Làm nông 'tử tế' ở Ðồng bằng sông Cửu Long Bài cuối: Tạo 'cú huých' đổi mới

Sức sáng tạo và sự nhạy bén về thị trường của nhà nông, doanh nghiệp (DN) ở ÐBSCL đã tạo nên những giá trị mới cho nông sản đồng bằng. Song, để câu chuyện làm nông 'tử tế' ở ÐBSCL tạo được 'cú huých' đổi mới cho vùng rất cần sự bền chặt trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Mô hình "cánh đồng lớn" sản xuất lúa an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thắt chặt liên kết

Ông Huỳnh Quang Ðức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Sản xuất an toàn, bền vững là bước đi bắt buộc của ngành nông nghiệp. Hiện nay 8 chuỗi liên kết nông nghiệp của tỉnh đã cho kết quả bước đầu khá tích cực. Hình thành được các liên kết ngang, giữa hợp tác xã (HTX) với HTX, nông dân đồng lòng cùng xây dựng mô hình rộng lớn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, canh tác. Ðồng thời liên kết dọc giữa HTX và DN trong bao tiêu sản phẩm, gắn kết với thị trường tiêu thụ cũng đang tạo động lực mới cho sự phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp”. Có thể thấy, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từng ngành lúa gạo, trái cây, thủy sản của nông dân và DN miền Tây đang gầy dựng thương hiệu cho nông sản sạch, cũng là góp phần bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên.

Hầu hết các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đều triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với các mô hình GAP, VietGAP, Global GAP và đã đạt kết quả bước đầu. Như TP Cần Thơ, trong giai đoạn 2017-2020, nông nghiệp thành phố đã có những bước chuyển rõ rệt trong việc phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố đã có 52 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Nhiều cơ sở sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, Global GAP, HACCP… Diện tích trồng lúa theo chuỗi liên kết khoảng 30.000 ha/vụ, nhiều vùng trồng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái đã phát huy hiệu quả kinh tế… Nhưng thực tế, quá trình thương mại hóa sản phẩm vẫn gặp khó, do tình trạng cung vượt cầu. Vì vậy, để nâng cao chuỗi giá trị nông sản cần sự liên kết chặt chẽ hơn giữa “4 nhà” và sự hỗ trợ từ Trung ương trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Song song đó, nhà nông cũng cần sự “cam kết” vững chắc của DN. Ở HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, chuyên trồng vú sữa và đã có những lô hàng xuất khẩu đi Mỹ, nhà vườn phấn khởi nhưng lại không duy trì được lâu. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX, cho biết: “Nhà vườn đạt chứng nhận VietGAP được 45,5ha với 45 hộ, trong 3 năm liền có DN tham gia bao tiêu nhưng nông dân chưa mặn mà. Sản lượng 250 tấn/năm, nhưng DN khi vào rộ mùa thì bỏ nhà vườn, hoặc chậm mua. Nông dân nản chí, bán ra bên ngoài. Khi DN bỏ nhà vườn thì chúng tôi mất luôn chi phí 4 triệu đồng/ha tiền bao nylon bao trái cho xuất khẩu. Nên năm 2021, HTX rút kinh nghiệm, nếu DN đặt hàng mua vú sữa thì phải ứng trước tiền bao trái và đặt cọc cho nông dân, cam kết thu mua thì mới ký hợp đồng”.

Còn nông dân Nguyễn Hữu Thọ, thành viên HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, nói: “Nông dân rất sẵn lòng làm theo VietGAP. Ai cũng muốn sản phẩm của mình bán được giá cao, xuất khẩu ra nước ngoài. HTX hướng dẫn chúng tôi ghi chép nhật ký, kiểm soát dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường phân bón vi sinh để trong ao vườn có thể tận dụng nuôi thêm cá. Nhiều hộ làm theo. Nông dân không ngại khó, ngại khổ chỉ sợ DN bỏ nông dân giữa chừng khi thu hoạch”. Mong mỏi của ông Thọ cũng là sự kỳ vọng của những nông dân tham gia mô hình liên kết.

TS Ðoàn Hữu Tín, Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao khoa học - kỹ thuật (Viện Cây ăn quả Miền Nam), cho rằng: “Trái cây ÐBSCL có nhiều tương đồng, vì vậy các địa phương có cùng thế mạnh (ví dụ xoài, bưởi, nhãn…) nên ngồi lại với nhau bàn về vùng trồng và tiến tới xây dựng một thương hiệu chung và áp dụng trên các địa phương tương đồng, chứ phân tán từng địa phương sẽ không hiệu quả. Trong liên kết “4 nhà”, nếu thiếu đi một nhà thì cũng khó đạt hiệu quả. Muốn phát triển bền vững chuỗi giá trị trái cây phải làm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và quy hoạch vùng trồng phù hợp. Ðể áp dụng tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng nhất thì chỉ có thể triển khai trên quy mô tổ hợp tác, HTX”. Theo TS Tín, nhà vườn ở ÐBSCL trồng cây ăn trái nếu mỗi người một phách thì DN không thể có trái cây đồng nhất, chất lượng tốt để xuất khẩu. Ðiều này ảnh hưởng đến xây dựng được thương hiệu trái cây. Nói chung, với cây ăn trái của vùng ÐBSCL, vấn đề quy hoạch vùng trồng phải căn cứ trên nhu cầu thị trường và tập hợp nông dân lại với nhau.

