Làm quen với sức mạnh của USD

Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2019, mặc dù Fed đã xác nhận sự thay đổi trong chính sách tiền tệ theo hướng ôn hòa hơn, USD vẫn tiếp tục nhận được những lợi thế so với các đồng tiền khác.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ cho phép Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần liên tục trong năm 2018, bất chấp những lời chỉ trích nặng nề của Tổng thống Trump. Cùng với tỷ lệ tăng trưởng yếu ớt bên ngoài nước Mỹ, 2018 được ghi nhận là một trong những năm tăng giá mạnh nhất của USD, khi chỉ số US Dollar Index (đo sức mạnh của đồng bạc xanh) trong rổ các đồng tiền chủ chốt đã tăng tổng cộng 4,4%.

Chỉ là tạm ngừng tăng

Từ cuối năm 2018, trong bối cảnh Fed phát đi tín hiệu tạm dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài 3 năm và đồng thời nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) khác đều được dự đoán sẽ khởi động tiến trình tăng lãi suất sau nhiều năm giữ ở mức thấp kỉ lục, giới đầu tư bắt đầu dự đoán USD sẽ bước vào giai đoạn giảm giá. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát 60 chuyên gia tiền tệ của Reuters hồi tháng 12/2018, USD được dự báo sẽ giảm giá mạnh so với các loại tiền tệ chủ chốt trong năm 2019.

USD vẫn tiếp tục nhận được những lợi thế so với các đồng tiền khác. (Nguồn: Finance-monthly)

Tuy nhiên, thực tế không như dự đoán, USD đã không suy yếu. Những tháng đầu năm 2019, USD vẫn tiếp tục tăng giá. Sau khi giảm khoảng 2% vào tháng 12/2018 và tháng 1/2019, chỉ số US Dollar Index đã phục hồi nhanh chóng khi tăng 1% trong tháng 2 và xác lập mức đỉnh cao nhất trong 21 tháng vào ngày 7/3.

Tiếp tục từ những tin tức tiêu cực về Brexit gây suy yếu đồng Bảng Anh, những quan ngại về chiến tranh thương mại, USD còn có thêm động lực tăng giá khi các NHTW lớn đang “nối bước” Fed, từ bỏ hoặc hoãn lại các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Bởi vậy, dù Fed đã tuyên bố “kiên nhẫn” về chính sách trong năm 2019, tạm dừng các quá trình nâng lãi suất kéo dài suốt 3 năm qua, USD vẫn tiếp tục có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Cụ thể, trong cuộc họp chính sách tháng 3, NHTW châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỉ lục, đồng thời đẩy lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất sang năm 2020, thay vì nửa cuối 2019 như kế hoạch ban đầu. Còn các nhà làm chính sách Nhật Bản cho biết có thể bơm thêm các gói kích thích, nếu nền kinh tế không tăng trưởng như kì vọng. Trong khi đó, Canada, Australia, Thụy Điển… đều cho biết, không chắc chắn về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.

Trong buổi phỏng vấn với Reuters mới đây, Giám đốc đầu tư tiền tệ của JP Morgan Roger Hallam phân tích, sự chênh lệch lãi suất hiện tại cũng là yếu tố hỗ trợ USD trong những tháng tới. Ngay cả khi lãi suất của Mỹ không tăng thêm, USD vẫn có ưu thế khi so sánh với mức lãi suất âm tại Eurozone, Nhật Bản hay Thụy Sĩ...

Sự dịch chuyển lập trường của Fed xuất phát từ những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ, biến động trên thị trường tài chính, tình trạng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng trong Biên bản họp chính sách tiền tệ tháng 1, Fed vẫn cho thấy một quan điểm thận trọng. Bởi vậy, Fed có thể sẽ không hoàn toàn ôn hòa như những gì thị trường kì vọng. Quan điểm chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể khiến Fed chỉ đưa chiến dịch tăng lãi suất vào tình trạng tạm dừng kéo dài.

Không hẳn là toàn bất lợi

Tỷ giá trở thành vấn đề “nóng” trên thị trường tài chính toàn cầu. Đà tăng của USD đã khiến dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng rút khỏi các thị trường cận biên và mới nổi để quay trở lại Mỹ và gây ra áp lực lên tỷ giá hối đoái tại các quốc gia bị rút vốn mạnh. Trong lúc này, các nhà đầu tư thường có rất nhiều nỗi lo sợ và thêm hoang mang về những áp lực mới lên lợi nhuận và tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.

Chiến lược gia của State Street Global Micheal Arone từng nói rằng: “Đây là một thách thức lớn đối với thị trường chứng khoán vì trên thực tế, 40% tiền kiếm được của S&P 500 đến từ bên ngoài Mỹ. Tôi không nghĩ rằng nước Mỹ có thể tiếp tục lâu dài với tình hình này”.

Trong một phát biểu mới đây, chính Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Fed: “Tôi muốn một USD mạnh, nhưng tôi muốn một đồng USD tuyệt vời cho đất nước, chứ không phải một đồng USD mạnh đến nỗi cản trở chúng ta cạnh tranh với các quốc gia khác”.

Chuyện tăng giá của USD tiếp tục là một yếu tố đáng quan tâm khi nó vẫn không ngừng tăng và trở thành chủ đề chính gây ra hàng loạt lo lắng trên thị trường. Nhiều người đã cảm thấy sợ khi các số liệu khả quan của doanh nghiệp bắt nguồn từ việc USD tăng giá.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, trên đà tăng của tỷ giá USD/VND sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng USD, cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng USD sẽ có lợi.

Như vậy, USD tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành từ thủy sản, dệt may, cao su, gia công và xuất khẩu phần mềm... Tùy theo hoạt động sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ có thể được hưởng lợi hoặc không, nhờ tỷ giá.

Chẳng hạn, theo phân tích của VnDirect, với các doanh nghiệp dệt may, đà tăng của tỷ giá sẽ có tác động hai chiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, do đó tỷ giá USD/VND tăng sẽ làm đội giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp dệt may cũng là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có nguồn thu ngoại tệ ổn định. Do đó, sự biến động của tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, hoặc thậm chí có lợi nếu doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn và ít nợ vay bằng USD.

Hoặc Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ tỷ giá tăng. Bởi các doanh nghiệp này có lượng khách hàng nước ngoài lớn, thường chiếm từ 50 -80% tổng số khách hàng và có giá cho thuê đất được tính bằng USD.

Trung Kiên

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/lam-quen-voi-suc-manh-cua-usd-89679.html