Lâm Ðồng thúc đẩy chuyển giao và phát triển công nghệ tiên tiến

Từ nhiều năm nay, Lâm Ðồng được đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh (tỉnh Lâm Ðồng) cho năng suất cao, ổn định. Ảnh: DUY LINH

Mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh (tỉnh Lâm Ðồng) cho năng suất cao, ổn định. Ảnh: DUY LINH

Những kết quả đạt được có nguyên nhân từ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Ðà Lạt là một trong những thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng đề án thành phố thông minh. Hiện nay, Lâm Ðồng đứng thứ ba cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh có 50 nghìn héc-ta, chiếm 20% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ðịnh hướng phát triển giai đoạn tới, Tỉnh ủy Lâm Ðồng chủ trương tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực, như: công nghệ thông tin; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm sản, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh...

Các giải pháp đã được đề ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, phát triển thị trường, ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ trong nước đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Ðồng thời, tỉnh hoàn thiện đổi mới cơ chế, chính sách tài trợ, hỗ trợ cho vay từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực áp dụng công nghệ, đổi mới hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin - tư vấn, thực hiện dự án thông qua các quỹ ngoài ngân sách, huy động các nguồn vốn trong xã hội... Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan bảo đảm cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.

* Ðể ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại; đấu tranh phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cùng với đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa du lịch; phối hợp, tham gia công tác phòng, chống vận chuyển buôn bán khoáng sản trái phép; kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch trên địa bàn tỉnh.

Trong quý I năm 2019, các vụ vi phạm về gian lận thương mại và buôn lậu tại Lào Cai giảm so với cùng kỳ năm 2018. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 479 vụ; phát hiện và xử lý 116 vụ, tổng giá trị xử lý hơn 1,3 tỷ đồng. Ðể tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm, các đội quản lý thị trường địa bàn khu vực biên giới, đội cơ động chủ động phối hợp các ngành, lực lượng chức năng, các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39869102-lam-%C3%B0ong-thuc-day-chuyen-giao-va-phat-trien-cong-nghe-tien-tien.html