'Lạm phát' giấy khen…

Có một vấn đề không lớn cũng không nhỏ, chẳng mới mà cũng chưa cũ, nhưng mỗi mùa hè đến lại gây xôn xao với những tranh luận trái chiều, đó là câu chuyện ghi nhận thành tích phấn đấu và rèn luyện của học sinh gắn liền với những tấm giấy khen rực rỡ.

Tôi còn nhớ như in những kỷ niệm tuổi học trò hơn chục năm về trước, được cầm trên tay tấm giấy khen thơm nức sau kỳ tổng kết năm học, hí hởn mang về nhà khoe bố mẹ là cảm giác rất đỗi thiêng liêng, ý nghĩa. Phụ huynh đến nhà chơi thể hiện sự quan tâm con cái của nhau bằng câu hỏi quen thuộc: Cháu nhà mình được giấy khen không?

Giấy khen là thước đo chuẩn chỉ nhất của hàm lượng tri thức, của lòng hãnh diện và cũng là “báu vật” của mỗi gia đình. Người dân quê tôi quan niệm, ngôi nhà giàu có không phải là ngôi nhà tiện nghi đầy đủ mà phải là ngôi nhà có những bức tường được dán kín giấy khen.

Hãy để giấy khen là chứng nhận thiêng liêng. Trong ảnh: Học sinh THPT Bắc Yên Thành nhận khen thưởng.

Hãy để giấy khen là chứng nhận thiêng liêng. Trong ảnh: Học sinh THPT Bắc Yên Thành nhận khen thưởng.

Ngày ấy, những cô, cậu học trò nhiều năm liền nhận giấy khen khá, giỏi luôn nổi tiếng và được ngưỡng mộ như một tấm gương. Vậy nên, thời cắp sách, chúng tôi hay nghĩ đến tấm giấy khen trong nỗi áp lực duy trì phong độ và cũng là động lực cố gắng hết mình để mang niềm tự hào về cho bản thân, gia đình, dòng họ. Những học sinh trượt hoặc chưa từng được giấy khen, vào năm học mới thường mang nặng tâm lý lo lắng, mặc cảm, tự ti khi mà phụ huynh vẫn đưa tên “con nhà người ta” vào làm dẫn chứng đầy định kiến cho những lời răn dạy: Con nhà người ta thì thế này, thế kia, còn con mình thì...

Việc quá tôn sùng và quan trọng hóa những tấm giấy khen khiến ý nghĩa thiêng liêng của nó bị biến dạng méo mó theo nhiều cách khác nhau. Những học sinh được giấy khen chưa chắc lúc nào cũng trọn vẹn hạnh phúc. Còn những em trượt giấy khen thì chắc chắn không vui. Đặc biệt là độ tuổi mới lớn thường nảy sinh sự ganh đua, đố kỵ, ghen ghét, khinh thường, giận dỗi... từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt. Mà thực tế là ngay cả một bộ phận giáo viên, phụ huynh cũng đang giữ thói quen so bì con, em của nhau qua những tấm giấy khen hơn - thua, được - mất.

Có cầu, ắt có cung. Giấy khen đang dần biến thành trang sức của tri thức. Mà trang sức thì hẳn nhiên có loại giả, loại thật. Mỗi mùa hè gõ cửa, bên cạnh trào lưu kỷ yếu học đường, Facebook của các bậc phụ huynh lại tưng bừng “trend” khoe ảnh giấy khen của con cái.

Hầu như học sinh nào cũng sở hữu giấy khen, thậm chí có em còn được hẳn bốn, đến năm tấm liền. Vài người comment dặn nhau, sống trong cái thời đại “lạm phát” giấy khen này thì phải tính toán xây nhà to thật to thì mới có đủ diện tích để treo cho hết. Lại có người âm thầm ôm ấp dự định chuyển sang nghề in ấn chắc hái ra tiền lắm đây!

Số lượng giấy khen có tỉ lệ thuận với hàm lượng kiến thức? Có lẽ, một phần lớn căn nguyên của bệnh thành tích hình thành bởi suy nghĩ lạc hậu, thiển cận bám rễ từ những so bì, khoe mẽ nói trên. Người ta thường sân si nhau cái hào nhoáng vỏ bọc bên ngoài hơn là chú trọng bản chất nội tại tiềm ẩn bên trong. Học để thi thố. Học để lấy giấy khen. Các trường quan tâm đến bài toán đào tạo học sinh đậu đạt điểm cao hơn là khai mở tư duy sáng tạo. Bởi vậy mà xảy ra tình trạng học sinh giỏi Văn chỉ biết đến những tác phẩm trong sách giáo khoa, học sinh giỏi tiếng Anh không dám giao tiếp với người nước ngoài.

Căn bệnh “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này đã và đang dột từ nóc kha khá nhiều ngôi trường, gia đình rồi cuối cùng thẩm thấu vào tâm hồn đầy non dại của những học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn. Người lớn luôn cho rằng mình đúng và tự ý “giam cầm” tuổi thơ các em trong những buổi học chính, học thêm triền miên. Người lớn muốn các em giỏi toàn diện tất cả các môn mà ít khi nhìn nhận sở trường, sở đoản của từng em. Trọng lượng chiếc cặp trên vai nặng gần bằng trọng lượng cơ thể. Khi các em đuối sức, phụ huynh thường hứa cửa miệng: Gắng được giấy khen, bố mẹ sẽ thưởng cho cái này, cái nọ.

