Làm nông phải hết lam lũ

Bây giờ thì 'nông nghiệp công nghệ cao' đã trở thành vấn đề thời sự của cả nước. Từ các diễn đàn quốc gia đến các hội nghị, hội thảo chuyên ngành; từ những người hoạch định chính sách cho đến các chuyên gia trong và ngoài nước; từ các doanh nghiệp đến người nông dân trên khắp cánh đồng quê, đâu đâu cũng nghe bàn thảo. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được các địa phương đặt lên hàng đầu trong các kế hoạch xúc tiến đầu tư như là cách để làm một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp xứ mình.

Trồng hoa tại một khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: THÀNH HOA

Đã có những dự án ngàn héc ta, ngàn tỉ đồng được đầu tư nơi này, nơi kia khiến người đồng bằng sông Cửu Long không khỏi sốt ruột. Nhưng nhìn lại điều kiện đất đai manh mún quê mình chắc là khó có những dự án quy mô như vậy. Và dù đất đai có đủ quy mô lớn để giao cho nhà đầu tư thì còn hàng triệu người nông dân ở phía ngoài hàng rào các khu nông nghiệp công nghệ cao, làm cách nào để họ tiếp cận với cách làm nông nghiệp kiểu mới?

Doanh nghiệp đầu tư thì phải thu được lợi nhuận, trong khi đầu tư vào nông nghiệp lại gặp nhiều rủi ro, thời gian để thu lợi nhuận chậm hơn là đầu tư một vài nhà máy công nghiệp. Điều đó cần đến sự đồng hành thực sự của lãnh đạo địa phương, chứ không chỉ dừng lại ở những “tấm thảm đỏ” ban đầu.

Một doanh nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Tháp tâm sự: “Nhà máy đầu tư vào địa phương là tài sản của doanh nghiệp, nhưng đồng thời địa phương cũng cần xem nó là tài sản của mình. Có như vậy, hai bên mới gắn bó lâu dài và cùng cộng đồng trách nhiệm trong suốt thời gian hoạt động”. Vậy đó, hỗ trợ doanh nghiệp đâu chỉ dừng lại ở việc tạo thuận lợi nhất trong thủ tục đầu tư, đất đai, lao động, tín dụng... mà còn cần sự thấu hiểu, chia sẻ giữa lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp. Muốn thấu hiểu và chia sẻ thì người lãnh đạo và doanh nghiệp phải cùng trả lời những câu hỏi đặt ra trong bối cảnh nhiều thách thức của thị trường. Và, muốn trả lời thì lãnh đạo và doanh nghiệp không chỉ ngồi trong phòng họp mà phải cùng nhau “băng đồng, lội ruộng” với người nông dân, câu trả lời lắm khi là ở đó.

Một doanh nhân khác đang đầu tư trang trại nông nghiệp công nghệ cao nay đã trở thành người bạn đồng hành với mảnh đất Đồng Tháp tâm sự: “Doanh nghiệp chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải có trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm dẫn dắt bà con nông dân đi lên”. Và, “nói là làm”, anh không chỉ cùng có mặt với lãnh đạo tỉnh trong các hội thảo để chia sẻ kiến thức, thông tin thị trường, mà còn lặn lội đến với bà con nông dân để hướng dẫn cách làm nông nghiệp sinh thái.

Một doanh nhân Việt kiều, người đi đầu trong triển khai nông nghiệp thông minh trên đồng ruộng Đồng Tháp, trăn trở: “Nông nghiệp thông minh, nói gì thì nói, là làm sao để người nông dân không còn lam lũ, làm nông mà không phải suốt ngày dãi nắng dầm sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Người nông dân phải có nhiều thời gian rảnh rỗi để thư giãn, đọc sách, đi đây đó làm giàu kiến thức cho mình”. Và quả thật, anh đã làm cho người nông dân bất ngờ vì biết ứng dụng điện thoại thông minh để quản lý dinh dưỡng, quản lý tưới tiêu. Có anh nông dân phấn chấn: “Cuộc đời mấy chục năm làm ruộng của tui chỉ có vụ rồi là được rảnh rang, nhàn nhã, chỉ cần bấm vô cái điện thoại là nước tràn vô đồng rồi tự ngắt vận hành khi đủ lượng nước cần, khỏe ru!”.

