'Lạm phát hạnh phúc'

Vào năm 1920, nhà tâm lý học người Mỹ John B Watson đã công bố kết quả của một trong những bài báo gây tranh cãi bậc nhất về mặt đạo đức trong một thế kỷ qua.

Hạnh phúc là khi biết “sống xa nhau”

Cùng với Rosalie Rayner, một sinh viên 21 tuổi mới tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, nơi Watson làm giảng viên, anh ta đã thử "cấy" ý niệm sợ hãi vào một em bé bình thường.

Thí nghiệm về sự thao túng

Trước thời điểm ấy, các thí nghiệm về hành vi thường chỉ sử dụng động vật. Nhưng Watson và Rayner đã chọn một cậu bé 9 tháng tuổi mà họ gọi là 'Albert' để nghiên cứu, với mức phí là một đô la trả cho mẹ cậu để họ có thể đặt nhiều loại động vật nhỏ quanh cậu bé, bao gồm một chú chuột. Ban đầu, Albert tỏ ra thích thú. Nhưng những người tiến hành thí nghiệm đã dùng búa đập một thanh thép gần đó, tạo ra tiếng động lớn làm cậu bé sợ hãi và bật khóc.

Tấm poster quảng cáo kinh điển do John B Watson sáng tạo để gieo rắc nỗi sợ hãi, khiến khách hàng phải đi mua giấy vệ sinh Scott. Trong bức hình, bác sỹ phẫu thuật đang chăm chú nhìn bệnh nhân, với dòng chữ in ở dưới viết: "Và vấn đề đã nảy sinh bởi giấy vệ sinh thô ráp". Nguồn ảnh: Alamy.

Tấm poster quảng cáo kinh điển do John B Watson sáng tạo để gieo rắc nỗi sợ hãi, khiến khách hàng phải đi mua giấy vệ sinh Scott. Trong bức hình, bác sỹ phẫu thuật đang chăm chú nhìn bệnh nhân, với dòng chữ in ở dưới viết: "Và vấn đề đã nảy sinh bởi giấy vệ sinh thô ráp". Nguồn ảnh: Alamy.

Sau một vài lần làm điều này, tất cả những gì mà người tiến hành thí nghiệm phải làm để khiến Albert bật khóc chỉ là cho cậu bé nhìn thấy con chuột. Ngay cả khi không còn tiếng ồn nữa, họ đã khiến cậu sợ con chuột, và từ đó mang theo đời mình ý niệm sợ hãi với các sinh vật có lông khác, bao gồm cả thỏ và chó.

Bạn có thể nghĩ rằng một thí nghiệm bất lương như thế có thể làm dấy lên làn sóng phản đối công khai nào đó. Tuy nhiên trên thực tế Trường Johns Hopkins còn tăng 50% lương cho Watson để giữ anh ta ở lại (Watson đã thực sự trở nên nổi tiếng: một năm trước đó, các sinh viên bầu chọn anh là 'Giáo sư đẹp trai nhất'), vì đã chứng minh được rằng không chỉ động vật, mà con người cũng có thể bị điều chỉnh hành vi theo vô số cách. Watson chỉ bị trường đại học sa thải khi vợ anh phát hiện và công bố những bức thư tình anh đã viết cho cô sinh viên Rayner, người sau này sẽ tiếp tục kết hôn với anh.

Watson nhanh chóng tiến vào ngành quảng cáo: công ty trứ danh J Water Thompson đã thuê anh ta nghiên cứu và điều chỉnh hành vi con người, đặc biệt là người tiêu dùng.

Mang tinh thần khoa học vào quảng cáo, và giống như những gì anh và Rayner đã từng làm với cậu bé Albert, Watson đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho người tiêu dùng để thúc đẩy họ mua sản phẩm. Ví dụ để quảng cáo cho hãng giấy vệ sinh Scott, Watson đã tạo một poster quảng cáo mà trong đó bác sỹ phẫu thuật đang chăm chú nhìn bệnh nhân, với dòng chữ in ở dưới viết: "Và vấn đề đã nảy sinh bởi giấy vệ sinh thô ráp".

Ngày nay, những hành vi thao túng như vậy trở nên phổ biến, dưới những hình hài tinh vi và hiểm độc hơn, nhờ vào Dữ liệu lớn (Big Data) và môi trường kỹ thuật số với những thuật toán giám sát ít nhiều có mặt ở khắp nơi. Nhưng thay vì điều chỉnh những nỗi sợ hãi cụ thể, giờ đây chủ nghĩa tiêu dùng thường chọn hạnh phúc là mục tiêu của chiêu trò thao túng tâm lý.

