Lạm phát tăng nhanh khiến các ngân hàng trung ương Mỹ Latinh 'đau đầu'

Theo Moody's Analytics, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Mỹ Latinh sụt giảm 7% trong năm 2020. Ông Coutino dự báo nền kinh tế khu vực sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mới đây, người đứng đầu phụ trách khu vực Mỹ Latinh thuộc Moody's Analytics, Alfredo Coutino, cho hay lạm phát leo thang ở một số quốc gia Mỹ Latinh đang đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các ngân hàng trung ương trong khu vực này, khi họ sẽ phải lựa chọn giữa kiềm chế đà tăng giá và thúc đẩy nền kinh tế yếu tăng trưởng trở lại.

Ông lưu ý lạm phát tăng trở lại chủ yếu tại các nền kinh tế lớn của khu vực Mỹ Latinh, như Brazil, Chile và Mexico, vốn đang gặp nhiều khó khăn do sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo ông Coutino, lạm phát ở Mỹ Latinh cũng giống như ở hầu hết các thị trường mới nổi khác, đều có yếu tố bên ngoài và bên trong.

Trong số những yếu tố tác động bên ngoài, ông Coutino liệt kê những đợt tăng giá lương thực và giá dầu thế giới gần đây cùng với sự gián đoạn hoạt động sản xuất trong nước do dịch bệnh kéo dài đã làm hạn chế nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, chuyên gia Coutino cho biết thêm quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương khu vực Mỹ Latinh khi đại dịch leo thang đã ảnh hưởng xấu đến tỷ giá hối đoái trong nước.

Điều này giải thích cho tình trạng lạm phát tăng trên 6% ở Brazil và Mexico, vượt xa mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra, trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Peru cao hơn mục tiêu 2%.

Ông Coutino cho biết: “Hiện lạm phát trở thành một nguy cơ, các ngân hàng trung ương phải đối mặt với một thách thức hiển hiện trước mặt: tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế hoặc rút lại chính sách để hoàn thành chức năng chống lạm phát của mình.”

Theo ông, nếu các ngân hàng tập trung vào chức năng kiềm chế lạm phát phi mã thì sẽ đặt nền kinh tế “yếu ớt” mới phục hồi gặp nhiều rủi ro.

Kể từ năm 2020, nhiều ngân hàng trung ương Mỹ Latinh đã tập trung chính sách tiền tệ vào việc giúp nền kinh tế giảm thiểu tác động của COVID-19 ở một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Coutino cho rằng các ngân hàng trung ương Mỹ Latinh đang trở thành “nạn nhân” của chính những mục tiêu chính sách tiền tệ của mình (để kiềm chế lạm phát), bởi đối mặt với lạm phát tăng cao, các ngân hàng phải thắt chặt chính sách tiền tệ, điều sẽ làm suy yếu hoặc ít nhất hạn chế sự phục hồi kinh tế đang diễn ra.

Theo Moody's Analytics, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Mỹ Latinh sụt giảm 7% trong năm 2020. Ông Coutino dự báo nền kinh tế khu vực sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021./.

Q.Chung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lam-phat-tang-nhanh-khien-cac-ngan-hang-trung-uong-my-latinh-dau-dau/711997.vnp