Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ

- Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, hiện lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới có thể đến từ nhóm hàng thịt lợn khi nguồn cung đang suy giảm do dịch bệnh sẽ có tác động mạnh lên giá nhóm hàng này trong 2-3 quý tới.

Xuất khẩu và nhập khẩu đang tăng trưởng tốt

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2019 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, doanh số bán lẻ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 1,94% so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng đầu năm, bán lẻ tăng 13,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2018, cho thấy cầu tiêu dùng trong nước duy trì đà tăng khá tích cực, góp phần bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu.

Thống kê của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho thấy, sau khi đạt đỉnh trong tháng 2/2019, tốc độ tăng của vốn FDI đăng ký mới đã chậm lại đáng kể trong 3 tháng gần đây, nhưng vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2 năm 2018 và 2017.

Đặc biệt, Trung Quốc là nhà đầu tư có vốn đăng ký mới lớn nhất với 1,5 tỷ USD, chiếm 24%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký tăng 27%; vốn FDI thực hiện tăng 8% so với cùng kỳ.

Như vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm, vốn FPI (vốn góp mua cổ phần) tăng 178% so với cùng kỳ, giảm so với mức tăng hơn 300% vào tháng 02/2019. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng khá tốt trong tháng 5 (lần lượt tăng 8% và 10%), giúp mức tăng lũy kế dần cải thiện. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2018 thì tốc độ tăng của xuất khẩu hiện vẫn thấp hơn nhiều (6,7% so với 15,8%).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhập khẩu có mức tăng cao gần gấp đôi xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng có tốc độ tăng cao là: Điện tử, máy tính, linh kiện (tăng 17,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 15%, thể hiện nhu cầu đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp cao). Ở chiều ngược lại, nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm 4% (do xuất khẩu mặt hàng này tăng chậm lại).

Lũy kế 5 tháng đầu năm, cán cân hàng hóa ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm 2018 xuất siêu 2,6 tỷ USD). Xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện thoại di động đang trong xu hướng hồi phục nhẹ (tăng 13,2%) từ mức đáy vào tháng 01/2019.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt,hiện xuất khẩu các nhóm hàng nông sản chính vẫn chưa có nhiều cải thiện trong tháng 5, ngoại trừ nhóm hàng rau củ đang hồi phục khá tốt trong 2 tháng gần đây (tăng 8,3%).

Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung như gỗ, dệt may, da giày, túi xách vẫn đang duy trì tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Dự báo CPI tháng 6 tới sẽ có mức tăng thấp hơn tháng 5

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới cùng với giá điện tăng do sản lượng điện tiêu thụ tăng cao đã ảnh hưởng tới tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiểm soát lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong mức tăng 0,49% của CPI tháng 5/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/5/2019 và thời điểm 17/5/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,25%).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 5/2019 tăng 1,5% so với tháng 12/2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Đưa ra dự báo trong tháng 6, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho rằng, CPI tháng 6 tới sẽ có mức tăng thấp hơn tháng 5, do giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm tạo điều kiện để giá xăng dầu trong nước giảm. Cùng với đó là tác động của việc tăng giá điện đã phản ánh đáng kể vào CPI 2 tháng vừa qua; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục gây sức ép lên giá thịt lợn.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro đối với CPI trong thời gian tới có thể đến từ nhóm hàng thịt lợn khi nguồn cung đang suy giảm do dịch bệnh sẽ có tác động mạnh lên giá nhóm hàng này trong 2 - 3 quý tới.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201906/lam-phat-van-trong-tam-kiem-soat-cua-chinh-phu-634458/