Đấy dường như là bước đột phá tiếp thị lớn nhất trong một thập niên qua, với những sản phẩm tự chăm sóc bản thân và chống căng thẳng lọt vào danh sách mặt hàng bán chạy nhất trên Amazon (hãy nghĩ về 'chăn trọng lực', được quảng cáo là có tác dụng giảm lo âu; hay đồ chơi con quay 3 cánh để "giảm stress"), và những cuốn sách bán chạy nhất được viết bởi các "blogger hạnh phúc". Tất cả những điều này nhằm cấy một nỗi sợ hãi tinh vi: cảm giác xấu phải được tránh bằng mọi giá.

Việc những điều xấu và cảm xúc tiêu cực không được phép xuất hiện đã dẫn đến một nền văn hóa "biểu diễn hạnh phúc", mà trong đó mọi người thể hiện trên Facebook, Instagram hay các công cụ mạng xã hội khác một chuỗi những trải nghiệm đỉnh cao của cuộc sống (gia đình hạnh phúc, con cái xinh đẹp giỏi giang, những chuyến du lịch và những nụ cười), và không gì khác.

Nỗi buồn và sự thất vọng bị loại bỏ. Những trải nghiệm trung tính hoặc trần tục cũng bị che lấp khỏi khung hình. Giống như một cuộc chạy đua "vũ trang".

Cuộc chạy đua hạnh phúc

Hạnh phúc tất nhiên không phải lúc nào cũng được hiểu theo cách này. Quan điểm của những người theo thuyết E-pi-cua (Epicure, chủ nghĩa khoái lạc, một triết thuyết duy trì hạnh phúc được đặt theo tên của triết gia Hy Lạp sáng lập nó) rất đơn giản và khác biệt: hạnh phúc chỉ là tránh được aponia (nỗi đau thể xác) và ataraixia (rối loạn tinh thần), không phải là theo đuổi lợi ích vật chất hay vơ vét những trải nghiệm đỉnh cao.

Chừng nào chúng ta không còn đau đớn về tinh thần hay thể xác, chúng ta, trong sự hiểu biết chính đáng này về hạnh phúc, có thể hài lòng. Giống như là lời cầu nguyện của người Do Thái mỗi sáng sau khi đi vệ sinh: họ cảm ơn và biết ơn vì hành vi cơ bản này. Hạnh phúc theo nghĩa của những người E-pi-cua đơn giản là mỗi sáng thức dậy, vẫn thấy mình có thể tiểu tiện được.

Các nhà tư tưởng hiện đại có tham vọng lớn hơn những người E-pi-cua rất nhiều. Nhà kinh tế học người Anh Richard Layard đã đưa ra một khái niệm là "kinh tế học hạnh phúc", hiện là cơ sở cho một cuộc khảo sát hàng năm mang tên Báo cáo hạnh phúc thế giới, đo lường mức thu nhập và sự giàu có của xã hội ảnh hưởng đến hạnh phúc.

Ngày nay, hạnh phúc rất gần với việc theo đuổi và mua các kinh nghiệm được cho là đỉnh cao của đời sống. Mọi khoảnh khắc đều được tối ưu hóa để hướng đến hạnh phúc tột đỉnh, dù có thể chỉ là thoáng qua, và tích cực bài trừ bất hạnh.

Nội hàm của từ "hạnh phúc" hiện đại đến từ đâu? Khi “happy” lần đầu được bổ sung vào từ vựng tiếng Anh vào khoảng giữa thế kỷ 14, nó có nghĩa gần với “lucky” (may mắn). Hạnh phúc không có nghĩa gần với niềm vui cho đến thế kỷ 16, và phải đến thế kỷ 17 khi Thomas Hobbes viết cuốn Leviathan (Thủy quái), hạnh phúc đã được hiểu như một quá trình tích lũy không ngừng các đối tượng của ham muốn, từ đó nó được xác định lại như một cảm giác chủ quan, có thể thay đổi và cải thiện dựa trên mong muốn của chúng ta.

"Niềm hạnh phúc của cuộc sống này", Hobbes viết vào năm 1651, "cốt không phải là một tâm trí hài lòng, bởi vì không có finis ultimus (mục tiêu tối thượng) lẫn summum bonum (lợi ích tối đa) như những gì đã được nhắc trong các cuốn sách của những nhà triết học đạo đức xưa".

Quan điểm của Hobbes rất rõ ràng: hạnh phúc có ý nghĩa là theo đuổi không ngừng những trải nghiệm thú vị. Ông tin rằng không có sự thỏa mãn nào ổn định ("cốt không ở tâm trí hài lòng") và tấn công gián tiếp vào những người E-pi-cua ("trong các cuốn sách của những nhà triết học đạo đức cũ"). Đây có lẽ là khởi thủy của quan niệm hiện đại về hạnh phúc, là gom góp không ngừng những trải nghiệm đỉnh cao.

