Làm rõ động cơ trong vụ thông tin sai về nước mắm

Việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đưa ra kết quả khảo sát sai lệch nước mắm, đã gây hoang mang dư luận và thiệt hại cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm trên cả nước. Ngay sau khi báo chí cùng các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc, cho thấy kết quả khảo sát của Vinastas không minh bạch, có sự tài trợ của một công ty truyền thông.

Vừa qua, Vinastas đã đưa ra thông tin về kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc cho thấy 95,65% số mẫu khảo sát được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định; đăng các bài viết cảnh báo 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn và đưa các thông tin không có cơ sở khoa học gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có chức năng vào cuộc, làm rõ thông tin, đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong việc đưa thông tin của Vinastas. Kết quả kiểm tra của đoàn Thanh tra liên bộ: Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho thấy, việc khảo sát nước mắm của Vinastas không bảo đảm tính độc lập, không tin cậy và thiếu minh bạch. Việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Vinastas và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát; quá trình lấy mẫu thiếu tin cậy, không có hóa đơn, không được mã hóa trước khi thử nghiệm; việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH liên doanh T&A Ogilvy, không bảo đảm tính độc lập theo quy định…

Theo PGS, TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam (thuộc Vusta), việc đưa ra các thông tin từ một tổ chức đều phải lấy cơ sở khoa học và khách quan, không vụ lợi làm tiêu chí hoạt động hàng đầu. Đây là một sai phạm nghiêm trọng của Vinastas, không chỉ gây hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà còn khiến xã hội hiểu sai về các tổ chức hội nghề nghiệp khác. Sự cố truyền thông do Vinastas gây ra nếu không được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, rất có thể sẽ gây ra tác hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Thực tế nói trên cho thấy, các cấp có thẩm quyền cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc lợi dụng phương tiện truyền thông đưa ra thông tin sai lệch, gây rối loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc có mưu đồ xấu gây mất ổn định kinh tế, xã hội. Theo một lãnh đạo của Vinastas, ngay khi biết thông tin lãnh đạo hội đã triệu tập họp thường vụ để tìm hướng xử lý vụ việc, nhưng có nhiều người vắng nên phải hoãn. Ngày 24-11, Chủ tịch Vinastas Đoàn Phương là người chịu trách nhiệm về cuộc khảo sát nói trên đã ra thông báo xin lỗi người tiêu dùng, nhà sản xuất, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về sự cố nói trên. Lý do được đưa ra là nhóm thực hiện chương trình đã thông tin chưa thận trọng, đồng nhất khái niệm Arsen với thạch tín không đúng theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam. Vinastas sẽ kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, kiện toàn tổ chức, quy chế làm việc để không xảy ra sai sót tương tự.

Nhưng theo các chuyên gia, việc đưa ra cáo lỗi của Vinastas còn chưa rõ ràng, chỉ mang tính chất “vuốt đuôi”, xoa dịu dư luận và chưa thật sự chỉ rõ được những sai phạm và tiêu cực của các cá nhân có liên quan cũng như hình thức xử lý. Các cơ quan chức năng đã có kết luận về sai phạm, cho nên Ban chấp hành của Vinastas cần nhanh chóng tổ chức cuộc họp bất thường để xem xét, kiểm điểm và đưa ra các hình thức xử lý đối với cá nhân đã sai phạm, không để sự việc “chìm xuồng”. Cần làm rõ đơn vị nào thật sự đứng đằng sau việc tài trợ cho Vinastas thông qua Công ty TNHH liên doanh T&A Ogilvy để tổ chức kế hoạch “truyền thông bẩn” này.

Ngày 30-11, chúng tôi có buổi trao đổi ý kiến với GS, TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), được biết, Vusta không phải là cấp trên trực tiếp của Vinastas, cho nên để xử lý sai phạm của Vinastas rất khó. Trách nhiệm của Vusta theo quy định chỉ là điều hòa, phối hợp giữa các hội thành viên nếu họ có yêu cầu. Do đó, những việc làm của Vinastas là hoàn toàn độc lập, không liên quan, Vusta không được biết và hơn nữa không có thẩm quyền để xử lý. Ngày 29-11, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao Bộ Công thương chỉ đạo Vinastas cải chính thông tin đã công bố về chất lượng nước mắm, tổ chức kiểm điểm, làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Hội; yêu cầu Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệ hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các vấn đề tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Vinastas; chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách pháp lý của Vinastas trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các vi phạm của hội này theo quy định.

Qua sự việc trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần có những quy chế, quy định quản lý chặt chẽ hoạt động của các hội nghề nghiệp, tránh để xảy ra những sai phạm tương tự. Nhất là phải có những biện pháp mạnh để quản lý về nhân sự và những chế tài đủ mạnh để xử lý những cá nhân, tổ chức chỉ làm những việc có lợi cho bản thân, mà gây thiệt hại cho những người họ nhân danh bảo vệ.

Mặt khác, cần điều tra tận gốc các đơn vị, tổ chức công bố những thông tin sai sự thật, xem xét động cơ nào để các đơn vị đó tổ chức công bố thông tin, sau đó đối chiếu quy định pháp luật chuyên ngành và xử lý tương xứng hậu quả gây ra. Các cơ quan thông tin đại chúng cần thận trọng trong việc thu thập và phân tích, xác minh tính chân thực của thông tin; cân nhắc và xử lý thông tin đúng sự thật, bảo đảm lợi ích quốc gia. Có như vậy mới ngăn chặn được sự cố truyền thông có thể gây thiệt hại cho sản xuất và kinh doanh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31425802-lam-ro-dong-co-trong-vu-thong-tin-sai-ve-nuoc-mam.html