Lạm phát Venezuela 'giảm' còn 234% trong năm 2022

Phó Tổng thống Delcy Rodriguez cho biết rằng lạm phát ở Venezuela có thể đạt mức 234% vào năm 2022, giảm hơn 400% so với năm trước, khi quốc gia Nam Mỹ này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng và kéo dài.

 Bên ngoài một cửa hàng ghi giá các sản phẩm tại Venezuela.

Bên ngoài một cửa hàng ghi giá các sản phẩm tại Venezuela.

Thông tin hiếm hoi về dữ liệu lạm phát tại Venezuela đươc Phó Tổng thống Rodriguez cung cấp trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela. Trước đó, Ngân hàng trung ương của Venezuela hiếm khi công bố dữ liệu kinh tế và đã không đưa ra dữ liệu lạm phát kể từ tháng 10, khi với tỷ lệ hàng năm là 155,8%.

Trong nhiều tháng, Tổng thống Nicolas Maduro và chính phủ của ông đã có thể kiềm chế lạm phát giá tiêu dùng bằng các chính sách kinh tế cứng nhắc, bao gồm neo tỷ giá hối đoái, hạn chế chi tiêu công và tăng thuế.

Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Reuters rằng chiến lược này đã có dấu hiệu rạn nứt kể từ tháng 11, với giá cả tăng nhanh khi đồng bolivar của nước này mất giá so với đồng USD. Chi tiêu của chính phủ cũng đã tăng tốc và nhu cầu về USD đang vượt xa dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương.

Hồi đầu tháng này, một nhóm các nhà kinh tế bày tỏ lo lắng rằng Venezuela có nguy cơ quay trở lại thời kỳ "siêu lạm phát".

Theo ngân hàng trung ương nước này, lạm phát năm 2021 là hơn 686%.

Trước đó, Tổng thống Nicolás Maduro tuần trước đã công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế Venezuela kết thúc năm 2022 với tốc độ tăng trưởng 15%.

“Venezuela đã có mức tăng trưởng trong năm 2022 trên 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức tăng trưởng cao nhất ở Mỹ Latinh và Caribe, với tác động của sự đa dạng hóa nền kinh tế mà chúng tôi chưa có trong nhiều năm,” ông Maduro nói trong buổi thuyết trình báo cáo hàng năm của mình và giải trình trước Quốc hội.

Hoạt động kinh tế của Venezuela bắt đầu sa sút vào năm 2014, trong bối cảnh nguồn thu nhập chính của đất nước là dầu mỏ sụt giảm và cuộc khủng hoảng cấp bách trở nên tồi tệ hơn sau khi bị áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế vào năm 2019 như một phần trong chiến dịch do Mỹ khởi tạo nhằm hạ bệ nhà lãnh đạo Chavista sau khi từ chối tái tranh cử vào năm 2018.

Theo ông Maduro, hậu quả của các biện pháp trừng phạt này, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, khiến Venezuela mất 99% thu nhập.

Với tình trạng USD hóa không chính thức và việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát, nền kinh tế Venezuela đã tạm ổn và sau nhiều năm suy thoái và siêu lạm phát phá hủy sức mua, nền kinh tế này đã ghi nhận mức tăng trưởng 5 quý trong giai đoạn 2021-2022.

“Chúng ta đang đi từng bước, đó là nền kinh tế thực đang đi lên và sẽ ngày càng tốt hơn”, Tổng thống cho biết, mặc dù các chuyên gia đã cảnh báo rằng có thể “sự phục hồi” này "có thể đạt mức trần nếu không có các biện pháp sâu rộng hơn, chẳng hạn như nới rộng tín dụng.

Tổng thống cũng nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 8,9% năm 2021 xuống 7,8% vào năm 2022, mặc dù không đưa ra dữ liệu về tình trạng nghèo đói trong nước.

Minh Ý

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lam-phat-venezuela-giam-con-234-trong-nam-2022-20180504224280047.htm