Mở hướng đi mới

ÐBSCL được mệnh danh là “3 vựa”, nhưng theo các nhà khoa học, trong suốt thời gian dài lo chạy theo sản lượng, nhà nông đã không “tử tế” với đất trồng của mình. Trong khi đầu tư trồng lúa chưa đủ khả năng để tạo ra lợi tức cao cho nông dân, cây ăn trái vẫn manh mún vùng trồng, chuỗi thủy sản khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ cũng chật vật mở rộng. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, ÐBSCL đã thực hiện chủ trương an ninh lương thực kéo dài nhiều năm và đã có rất nhiều bất cập. Nhiều vùng ngọt hóa để trồng lúa, nhưng không hiệu quả. Trong khi 1ha lúa tiêu tốn 18.000m3 nước ngọt, trong mùa kiệt nước thì vùng hạ thiếu nước trầm trọng, mùa lũ dư nước không kiểm soát được. Cho tới khi có Nghị quyết 120, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðó là cuộc chuyển đổi về tư duy quản lý, quy hoạch và là điểm sáng đổi đời cho nông dân ÐBSCL.

Thu hoạch vú sữa tại HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ. Ảnh: V.Công

Cùng với đó, các địa phương trong vùng đã chuyển động liên kết trên từng tiểu vùng để nhân rộng ra toàn vùng. Như ở vùng Ðồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp) đã xây dựng đề án liên kết tiểu vùng. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: “Trong 30 năm qua, vùng Ðồng Tháp Mười sản xuất vẫn còn chạy theo số lượng, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Còn bây giờ, chúng ta đã hội nhập sâu rộng, nhu cầu thị trường cũng khác, không phải ăn no nữa mà là ăn ngon. Vì vậy, mệnh lệnh của thị trường buộc chúng ta phải sản suất an toàn, sạch, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ý tưởng liên kết tiểu vùng Ðồng Tháp Mười của 3 tỉnh là chúng tôi muốn liên kết từng cái nhỏ, sau đó lan ra các tiểu vùng khác của ÐBSCL”. Theo ông Nghĩa, tiểu vùng không chỉ bắt tay làm nông nghiệp sạch, mà còn gắn với chế biến sạch, xây dựng được môi trường sạch và thu hút nông dân, đào tạo cho họ trở thành nông dân chuyên nghiệp, “tử tế” kết hợp với những doanh nhân cùng xây dựng Ðồng Tháp Mười trở thành khu vực nông thôn mới hiện đại hơn, phát huy tiềm năng xanh, nông nghiệp xanh.

Việt Nam đang có lợi thế lớn đối với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như EVFTA, RCEP… Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, nói: “Hiện có nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam, nhưng chúng ta đang có lợi thế với Hiệp định EVFTA, gạo Việt Nam có thuế xuất khẩu bằng 0%. Tuy nhiên, tiêu chuẩn châu Âu rất cao, an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu, nên trách nhiệm của ngành gạo Việt Nam là phải sản xuất an toàn, sạch. Và để làm được điều này chỉ có thể liên kết nông dân và DN trong cánh đồng lớn, nông dân làm theo quy trình mà DN đưa ra, kiểm soát tất cả dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực tế, đảm bảo an toàn khi thu hoạch, chế biến. Hiện nay, công ty chủ yếu dự trữ lúa, khi có hợp đồng mới xay xát xuất khẩu. Vì vậy, chất lượng hạt gạo được đảm bảo. Công ty cũng triển khai mô hình cánh đồng lúa hữu cơ khoảng 800ha ở các địa phương ÐBSCL, để xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ, đi vào các thị trường khó tính”.

“Nông dân đã thay đổi lối sản xuất cũ và làm theo khuyến cáo của nhà khoa học, giảm bớt phân, thuốc hóa học, thay bằng phân hữu cơ, phân vi sinh. Thì rõ ràng chúng ta đang có những nông dân rất tử tế để làm cho nông nghiệp bền vững lâu dài”- GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định. Không chỉ vậy, nhiều HTX, Tổ hợp tác cũng tận dụng tốt các chỉ dẫn địa lý cho cây trồng và gắn mã vạch trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Rõ ràng nông dân và DN ở ÐBSCL đang đạt lợi ích kép từ lựa chọn theo mô hình nông nghiệp an toàn, hữu cơ._

GIA BẢO - KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/lam-nong-tu-te-o-ong-bang-song-cuu-long-bai-cuoi-tao-cu-huych-doi-moi-a130614.html