Các môn văn hóa luôn được ưu tiên tối đa. Những kỹ năng sinh tồn cơ bản khác như bơi lội, nấu ăn, giặt giũ... thường bị xem nhẹ. Con cứ việc chăm ngoan, học giỏi và gặt hái càng nhiều giấy khen càng tốt, những việc khác đã có bố mẹ lo toan tất tần tật. Các em dần bị biến thành những cỗ máy giải toán, làm văn mà không hề hay biết sự vận động của cuộc sống xung quanh. Để rồi, lớn hơn một chút, rời xa gia đình và bước chân vào giảng đường cao đẳng, đại học, nhiều em không thể sống tự lập rồi dẫn đến hoang mang, trầm cảm. Đó là một trong vô số những hậu quả trước mắt.

Xa hơn một chút nữa, khi các em trưởng thành, căn bệnh thành tích sẽ càng thêm trầm trọng và có nhiều biến chứng tiêu cực, nguy hiểm. Nội bộ dễ lục đục và cục bộ nhất là những lần bình xét giấy khen. Thói ganh đua, đố kỵ ăn sâu vào máu khiến lá phiếu mang đầy cảm tính chủ quan. Nếu đặt lên bàn cân, chất lượng công việc sẽ khó mà đọ nổi với mối quan hệ. Thành thử, người đạt giấy khen chưa chắc là người làm tốt nhất mà có thể chỉ là người được lòng các đồng nghiệp nhất mà thôi. Vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi mà văn hóa phê bình trở thành thứ hình thức chung chung, qua quýt.

Mở rộng vấn đề, về lâu dài, việc cố kiết chạy đua trên hành trình chinh phục những tấm giấy khen sẽ tạo ra một xã hội nhiều thành tích, nhưng ít thành tựu. Trong các bản báo cáo tổng kết, thành tích năm sau thường cao hơn năm trước. Tiếp đến là những tràng pháo tay nhiệt liệt chúc mừng. Có ai đó từng nói: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”. Thành tựu chính là những giá trị bền vững đích thực mà con người cống hiến cho nhân loại chứ không phải là vài ánh hào quang phù phiếm vụt lên trong chốc lát rồi chìm vào bóng tối lãng quên.

Đừng tạo áp lực giấy khen lên đôi vai trẻ nhỏ. Trong ảnh: Buổi tổng kết năm học của hệ thống giáo dục Hồng Ngọc - Ruby School tại TP Hồ Chí Minh.

Trở lại với phạm vi học đường, dự báo trong năm học tới, số lượng giấy khen vẫn sẽ tăng lên chóng mặt. Khi mà nhiều trường đại học xét tuyển bằng học bạ THPT, ai dám chắc sẽ không xảy ra hiện tượng chạy điểm, chạy giải? Từ niềm tự hào, giấy khen trở thành nỗi hoài nghi vàng - thau lẫn lộn. Thực tế chứng minh rằng, có nhiều người thời đi học chẳng đạt tấm giấy khen nào, giờ vẫn thành công. Và ngược lại, không ít người từng đứng lên bục vinh quang nhận hàng chục tấm giấy khen, nay vẫn luẩn quẩn trong vết xe thất bại. Giấy khen có phải là vé thông hành dẫn tới tương lai?

Vậy, có nghĩa là để trị tận gốc căn bệnh thành tích, chúng ta cần bỏ hẳn những tấm giấy khen? Xin thưa rằng, bản thân tấm giấy khen chẳng có lỗi gì cả. Lỗi là do chúng ta đã biến nó thành công cụ cho những mục đích tầm thường, nhỏ mọn. Thử hình dung xem, sẽ ra sao nếu một ngày, trường học vắng bóng giấy khen? Khi ấy, ý chí phấn đấu của các em học sinh ít nhiều sẽ bị lu mờ, thui chột. Sự cào bằng luôn đi liền với thói bàng quan, ỷ lại. Bởi vậy, tấm giấy khen một khi được trao đúng học sinh, đúng thành tích thì vẫn mang ý nghĩa thiêng liêng, đẹp đẽ và thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục.

Muốn làm được điều đó, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp xây dựng bầu không khí cạnh tranh lành mạnh trong học tập và rèn luyện cho con em chúng ta, từ nền móng những giá trị thực chất, dù là nhỏ nhất.

Thiết nghĩ, khẩu hiệu “học thật, thi thật” nên bổ sung thêm cụm từ “giấy khen thật”. Xin các bậc người lớn đừng lôi con, em chúng ta vào cuộc chiến ăn thua, cao - thấp. Hãy để các em luôn cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Một tấm giấy trao “nhầm” có thể mang đến cho học sinh và phụ huynh “ảo giác lâm thời”.

Nhưng những hệ lụy sau này thì không phải ai cũng thấy được. Nhiều ngôi trường đã sử dụng phương pháp “lấy nhiều trị nhiều”. Nghĩa là cuối năm học, mỗi học sinh đều được tặng một tấm giấy khen với các thành tích không giống nhau: Có em được khen khéo tay, có em được khen nhanh nhẹn, có em được khen hăng say phát biểu, lại có em được khen đi học đúng giờ .v.v.

Qua đó để thấy rằng, mọi giá trị tốt đẹp luôn cần được ghi nhận và tôn trọng bình đẳng như nhau. Cách này tuy còn bộc lộ một số hạn chế nhất định nhưng ít ra, nó giúp học sinh không bị tổn thương mỗi mùa tổng kết năm học và cũng chính là bài thuốc điều trị căn bệnh - thích - so - sánh đang tồn tại cố hữu trong mắt nhiều bậc phụ huynh!

Chuyện về tấm giấy khen vẫn còn bao trăn trở. Chẳng mấy nữa, trên Facebook sẽ ngập tràn hình ảnh giấy khen. Sẽ có hoài nghi. Sẽ có cười nhạo. Nhưng tôi luôn mong rằng, phần nhiều trong số những tấm giấy khen đó đến từ nỗ lực và thực lực của các em học sinh...

Lộc Lượng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lam-phat-giay-khen-602073/