Lạm phát sẽ trong vòng kiểm soát

Theo các chuyên gia, bên cạnh một số yếu tố khó khăn thì vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi để Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát ở mức 4% như mục tiêu đặt ra.

Giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng trong tháng 10/2017. Ảnh: ST.

Lạm phát tăng 3,71%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,25% so với tháng 12 năm trước và tính bình quân 10 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước CPI tăng 3,71%. So với tháng trước, thì cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng giá, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 2,14%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số CPI tháng 10/2017 có mức tăng khá cao là do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vào mùa cưới nên giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,57%, thực phẩm tăng 0,37%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 10 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,44%. Như vậy, bình quân 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến 10/2017 so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,32-1,88%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản là 1,44% thấp hơn mức kế hoạch 1,6-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Đánh giá của Tổng cục Thống kê về lạm phát cơ bản cũng như lạm phát chung đều tương đối lạc quan, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế có những lo ngại riêng. Trước đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng 8, 9 với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm. Bên cạnh đó, sức ép gia tăng đối với lạm phát chủ yếu đến từ lộ trình tăng giá dịch vụ công cùng với các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý. Dự báo lạm phát năm 2017, lạm phát có xu hướng gia tăng vào cuối năm và có thể vượt mức 4% đã được đề ra. Với đà phục hồi trong giá thực phẩm, sức ép mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện cùng với đó là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, TS Đức Thành cho rằng lạm phát quý IV sẽ gia tăng lên mức 4,16%, vượt qua mức mục tiêu là 4%.

“Trong quý IV, lạm phát có thể đạt 4,16% với áp lực đến từ sự gia tăng chi phí sản xuất, sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản, sự tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm, và gia tăng sức ép tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 21% của Chính phủ cho cả năm”, TS Nguyễn Đức Thành nói.

Kiểm soát được nhưng tương đối khó

Bình luận về vấn đề này, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay việc tính chỉ số lạm phát được tính theo bình quân cùng kỳ năm trước, do đó, tính đến tháng 10/2017, chỉ số CPI 10 tháng năm 2017 đã tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng khá cao nếu so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ đầu năm là sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Hiện còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017, mức tăng này đồng nghĩa với việc trong hai tháng tới, để đạt con số kiểm soát lạm phát dưới 4% thì chỉ số CPI chỉ còn dư địa 0,29%, bình quân mỗi tháng tăng 0,15%. Theo ông Phương, đây là mục tiêu không đơn giản trong bối cảnh các tháng cuối năm CPI thường tương đối cao do đây là dịp các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nguyên phụ liệu vì thế cũng có thể tăng giá.

Ông Lê Quốc Phương cũng nhấn mạnh, CPI của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào giá cả hàng hóa trong nước mà còn chịu tác động của giá thế giới. Bên cạnh đó, CPI không chỉ ảnh hưởng bởi giá cả thị trường mà còn là giá điều hành của Nhà nuớc đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, điện… Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2017 có một số yếu tố thuận lợi như: Về giá cả trong nước, hiện nay trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ lớn thì nhóm lương thực thực phẩm là nhóm sản phẩm do thị truờng quyết định giá, trong rổ hàng hóa thì nhóm sản phẩm này chiếm tỷ trọng lớn nhưng giá cả tương đối ổn định, ngoại trừ một số sự việc đột biến làm tăng giá (như thiên tai…) Về giá cả hàng hóa thế giới, trong thời gian qua giá hàng hóa thế giới có tăng nhưng không nhiều (ví dụ như giá dầu thô hiện ở mức trên 50 USD/thùng). Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chỉ đạo sẽ không tăng giá y tế và giáo dục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia, cũng có những khó khăn nhất định. Chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 6,7%, do đó trong quý IV sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và cả tiêu dùng, theo xu hướng này giá cả hàng hóa sẽ bị đẩy lên.

“Quý IV/2017 tăng trưởng GDP phải tăng khoảng 7,5% để tăng trưởng cả năm đạt 6,7%, đây là mức tăng khá cao. Để đạt mức đó Chính phủ yêu cầu phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 20-21%, đồng thời với đó là việc tăng cung tiền, nghĩa là tăng tổng phương tiện thanh toán. Điều này là không hay đối với Việt Nam trong nhiều năm qua. Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên 21% là mức tăng khá cao và sẽ có tác động lên lạm phát, tuy nhiên, tác động này sẽ có độ trễ”, ông Phương nói. Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh lại yếu tố quy luật mùa vụ khiến quý IV sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sẽ tăng.

Dự báo về lạm phát từ nay đến cuối năm cũng như cả năm 2017, TS Lê Quốc Phương cho rằng, nếu không có những đột biến lớn, từ nay đến cuối năm giá thế giới không tăng đột biến và tác động của việc tăng cung tiền, tăng tín dụng là chưa nhiều, cùng với đó Chính phủ chỉ đạo không tăng giá thuốc, dịch vụ y tế và giáo dục thì lạm phát có thể kiểm soát ở mức 4%, nhưng tương đối khó vì dư địa chỉ còn 0,29%.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính):

Mức tăng CPI tháng 10 như thế là bình thường vì có sự tăng giá của nhóm hàng hóa y tế, giáo dục. Lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,06% so với tháng trước đó nên áp lực lạm phát thấp. Vừa qua giá dầu, giá y tế, giáo dục, hoặc giá lương thực thực phẩm có tăng nhưng cái này chỉ là nhất thời. Từ nay đến cuối năm lạm phát sẽ không có gì đột biến và mục tiêu duới 4% là hoàn toàn có thể đạt được. Vì lạm phát cùng kỳ thì đều duới 4%, do đó lạm phát cả năm có thể kiểm soát ở mức 4% như mục tiêu đặt ra.

Tăng trưởng tín dụng khó đạt được mục tiêu 21% vì các ngân hàng sẽ phải cẩn thận khi đẩy cung tiền ra nền kinh tế, vì nếu tiền không vào đúng địa chỉ thì sẽ gây ra nợ xấu và ngân hàng sẽ phải gánh chịu hậu quả này trước tiên. Các ngân hàng sẽ rất thận trọng vì thế khả năng tăng trưởng tín dụng đạt 21% là khó. Giả sử đạt được mức tăng trưởng này thì việc tác động lên lạm phát cũng có độ trễ. Hơn nữa, trong nhiều năm qua, tăng trưởng tín dụng không phải là thấp nhưng lạm phát của chúng ta lại vẫn ở mức thấp”.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-phat-se-trong-vong-kiem-soat.aspx