Làm phim theo... mốt

'Hễ một bộ phim nào đó gặt hái thành công, tạo được tiếng vang là y như rằng sau đó sẽ có vô số phim bắt chước làm theo mô típ đó với suy nghĩ người ta 'ăn' được thì mình cũng 'ăn' được. Nên phim Việt lâu nay cứ chạy theo trào lưu chứ ít người dám bứt phá, sáng tạo riêng' - nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương thẳng thắn.

Giai đoạn 10 năm trước, dòng hài nhảm trở thành xu hướng hot của các nhà làm phim. Nhà nhà người người chạy theo hài nhảm. Bây giờ, căn bệnh “thấy người ăn khoai...” vẫn ám ảnh phim Việt. Hết rộ lên làn sóng phim remake (phim làm lại từ các bộ phim nước ngoài ăn khách) lại đến phim ngôn tình, phim thanh xuân... tràn ngập phóng vé.

Từ doanh thu hơn 100 tỷ đồng của “Em là bà nội của anh” (làm lại từ “Miss Granny”, Hàn Quốc) năm 2015, dòng phim remake được mới dịp nở nồi dù trước đó cũng có vài phim remake gây chú ý như “Yêu” (làm lại từ phim Thái Lan) của Việt Max. Cái mốc 100 tỷ trở thành mục tiêu hấp dẫn để các nhà sản xuất săn đón vô số kịch bản phim remake đình đám từ Thái Lan, Hàn Quốc như “Bạn gái tôi là sếp” (làm lại từ “ATM – Lỗi tình yêu”, Thái Lan), “Sắc đẹp ngàn cân”, “Tháng năm rực rỡ”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Yêu đi đừng sợ”, “Yêu em bất chấp”... (Hàn Quốc).

Năm 2018, dòng phim remake bắt đầu có dấu hiệu thoái trào với hàng loạt phim “ngã ngựa” (Trong ảnh: “Yêu em bất chấp” trở thành phiên bản Việt hóa lỗi của “Cô nàng ngổ ngáo”, Hàn Quốc).

Khi dòng remake có vẻ chững lại, trào lưu phim ngôn tình, thanh xuân được dịp làm mưa làm gió. Cũng bắt nguồn từ thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và một số phim tạo được tiếng vang như “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, “Sài Gòn: anh yêu em”... những bộ phim về mối tình tươi đẹp, ngây ngô và lãng mạn chiếm lĩnh màn ảnh. Bốn phim trong “câu lạc bộ trăm tỷ” đã có đến ba phim thuộc dòng thanh xuân, ngôn tình gồm “Em là bà nội của anh”, “Em chưa 18”, “Siêu sao, siêu ngố”.

Những bộ phim khác như “Tháng năm rực rỡ”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Chờ em đến ngày mai”, “4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu” ... cũng gặt hái doanh thu ổn định dù vẫn vấp sạn. Sau loạt phim trình làng như “Em gái mưa”, “Mối tình đầu”, “100 ngày bên em”, “Thạch thảo”, “Nhắm mắt thấy mùa hè”... vẫn còn vô số phim thanh xuân ngôn tình đang chờ ra rạp như "Ngốc ơi tuổi 17", "Thầy ơi! Em có bầu", “Bình tĩnh mà yêu”, “Cà chớn anh đừng đi”, “Thật tuyệt vời khi ở bên em”, “Mùa tử đằng yêu em”...

Vì “thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù có bị cảm lạnh nhưng chúng ta vẫn luôn khát khao được đắm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa” nên những bộ phim gợi về một thời đôi mươi hay ấu thơ tươi đẹp được giới trẻ vô cùng ưu ái.

Theo đạo diễn Luk Vân, giới trẻ cũng chính là lượng khán giả chủ yếu của rạp chiếu do đó nếu biết cách khai thác dòng thanh xuân, ngôn tình một cách chỉn chu, cảm xúc và phù hợp tâm lý thì dễ dàng làm nên chuyện. Cũng như phim remake, phim ngôn tình thanh xuân là dòng phim không quá tốn kém, dễ làm, dễ thu hồi vốn, lại ít bị kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Ở địa hạt truyền hình, hiện nay, mốt làm phim phần kế tiếp hoặc trào lưu crossover (tức làm phần tiền truyện, hậu truyện, ngoại truyện) ăn theo những bộ phim đình đám trước đó cũng khuynh đảo. Những bộ phim chiếu cách đây 20 năm như “Những ngọn nến trong đêm”, “Hoa cỏ may”, “Phía trước là bầu trời”... hay mới đây là “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Cả một đời ân oán”, “Quỳnh búp bê”... tạo nên cơn sốt trong khán giả khiến người trong cuộc nôn nóng làm phần tiếp theo hoặc crossover dưới dạng phim ngắn online. Ngoài việc tri ân khán giả thì đó còn là cách tận dụng độ nóng sốt của bản gốc để thu hút lượt xem cho sản phẩm mới.

Gây ấn tượng với tập crossover hài hước pha trộn giữa “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, VFC thừa thắng xông lên với ngoại truyện “Cả một đời ân oán” rồi đến tập phim crossover “Phía trước là cả một bầu trời phán xử” được nhào trộn giữa ba phim đình đám: “Người phán xử”, “Phía trước là bầu trời” và “Cả một đời ân oán”. Mới đây nhất là phần ngoại truyện trộn giữa “Quỳnh búp bê” và “Phía trước là bầu trời”.