Nhưng vấn đề cũng nằm ở chính chỗ này. Ngày nay, chúng ta theo đuổi hạnh phúc như tìm kiếm những vỏ sò trên bãi biển: những con sóng rồi cũng cuốn trôi chúng đi. Chúng ta hy vọng vào những mục tiêu, nhưng lại thường thất vọng khi đạt được.

Sự trống rỗng của con người hiện đại có thể được mô tả bằng hình ảnh của một người đi khắp thế giới và ngày nào cũng đăng ảnh lên mạng xã hội về những điểm đến và trải nghiệm xa hoa bậc nhất, giống như một cuộc cạnh tranh ngầm về hạnh phúc với những người khác. Khi cố gắng để hạnh phúc hơn, tốt hơn những người khác, chúng ta có nguy cơ xa lánh chính bản thân mình. Đấy là một trò chơi có tổng bằng không.

Sự thao túng của chủ nghĩa tiêu dùng

Mong muốn biến những cảm xúc tiêu cực của chúng ta thành một thứ gì đó lạc quan lại là cách suy nghĩ khiến chúng ta mở ra cơ hội cho mô hình thao túng hành vi của chủ nghĩa tiêu dùng đã đề cập ở đầu bài.

Ngày nay, nghiên cứu thị trường, được xây dựng dựa trên công trình thao túng ấy của Watson, nhận được hỗ trợ đáng kể của công nghệ và đi xa hơn bao giờ hết: Các camera có thể quét khuôn mặt tại cửa hàng để xác định cảm xúc của người tiêu dùng trước một số sản phẩm, và từ đó định hướng các quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số.

Nền quảng cáo liên tục chạy đua để tạo ra các sản phẩm đánh cắp hạnh phúc thật sự của chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy ham muốn chúng, dù không cần chúng (hãy nghĩ một chút về cách Facebook điều khiển tâm trạng người dùng bằng thuật toán News Feed của mình). Nền giải trí chỉ chạy theo niềm vui (hãy nhìn các game show trên truyền hình) sẽ dẫn đến những kết cục lố bịch và cảm xúc trống rỗng.

Việc sẵn sàng vật lộn với những cảm xúc khó khăn hóa ra khiến chúng ta hài lòng với cuộc sống hơn. Vài năm trước, có một thí nghiệm nghiên cứu về cảm xúc trên 365 người từ 14 đến 88 tuổi được cho là có tâm trạng ổn định. Họ được tặng một chiếc smartphone và phải trả lời đều đặn hàng ngày các câu hỏi về sức khỏe tinh thần của mình trong vòng ba tuần. Kết quả nghiên cứu sau đó được công bố trên tạp chí Emotion cho thấy khi những người tham gia cho biết họ đang có tâm trạng tiêu cực, thì những người cho rằng cảm xúc tiêu cực là có hại cảm thấy không hài lòng với cuộc sống của họ. Ngược lại, những người tin rằng cảm giác tiêu cực có thể hữu ích thì đều hài lòng.

Vì thế, đặt cược tất cả cuộc đời mình vào ô niềm vui hay cảm giác tuyệt vời là một cách để hiểu sai về hạnh phúc thật sự. Niềm vui của những người theo thuyết E-pi-cua nằm ở chỗ chúng ta đạt được sự minh mẫn trong tâm trí để kiểm soát cảm giác và xử lý những làn sóng tiêu cực của cảm giác. Đây là con đường dẫn đến sự hài lòng thực sự.

Và đấy cũng là con đường giải thoát chúng ta khỏi sự thao túng của cuộc chạy đua vô nghĩa vơ vét những trải nghiệm đỉnh cao. Hạnh phúc theo thuyết E-pi-cua có thể không phải lúc nào cũng khiến chúng ta cảm thấy trong trạng thái hưng phấn, nhưng cuộc sống cũng sẽ không đáng sống nếu nó chỉ trôi nổi giữa những trải nghiệm đỉnh cao, bất chấp việc trải nghiệm ấy có thể vô cùng ngắn ngủi (một cơn phê thuốc chẳng hạn).

Trên thực tế, thế hệ trẻ, những người có nhiều năng lượng và cảm hứng nhất để hiện thực hóa những trải nghiệm đỉnh cao, lại dễ rơi vào trầm cảm nhất. Một thống kê cho thấy có đến 22% người thuộc thế hệ millennials (sinh từ năm 1980 cho đến đầu thập niên 2000) nói rằng họ không có bạn bè. Đây chắc chắn không phải loại hạnh phúc mà chúng ta muốn theo đuổi.

Ban Cầm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/lam-phat-hanh-phuc-586937/