'Làm ra đất nước', là ai?

Lại một tuần bộn bề tin tức. Có sự kiện mà thời khắc của nó có lẽ sẽ đi vào lịch sử. Như việc bắt tạm giam Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên quan đến án hình sự. Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Thủ đô kể từ 1945 đến nay.

Có chuyện về một nhân vật mà cả nước đã rất “quen”, nhưng vẫn chưa hết “lạ”. Là việc ông Đoàn Ngọc Hải vừa bỏ tiền sắm chiếc xe cứu thương tự nguyện làm tài xế chở miễn phí bệnh nhân nghèo đi cấp cứu. Sẵn sàng chạy xuyên Việt.

Có chuyện bệnh nhân ở Đà Nẵng tử vong, gia đình đã khâm liệm chuẩn bị mai táng thì phát hiện mắc COVID-19! Thế là vội vàng đem đi hỏa táng, ai nấy hoảng hồn xét nghiệm, cách ly… Lại có chuyện một nữ biên tập viên đài truyền hình quốc gia nổi tiếng sang chảnh, “chân yếu tay mềm” bỗng chốc bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích,…

Nữ sinh An Giang điểm 10 môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT đang bị dư luận “soi”gắt. Khi cô kể với báo chí rằng mình đưa nhân vật Gatsby vào phần thi về những người “Làm ra đất nước”. Gần triệu thí sinh cả nước, chỉ có hai điểm 10 môn Ngữ văn, không soi sao được! Dù đã đính chính, rằng “run quá nên nhớ nhầm” khi trả lời phóng viên báo nọ, nhưng sự hoài nghi có lẽ vẫn chưa buông tha nữ sinh này.

Bài Văn điểm 10 ấy khi chưa được đọc, thì mọi bình luận chỉ là võ đoán. Nhưng tôi nghĩ, kể cả dùng hình ảnh “tay chơi” Gatsby để phân tích, bình luận về chủ đề những người “Làm ra đất nước”, cũng hoàn toàn bình thường. “Tay chơi” Mỹ ấy cũng góp phần tạo ra một thời đại của một đất nước đấy chứ! Trong bình luận văn học, không có sự khu biệt “giới tuyến” nào đối với những tác phẩm/nhân vật được sử dụng làm dẫn chứng. Miễn người sử dụng chất liệu dẫn chứng ấy không tạo ra sự “lệch pha”, phi logic về lập luận trong văn bản.

Văn, hay là đời? Một cô giáo dạy giỏi môn Văn ở Đà Nẵng hôm qua ra tòa lĩnh án tù vì tội tiếp tay cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Cũng trùng khớp với thời điểm dịch COVID bùng phát trở lại tại địa phương này, khiến cả nước đang phải căng mình ra chống đỡ. Văn, hay là đời? Những người “làm ra đất nước”, họ là ai, trong bài giảng của cô giáo ấy?

Đời sống vốn, và sẽ càng thêm bề bộn, luôn khiến chúng ta bối rối. Mà “chúng ta” là ai? Có phải là những người đang “làm ra đất nước” hôm nay?

Hôm qua, 29/8 - là ngày tưởng niệm cặp đôi thi sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đột ngột chia tay đời sống này 32 năm về trước. Đọc lại đôi câu thơ cũ của Lưu Quang Vũ, trong thi phẩm “Người cùng tôi”:“Tôi tìm đời tôi trong số phận người/ Tìm lẽ phải nơi trán người bình tĩnh”. Thi sĩ đang nói về “người”, tức là nhân dân. Những người “làm ra đất nước”. Chữ “người” ở đây trong các văn bản đang phổ biến đáng lẽ phải được viết hoa.

Còn chúng ta, có xứng đáng được viết hoa không?

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/lam-ra-dat-nuoc-la-ai-1713750.tpo