Không chỉ phim mà ngay cả việc mời diễn viên cũng dựa theo thời. Hễ diễn viên nào mới nổi lên là y như rằng hình ảnh của diễn viên đó sẽ tràn ngập ở những bộ phim sau này. Trước “Em chưa 18”, Kiều Minh Tuấn đóng khá nhiều vai phụ nhưng tên tuổi anh vẫn chìm lỉm. Đến khi vào vai gã trai ăn chơi trong “Em chưa 18” thì tên tuổi Kiều Minh Tuấn mới phất như diều gặp gió. Anh liên tục góp mặt ở vai chính, thứ chính trong các phim: “Yêu đi đừng sợ”, “Chí Phèo ngoại truyện”, “Nắng 2”, “Lật mặt 3”, “Chú ơi đừng lấy mẹ con”... Jun Vũ, Jun Phạm, Hoàng Yến Chibi... cũng là những cái tên được tận dụng theo trào lưu.

Ngay khi nổi lên với vai cô bé đáng yêu, lãng đãng trong “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, Jun Vũ đã được chú ý. Thế nhưng phải chờ đến khi cô vào vai cô tiểu thư có vẻ đẹp lạnh lùng đầy khí chất trong “Tháng năm rực rỡ” thì Jun Vũ chính thức phủ sóng dày dặc. Cũng nhờ “Tháng năm rực rỡ”, Hoàng Yến Chibi đắt show với các phim “Kế hoạch đổi chồng”, “Thiên linh cái”, “Gameshow tử thần”...

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, đa số các nhà sản xuất cứ thấy lợi nhuận trước mắt là lao theo đầu tư mà không ít trong số họ chẳng am hiểu gì về phim ảnh. Thấy dòng nào đang ăn nên làm ra họ sẽ đổ xô chạy theo.Việc ăn theo trào lưu bất chấp thời điểm là con dao hai lưỡi vì khán giả luôn cả thèm chóng chán.

Chạy theo trào lưu phim thanh xuân, “Thạch thảo” khai thác về mối tình học trò tươi đẹp.

Lúc ban đầu có thể nhà sản xuất sẽ gặt hái thành công nhất định nhưng càng về sau, sự xuất hiện dồn dập của các phim tương tự thì trào lưu nhanh chóng rơi vào bão hòa. Mải miết chạy theo mốt, lắm phim bắt đầu hời hợt, dễ dãi về nội dung, ít chăm chút chất lượng. Những bộ phim ăn xổi theo xu hướng, đầu tư hời hợt với tham vọng “một vốn bốn lời” thì “ngã ngựa” đã đành. Đến ngay cả những bộ phim được đầu tư chỉn chu, mời cả đạo diễn nước ngoài hẳn hoi (như “Yêu đi đừng sợ” do đạo diễn người Mỹ Stephane Gauger thực hiện) vẫn bị vạ lây như thường. Đơn giản, khán giả bị bội thực, chán ngán với loạt tác phẩm remake phim Hàn gây nên khủng hoảng thừa.

Điểm lại kiểu làm phim chạy theo mốt sẽ thấy số phim gặt hái được thành công rất khiêm tốn so với số phim thất bại. Đơn cử như ở dòng remake, ngoài thành công của “Em là bà nội của anh”, “Bạn gái tôi là sếp” thì phải chờ một thời gian dài, dòng này mới tiếp tục ghi dấu ấn với “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Còn các phim được PR rầm rộ như “Sắc đẹp ngàn cân”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Yêu em bất chấp”... đều bị cho là phiên bản lỗi của bản gốc vì diễn xuất, bối cảnh quá hời hợt, lỗi dàn dựng và sản xuất đầy rẫy hoặc phụ thuộc bản gốc. “Phim remake vẫn cần trong đời sống điện ảnh. Tuy nhiên chúng ta nên làm ít lại, một năm chỉ nên có hai, ba phim và làm thật chắc tay chứ không nên làm ồ ạt, nhanh chóng khiến khán giả nhàm chán. Và khi remake, các đạo diễn cũng phải cân nhắc vì không phải kịch bản nào cũng remake được. Có những khoảng cách văn hóa, ứng xử, bối cảnh... mà chúng ta khó có thể Việt hóa suôn sẻ” - đạo diễn Đức Thịnh phân tích.

Thiếu chú trọng về chất lượng nội dung, sáng tạo mới mẻ mà chỉ nôn nóng chạy theo trào lưu câu khách nên dòng phim ngoại truyện, phim phần tiếp theo cũng ôm không ít trái đắng. Các phần tiếp theo của “Hoa cỏ may”, “Những ngọn nến trong đêm”... đều bị chê tơi tả vì nội dung nhạt nhòa so với bản gốc từng gây ấn tượng sâu đậm.

Ngoài ra, không chỉ tập phim ngoại truyện “Phía trước là cả một bầu trời phán xử” đơn điệu, nội dung lạc lõng mà bản crossover giữa “Quỳnh búp bê” và “Phía trước là bầu trời” cũng trở nên vô duyên với các tình huống khiên cưỡng, không mấy nối kết giữa hai bộ phim.

Riêng việc chọn diễn viên theo xu hướng hot đương nhiên sẽ khiến bộ phim bước đầu được chú ý. Thế nhưng theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, cái quan trọng nhất vẫn là vai diễn phù hợp. Tên tuổi diễn viên dù có nóng sốt đến đâu nhưng họ không hợp vai thì cũng coi như phim thất bại. Phần nữa, khi liên tục xuất hiện, họ bào sức và không đủ khả năng để thể hiện tròn vai.

Từ những tác phẩm, vai diễn ban đầu tạo được dấu ấn tốt thì khán giả luôn đặt kỳ vọng cho tác phẩm, vai diễn về sau. Do vậy, cái bóng quá lớn của những tác phẩm, vai diễn đi trước khiến việc làm phim theo mốt gặp vô số thách thức không dễ vượt qua.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/lam-phim-theo-mot-523372/