Lạm phát rình rập

Các nhân tố gây tăng giá trong 9 tháng năm 2018 chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường, trong đó có giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu tăng.

Giá tiêu dùng 9 tháng tăng 3,57%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) tại buổi họp báo công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm sáng 28/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Tính chung quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, nhiều nhất là giáo dục, giao thông, dịch vụ ăn uống... Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm.

Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 5,07%, làm CPI chung tăng 0,3%. Nguyên nhân làm CPI tháng 9 tăng, theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm là do trong tháng có 49 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện lộ trình tăng học phí và nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao. Nhóm giao thông tăng 0,82% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm 6/9/2018 và thời điểm 21/9/2018, làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,77%, tác động làm CPI tăng khoảng 0,08%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, trong đó lương thực tăng 0,28% do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; thực phẩm tăng 0,51%.TCTK nhận định, sức ép lạm phát còn lớn trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, giá hàng hóa cơ bản tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang… và giá dầu thế giới liên tục xác lập những đỉnh cao mới trong nhiều năm.Thận trọng điều hànhTổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho biết, sức ép tăng giá là có thật, song ứng xử thế nào để có thể kiểm soát nó, kiểm soát lạm phát và giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm các tháng cuối năm là vấn đề cần lưu ý.

Mục tiêu GDP cả năm 6,7% hoàn toàn khả thi
9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, Mức tăng trưởng này thấp hơn mức 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức 6,73% của quý II. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trên cơ sở mức GDP 9 tháng là 6,98%, theo tính toán, để đạt mức 6,7% cả năm, quý IV chỉ cần tăng 6,11%. “Thường quý IV các năm tăng trưởng cao nên khả năng đạt trên 6,7% cả năm là hoàn toàn khả thi” - đại diện TCTK chia sẻ tại buổi họp báo.

“Trong 9 tháng đầu năm, xăng dầu thế giới tăng mạnh. Số liệu chúng tôi thống kê, đến nay giá dầu Brent Biển Bắc là 72,49 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 52,5 USD/thùng bình quân của cùng kỳ năm ngoái, tăng tới 28,3%. Giá xăng RON 92 thị trường Singapore là 78,8 USD/thùng, tăng 28,2%. Trong nước, xăng có 8 đợt tăng, 3 đợt giảm” - ông Lâm cho biết. 9 tháng qua, giá xăng dầu tác động làm CPI tăng 0,69%.
Về tỷ giá, thời gian qua NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm. Mặc dù trong những tháng qua, tỷ giá biến động nhưng vẫn nằm trong biên độ NHNN điều hành thành công, góp phần kiểm soát lạm phát. Đồng USD trong nước đang ổn định trong mức 1%, song về cuối năm, tỷ giá Việt Nam chịu tác động kép cùng một lúc có thể phải đối phó trước áp lực đồng USD tăng giá, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) 3 lần điều chỉnh lãi suất USD và lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc, đồng thời đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá.
Dù vậy, đại diện TCTK khẳng định, Chính phủ luôn điều hành chủ động kiểm soát lạm phát với mục tiêu CPI không quá 4% năm 2018. Chính phủ luôn đi sát từng diễn biến của giá, nên không thể có bất thường gì lớn xảy ra. Như đối với chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017 và theo số liệu thống kê, ước đến 20/9, tín dụng tăng 9,52%, thấp hơn cùng kỳ 2017 là 11,02%. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 USD, lãi suất vẫn ổn định là thuận lợi cho chính sách tiền tệ.

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lam-phat-rinh-rap-326300.html