Lạm phát có còn là bóng ma ám ảnh kinh tế Trung Quốc?

Trong một thời gian dài trước đây, lạm phát luôn là vấn đề đặc biệt được quan tâm ở Trung Quốc, lạm phát quá cao từng gây ra không ít các vấn đề xã hội.

Ảnh: Getty Images

Giá thịt lợn tăng, giá rau tăng, giá xăng tăng. Các chỉ số thống kê chính thức, vốn thường được kiểm soát chặt chẽ, cũng đang tăng lên.

Theo New York Times, giá cả tại Trung Quốc đang tăng từng ngày, điều này có thể khiến cho chính phủ Trung Quốc gặp khó trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại với Mỹ đang tăng lên.

Trong ngày thứ Hai, giới chức Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2018 tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Mức tăng không quá cao, giới chuyên gia kinh tế nói đến nhiều yếu tố đẩy giá tăng cao, ví như bão lụt gây thiệt hại đến mùa màng cũng như dịch cúm lợn.

Dù vậy, giới đầu tư và cả công chúng Trung Quốc đều đang lo lắng về diễn biến giá cả.

Một cư dân Bắc Kinh năm nay 37 tuổi, anh Angus Tong, cho biết chủ cho thuê nhà của anh muốn tăng gấp đôi giá cho thuê nhà. Hiện nay gia đình anh đang thuê căn hộ với giá khoảng 1.200USD/tháng.

Hiện tại, tiền thuê nhà lấy đi của gia đình anh mỗi tháng khoảng 30% tổng thu nhập, cùng lúc đó, tiền chi tiêu cho thực phẩm cũng tăng lên. Để tiết kiệm tiền, anh cho biết gia đình đều cố gắng nấu ăn các bữa tại nhà. Theo anh, phần lớn các gia đình trung lưu cũng cảm thấy cuộc sống khó khăn khi giá cả tăng cao như nhà anh vậy.

Giá cả tăng cao không khỏi khiến chính phủ Trung Quốc gặp khó khi điều hành chính sách. Giá cả tăng cao đồng nghĩa giới chức Trung Quốc sẽ phải cẩn thận khi họ tìm cách kích thích tăng trưởng bởi điều đó có thể khiến cho giá cả tăng cao hơn nữa. Cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng có thể khiến cho giá cả tiêu dùng và giá cả sản xuất tại Trung Quốc tăng cao khi chi phí nhập khẩu đội lên.

Hiện nay, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc khẳng định không có quá nhiều lý do để lo lắng về lạm phát. Phó giám đốc Viện chiến lược kinh tế quốc gia tại Bắc Kinh, ông Li Xuesong, nhận xét: “Những yếu tố như dịch cúm và bão lụt không gây ra nhiều tác động lên Trung Quốc, và không đủ để mang đến thay đổi bước ngoặt”.

Trong một thời gian dài trước đây, lạm phát luôn là vấn đề đặc biệt được quan tâm ở Trung Quốc, lạm phát quá cao từng gây ra không ít các vấn đề xã hội.

Gần một thập kỷ nay, lạm phát không còn khiến người ta quan tâm nhiều nữa. Nhiều năm đầu tư quá mạnh tay đã khiến cho hàng loạt các ngành bị thừa năng lực sản xuất, từ ngành sản xuất than đá cho đến sản xuất thép hay đóng tàu. Chính vì vậy các doanh nghiệp sản xuất cũng khó mà nâng giá bán hàng hóa. Điều này có thể sớm chấm dứt khi chính phủ Trung Quốc theo đuổi mục tiêu giảm năng suất thừa.

Trung Quốc đầu tư mạnh vào giáo dục, chính vì vậy năng suất lao động của người lao động cũng tăng nhanh chóng cùng với mức lương của họ. Tuy nhiên điều này có thể sớm thay đổi khi mà chính sách một con của Trung Quốc đang khiến cho lực lượng lao động ngày một teo nhỏ đi.

Lạm phát tại Trung Quốc đã được kiềm chế, thế nhưng dường như người trong và ngoài Trung Quốc không tin điều này. Giới chuyên gia phương Tây luôn tin rằng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc không nói lên đầy đủ về tác động của chi phí giá nhà tăng cao. Chỉ số này cũng không nói lên đầy đủ về sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng tại các nhà hàng cũng như xu thế thời trang của người dân thay đổi.

Giá nhà tại Trung Quốc đang tăng, kể cả nhà mới nhà cũ hay giá cho thuê nhà. Tính trên 50 thành phố trên khắp Trung Quốc trong tháng 7/2018, giá cho thuê nhà tăng trung bình 17%. Với khoảng hơn 90% hộ gia đình Trung Quốc vẫn đang sống trong căn nhà của chính họ, việc đi thuê nhà là lựa chọn cuối cùng của những người không thể có tiền mua căn hộ mới.

Trung Quốc tiếp tục bơm mạnh tiền vào hệ thống tài chính để hỗ trợ cho tăng trưởng, áp lực lạm phát sẽ tăng cao.

Chính sách tăng thuế của chính phủ Mỹ với hàng Trung Quốc cũng sẽ gây ra nhiều tác động. Nó sẽ khiến cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc tăng cao.

Trung Quốc, tuy nhiên cũng có cách riêng để bảo vệ người tiêu dùng của mình. Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ giá cả của nhiều loại hàng hóa thiết yếu. Trung Quốc thậm chí có riêng cả dự trữ thịt lợn chiến lược.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/lam-phat-co-con-la-bong-ma-am-anh-kinh-te-trung-quoc-3468813.html