Lam Phương - Túy Hồng: Cặp nghệ sĩ lẫy lừng một thời

Ban kịch Sống của Túy Hồng thành công một phần do biết kết hợp khéo léo âm nhạc của Lam Phương. Vợ chồng nghệ sĩ cũng mời nhiều ngôi sao tham gia vở diễn giúp thu hút công chúng.

Những thao thức về chuyện tình buồn được “gom góp” trong một góc nhỏ đời sống nội tâm riêng tư của Lam Phương, tưởng chừng khó ai chạm đến. Chúng lặng lẽ chảy trên những khuông nhạc u hoài. Dù đời sống gia đình Lam Phương - Túy Hồng vẫn là một hình ảnh mẫu mực mà nhiều người làm văn nghệ thời đó mơ ước.

Họ là cặp đôi danh tiếng bậc nhất Sài Gòn. Chồng viết nhạc đều tay và ca khúc nào cũng được công chúng đón nhận, yêu thích. Vợ chỉ cần bước lên sân khấu kịch Kim Cương là nước mắt thiên hạ chảy tuôn...

Công nghệ truyền thông từ báo chí Sài Gòn góp phần cho thành công đó của phần nhiều các nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của truyền hình ngày 7/2/1966 mới là yếu tố lịch sử đưa tên tuổi giới nghệ sĩ Sài Gòn ra khỏi ranh giới miền Nam. [...]

Nguồn diễn viên trong nước luôn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, nên các nghệ sĩ cải lương thường được mời vào vai trong các bộ phim nhựa, truyền hình. Tên tuổi sáng giá nhất trong làng điện ảnh sơ khai này chính là người đẹp Thẩm Thúy Hằng, cô được đặt biệt danh là “người đẹp Bình Dương”.

Người đẹp Bình Dương là bộ phim được đạo diễn Nguyễn Thành Châu, nghệ danh Năm Châu biên kịch. Thẩm Thúy Hằng được giao vai chính. Bộ phim đưa Thẩm Thúy Hằng bước vào thế giới danh vọng của một minh tinh đô thành Sài Gòn. [...] Thẩm Thúy Hằng được giới yêu điện ảnh châu Á biết đến bởi tài năng và sự miệt mài cống hiến cho nghệ thuật.

Nếu như Thẩm Thúy Hằng đang sừng sững trên màn bạc thì Túy Hồng cũng đang là ngôi sao sáng trên sân khấu kịch. Qua nhiều hình ảnh thời trẻ, Túy Hồng có vẻ dịu dàng, đằm thắm của kiểu phụ nữ Nam Bộ. Còn Thẩm Thúy Hằng, người đẹp có xuất thân từ Hải Phòng mang vẻ đẹp sang cả, bốc lửa quyến rũ không kém những diễn viên màn bạc bên Tây.

Túy Hồng và Thẩm Thúy Hằng thường xuyên cộng tác với nhau trong chương trình 0 giờ khoảng năm 1966 đến 1968. Lúc này Truyền hình Việt Nam đã xây dựng thêm đài mới ở Cần Thơ nên tên tuổi hai nữ nghệ sĩ xinh đẹp càng lan rộng ở miền Nam. Đến năm 1971, cùng với Sài Gòn, Cần Thơ, các địa phương như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang lần lượt có đài truyền hình.

[...]

Lệnh giới nghiêm được ban bố. Nhiều sân khấu kịch, vũ trường, phòng trà ca nhạc bị tạm thời gián đoạn [...]. Trong số các vũ trường bị đóng cửa tạm thời có Maxim’s trên đường Tự Do. Nhà riêng của Hoàng Thi Thơ, ông chủ Maxim’s trở thành nơi tá túc của nhiều nghệ sĩ thất thời chờ đợi ngày sân khấu sáng đèn. (Trong đó có người đẹp Cẩm Hường mà về sau, cuộc đời run rủi đưa đẩy bà sang Paris gặp gỡ Lam Phương. Để rồi cuộc hạnh ngộ này đã đem lại cho Lam Phương những ca khúc đẹp tuyệt vời về tình yêu!) [...]

 Túy Hồng (vai Phượng) và La Thoại Tân (vai Lương) trong phim Nhà tôi. Ảnh: Lao động Online.

Túy Hồng (vai Phượng) và La Thoại Tân (vai Lương) trong phim Nhà tôi. Ảnh: Lao động Online.

Từ chỗ phải nghỉ diễn sau Tết do chiến tranh, Lam Phương nảy sinh ý tưởng cùng Túy Hồng lập đoàn kịch riêng. Được sự động viên của chồng, Túy Hồng thành lập Ban kịch Sống. Cùng với Ban Thẩm Thúy Hằng, Ban Kim Cương, Ban kịch Sống là một trong ba ban thoại kịch lừng danh nhất Sài Gòn bấy giờ. Kéo theo sự nổi tiếng, Lam Phương - Túy Hồng tạo dựng một đẳng cấp khác trong giới sân khấu đại chúng.

Ký giả Băng Huyền thời báo Viễn Đông dẫn lời tâm sự của Túy Hồng về thời kỳ ra đời của Sống:

Sự kết hợp hài hòa của âm nhạc Lam Phương và Kịch Sống Túy Hồng đã nổi bật cho vở kịch và cũng nổi bật cho bài hát. Ví dụ, bài Thành phố buồn - được lồng trong vở kịch Phi vụ cuối cùng. Bài Nghẹn ngào lồng trong vở kịch Tình thiên thu. Bài Thu sầu, trong Bóng ngã giáo đường.

[...]

Vừa ra đời, Ban kịch Sống Túy Hồng nhanh chóng có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Các kịch bản do chính Túy Hồng viết dưới bút danh Tú Hà bao giờ cũng hấp dẫn mọi tầng lớp khán giả, nhất là tầng lớp bình dân. Các vở kịch thường kết thúc có hậu.

Kinh nghiệm tích cóp được từ những năm tháng ở Ban Dân Nam rồi Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng đã làm cho sân khấu kín chỗ ngồi. Cách nghệ sĩ này làm là mời gọi các ngôi sao từ nhiều lĩnh vực giải trí khác cùng tham gia. Ngày nay, kiểu truyền thông tiếp thị này không mới, nhưng ở thập niên 1960 thì đó là cách thức đầy sáng tạo:

"Trong mỗi vở diễn, tôi luôn mời một hay hai nghệ sĩ nổi tiếng ở các lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, cải lương... tham gia. Ví dụ có mời nữ tài tử Kim Vui, nghệ sĩ Ánh Nga, nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được, La Thoại Tân, nghệ sĩ Bạch Tuyết, nghệ sĩ Mộng Tuyền... với những vai diễn cũng đặc biệt, chứ không chỉ xuất hiện vài phút. Tài nghệ của họ được phô trương trong vở kịch của Ban kịch Sống Túy Hồng.

Riêng với lãnh vực điện ảnh, lúc bấy giờ, tôi có thành lập hãng phim Sống, vừa làm nhà sản xuất, vừa đóng vai chính của ba phim Gác chuông nhà thờ (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Nhà tôi (đạo diễn Lê Dân), và phim hài Lệnh bà xã".

Nguyễn Thanh Nhã / Phan Book và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cap-doi-danh-tieng-bac-nhat-sai-gon-lung-lay-voi-kich-tuy-hong-post1166790.html