Làm phố đi bộ kiểu 'chấm phá' ở TP.HCM sẽ không hiệu quả

Tôn trọng ý tưởng của các địa phương trong việc đề xuất hình thành phố đi bộ, tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng nếu làm không khéo có thể sẽ 'biến tướng'.

Bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM khóa IX lần thứ 23, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ với Zing quan điểm về đề xuất mở phố đi bộ của quận 3 nói riêng và việc quy hoạch phố đi bộ nói chung của thành phố.

Ông Hoan cho rằng đây là ý tưởng tốt nhưng cần phải có cái nhìn tổng thể, không thể làm manh mún, giống như phong trào.

"Làm phố đi bộ không khéo lại thành lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ủng hộ nhưng phải có cân nhắc về mặt chuyên môn", vị phó chủ tịch đánh giá.

Quận 3 có vị trí đẹp nhưng nhiều nơi cũng vậy

Ông Hoan tán thành rằng quận 3 có vị trí đẹp để làm phố đi bộ khi ở gần nhiều địa danh nổi tiếng như Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập... Tuy nhiên, ông cho rằng không chỉ quận 3 mà nhiều nơi khác cũng có vị trí đẹp, ví dụ như khu vực Phú Mỹ Hưng ở quận 7.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết ông không phản đối đề xuất mở thêm phố đi bộ nhưng cần phải có cái nhìn tổng thể chung, có đề án liên kết giữa các địa phương. Quận làm nhưng sở, ngành phải phối hợp. Trong quy hoạch, thành phố cũng đã có ý tưởng thành lập một khu phố đi bộ nội đô với không gian lớn và có tính liên kết cao.

"Mình chấm phá những nét như vậy sẽ không hiệu quả. Khi có chủ trương, quyết định và sự phối hợp của các cấp chính quyền thì sẽ có mỹ quan hơn, đẳng cấp hơn", ông Hoan tái khẳng định cách làm nhỏ lẻ, manh mún sẽ không mang lại hiệu quả.

 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Quang Huy.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Quang Huy.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM phân tích rằng mỗi địa phương có thể tìm thêm một nét độc đáo để phát triển, ví dụ như phố đi bộ. Thế nhưng, nếu làm không khéo, quản lý không tốt thì lại thành lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, buôn bán tràn lan, khó quản lý.

"Những chợ dạng phố đi bộ thì cần nhưng phải hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc. Nếu không, nó sẽ thành biến tướng. Phải có đề án, phương án tổ chức, quản lý, bảo vệ, phải có nét riêng, nét độc đáo".

Ông Hoan cho biết thành phố đang chủ yếu tập trung quy hoạch khu nội đô (quận 1, quận 3) thành phố đi bộ, trong đó, trọng tâm vẫn là quận 1. Cụ thể là các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi và dần dần mở rộng ra xung quanh. Khu phố trung tâm này có nhiều loại hình tham quan, du lịch như bảo tàng, Dinh Độc Lập, công viên, sân chơi, bãi cỏ, du thuyền, trung tâm thương mại...

Lãnh đạo thành phố cho rằng việc hình thành phố đi bộ không thể chỉ nhìn ở góc độ giao thông, quy hoạch mà cần phải có góc độ văn hóa. Nếu làm linh tinh, không có kế hoạch, chủ đề thì sẽ rất nguy hiểm.

"Tôn trọng ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo nhưng cũng cần lưu ý mỗi địa phương có lựa chọn nhưng lựa chọn phải hết sức cẩn trọng. Nếu đã lựa chọn thì phải có đề án, có phương án tổ chức, quản lý thật tốt, đảm bảo tất cả các điều kiện của phố đi bộ như vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự…", ông Hoan nhận định.

Nói về đề xuất hình thành phố đi bộ của quận 3, ông Hoan cho biết sau khi đơn vị này làm thí điểm một thời gian, thành phố sẽ xem xét, đánh giá cụ thể.

Hạn chế của phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ

Ở góc độ quy hoạch các tuyến phố đi bộ tại TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết tổ chức không gian đi bộ là một trong những giải pháp và chiến lược về mặt quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện và đáng sống. Định hướng này cũng bám sát mục tiêu Chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị được Đảng bộ Thành phố đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X.

Tuy nhiên, ông Nhã nhận định các dự án phố đi bộ từng triển khai trên thực tế đã đặt ra cho công tác quản lý, chỉnh trang không gian công cộng của trung tâm thành phố một số vấn đề. Cụ thể là cần hoàn thiện tính hữu dụng, sự hợp lý trong phân khu chức năng và khả năng kết nối mở rộng.

Phố đi bộ Bùi Viện đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Nhã, qua quá trình triển khai, đi vào hoạt động, các tuyến phố đi bộ đã phát sinh những thách thức cần giải quyết về mặt thiết kế, chức năng sử dụng và khả năng đảm bảo liên kết với các khu vực xung quanh.

"Đơn cử như khả năng sử dụng không gian trên trục đường Nguyễn Huệ chỉ diễn ra trong một số thời điểm nhất định, tập trung vào buổi chiều tối. Đường Bùi Viện chỉ có thể tổ chức đi bộ được vào buổi tối hai ngày cuối tuần", ông Nhã nêu vấn đề.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng nguyên nhân của thực tế trên là do tính linh hoạt của không gian chưa đảm bảo, khả năng thích ứng của người dân, du khách với điều kiện khí hậu nhiệt đới trong giờ nắng trải còn hạn chế. Trong khi con đường vẫn đóng vai trò chính trong đáp ứng nhu cầu, phục vụ chức năng cho giao thông cơ giới trong sinh hoạt.

Ông Nhã chỉ ra rằng đây là một trong những lưu ý quan trọng để các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khắc phục phù hợp với tình hình thực tiễn và thói quen sinh hoạt của người dân trong khu vực. Ví dụ như vận dụng đồng bộ các công cụ pháp lý quy hoạch để điều chỉnh bổ sung phân khu chức năng, bố trí hợp lý các không gian đệm tiếp cận, rà soát điều phối năng lực của các bãi đỗ xe, tăng cường áp dụng công nghệ trong các biện pháp cải thiện vi khí hậu (gồm các thông số của môi trường không khí như nhiệt độ, độ ẩm...)…

Trước đó, ngày 26/11, Bí thư Quận ủy Quận 3 Phạm Thành Kiên cho biết UBND quận 3 đã xây dựng đề án chỉnh trang, tổ chức phố đi bộ hồ Con Rùa và phố đi bộ tuyến Nguyễn Thượng Hiền. Hiện, quận 3 đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan để hoàn chỉnh đề án trình UBND TP.HCM trong tháng 12/2020.

Phố đi bộ mở rộng ở trung tâm TP.HCM có gì? Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, khu vực phố đi bộ mở rộng chia thành 7 tiểu khu đặc trưng trên các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung, Thi Sách (quận 1).

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-vo-van-hoan-lam-pho-di-bo-kieu-cham-pha-se-khong-hieu-qua-post1160921.html