Lạm phát có thể bùng phát?

Năm 2020, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, trong năm 2021, lãi suất thấp và sự tăng giá trở lại của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại.

Dự báo, năm 2021 giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động lên lạm phát

Dự báo, năm 2021 giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động lên lạm phát

Nhiều mặt hàng tăng giá

Tiếp đà tăng từ những tháng cuối năm 2020, tháng 1/2021, giai đoạn cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường tiêu dùng ghi nhận biến động giá ở một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc… Cụ thể, giá một số chủng loại gạo đã tăng khi nguồn cung hạn chế, hoặc do nhu cầu dự trữ cuối năm. Ghi nhận ngày 21/1, giá bán lẻ các loại gạo: ST 25, gạo nở mềm, gạo nếp các loại tăng 500 - 1.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, trong ba tuần đầu năm 2021, giá lợn hơi đã tăng trên dưới 15.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên cả nước từ 83.000 đến 86.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống như chợ Hôm, Kim Liên, Láng Hạ (Hà Nội), thịt thành phẩm tăng cao nhất 20.000 đồng/kg. Trái ngược với thịt lợn, gia cầm, rau xanh… giữ giá ổn định. Giá dầu thô đã có tuần tăng thứ 7 liên tiếp và được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2021. Bên cạnh đó, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát cũng sẽ tác động đến lạm phát.

Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Bá Minh dự báo, năm 2021 giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần được khống chế. Trong khi đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước còn diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cung cầu hàng hóa trên thị trường.

Không thể lơ là

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, biến động giá nhiên liệu và giá lương thực, thực phẩm (đặc biệt là giá thịt lợn) gần đây là những vấn đề cần quan tâm, có thể gây ra áp lực ngắn hạn với lạm phát.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước đang có xu hướng tăng. Trong khi đây là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào sản xuất của nhiều ngành nghề của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tăng và tính thời vụ về hàng hóa, dịch vụ khi nhu cầu dịp cuối năm tăng cũng sẽ đẩy mặt bằng giá tăng.

“Năm 2021, một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể. Tiêu biểu như khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, qua đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả tăng theo”, ông Lực nói và cho biết thêm, các dự báo đều cho thấy, giá hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép. Trong khi đó ở trong nước, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng phải thực hiện. Những yếu tố trên cho thấy, áp lực lạm phát sẽ cao hơn đáng kể trong năm 2021.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh tế năm 2021 vẫn rất khó đoán định. Do đó, công tác điều hành giá cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngọc Linh - Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/lam-phat-co-the-bung-phat-1783411.tpo