mô tổng mức đầu tư các dự án PPP; việc thành lập hội đồng thẩm định dự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; quy trình dự án PPP; cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước... đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

“Đây là những vấn đề rất cần được cụ thể hóa, hướng dẫn sớm để Luật PPP đảm bảo tính khả thi khi có hiệu lực vào đầu năm nay”, đại diện VARSI nêu quan điểm.

Là đơn vị tham gia nhiều dự án BOT, ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cho biết, qua thực tiễn khi thực hiện dự án BOT giao thông từ giai đoạn tham gia lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, khai thác, vận hành đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách chưa được quy định đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn một cách chi tiết.

Đối với việc xác định hành vi “chậm trễ” của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, ông Đặng Xuân Chinh cho rằng cần phải quy định cụ thể thời gian chậm trễ tại dự thảo Nghị định hoặc được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án và xem xét nhà đầu tư có thể đẩy nhanh thi công để bù đắp bằng tiền độ được hay không.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại Điều 33 Dự thảo Nghị định chung quy định về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bởi cơ quan ký kết hợp đồng đã liệt kê các trường hợp được coi là vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Trong đó các trường hợp bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bởi cơ quan có thẩm quyền gồm: chậm trễ hoàn thành các mốc thời gian trong giai đoạn xây dựng hoặc dừng vệc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công khi không có sự chấp thuận của cơ quan ký kết hợp đồng và không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định tại hợp đồng”; tỷ lệ phạt giá trị hợp đồng và giá hợp đồng vượt hạn mức cho phép quy định tại Hợp đồng”; chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án PPP mà không có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”…

Theo Tập đoàn Đèo Cả, đối với việc xác định hành vi “chậm trễ” của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cần phải quy định cụ thể thời gian chậm trễ tại dự thảo Nghị định hoặc được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án và xem xét nhà đầu tư có thể đẩy nhanh thi công để bù đắp bằng tiền độ được hay không.

“Cần quy định rõ thời gian bao lâu kể từ ngày đến hạn, thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hay chỉ cần quá ngày quy định mốc thời gian trong hợp đồng là được coi là chậm trễ và cơ quan ký kết hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng?

Trường hợp chậm trễ này phải được các bên xác định là do nguyên nhân chủ quan của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì mới là căn cứ để xác định đó là vi phạm của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”, ông Chinh nêu quan điểm.

Đối với việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp mà không có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vị Trưởng ban Pháp chế - Tập đoàn Đèo Cả cho rằng Luật PPP đã cho phép các nhà đầu tư chuyển nhượng một phần cổ phần, phần vốn giữa nhà đầu tư trong liên danh để tăng cường năng lực tài chính, linh hoạt dòng tiền góp vốn nhằm tháo gỡ các khó khăn vì các dự án PPP là các dự án có suất đầu tư lớn do đó, nên đề nghị sửa đổi nội dung điểm d như sau: “ Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án PPP theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư mà không có sự chấp thuận của cơ quan ký kết hợp đồng”.

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu, các quy định liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ được Ban soạn thảo tiếp tục ghi nhận ý kiến của các cơ quan liên quan để cụ thể hóa trong các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP để nhằm đảm bảo quyền, trách nhiệm của cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Mỹ (USAID) cho biết: “Qua dự án nghiên cứu đánh giá và phân tích- (dự án LEAP III) của USAID, chúng tôi đã tiến hành xem xét để đánh giá Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật PPP từ phương diện tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị, mua sắm và thực hiện PPP ở Việt Nam hay không?”
Đại diện USAID cho rằng, cần đưa ra các thủ tục và quy trình rõ ràng nhằm hướng dẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật PPP. Các thủ tục phải cụ thể, rõ ràng và khả thi. Quan trọng hơn, các thủ tục không được tạo ra những trở ngại hành chính cho cả cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-ro-hon-cac-truong-hop-phai-cham-dut-hop-dong-tai-cac-du-an-ppp-d131682.html