Thật ấm lòng khi có những doanh nhân đầy tâm huyết như vậy! Các anh đến đây đâu chỉ nghĩ về mình, mà còn nghĩ đến một nền nông nghiệp mới với hàng triệu người nông dân yếu thế. Các anh đến đây đâu chỉ đem đến nguồn vốn đầu tư để địa phương có thêm nguồn thu, giải quyết thêm nhiều việc làm, mà còn đem đến kiến thức kinh tế, thông tin thị trường cho đội ngũ lãnh đạo địa phương. Các anh chính là những nhà tư vấn, mà chỉ một ý tưởng nhỏ thôi, cũng đôi khi làm cho người lãnh đạo thay đổi cách nghĩ, cách làm. Có ai đó nói rằng: “Ý tưởng thường xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó thì cần đến nhiều người, ý tưởng người này dẫn dắt ý tưởng người khác”.

Chính các doanh nhân đến với Đồng Tháp là những “mảnh ghép” giúp cho bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng cân chỉnh hơn trong xu thế hội nhập. Cũng chính các doanh nhân như vậy, bằng kinh nghiệm thương trường, đang tư vấn và hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của giới trẻ trên mảnh đất này. Thật đáng trân quý! Càng trân quý thì càng cần phải đồng hành thực sự, không câu nệ về thời gian, không gian.

Câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đâu chỉ nhìn nhận dưới góc độ quy mô nhà máy, trang trại, vốn đầu tư, công nghệ, mà còn cần nhìn nhận ở chỗ có làm lan tỏa kiến thức làm nông nghiệp tiên tiến đến hàng triệu nông dân; doanh nghiệp có dẫn dắt người nông dân hướng tới sự thay đổi hay không.

Khi ấy, định hướng “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” sẽ gặt hái được thêm những quả ngọt!

“Hệ điều hành mới” cho nông nghiệp

Chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp nhưng tại sao “thúc” nhiều mà vẫn chưa tạo được “lực đẩy” phát triển mạnh mẽ? Cần tháo gỡ hay phải “mở đường” với những đột phá mới? Đó là những câu hỏi cũ cần lời giải mới.

Yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn không chỉ đòi hỏi phải tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực, địa bàn này mà cần tạo ra “sự chuyển đổi lớn” của ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương. Tích tụ đất đai, đầu tư khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp gắn với thị trường bằng tư duy kinh doanh nông nghiệp là bốn vấn đề then chốt, “điểm tựa” cho phát triển và cũng là trục xương sống trong chiến lược phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không thể là những khuyến khích chung chung, ngắn hạn, mà cần cụ thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo và tạo ra không gian, lĩnh vực đầu tư thật sự hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng. Các chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần tiến hành theo chuỗi mà doanh nghiệp chính là trung tâm liên kết của chuỗi đó, chúng ràng buộc được với nhau, hỗ trợ cho nhau.

Nông nghiệp hiện nay không thể thiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đóng vai trò động lực để phát triển khu vực này. Doanh nghiệp, nông dân và các tác nhân của các chuỗi giá trị cần tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng động thích ứng trước nhiều thay đổi nhanh chóng.

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới có hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn. Trên cơ sở đó, xin đề xuất quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Cần tính đến các giải pháp tổng thể về quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hai là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học, đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Gắn với xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học, các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới. Doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn cần “không gian kinh doanh” thuận lợi hơn là những hỗ trợ mang tính xin - cho.

Ba là, tổ chức tốt thị trường, hệ thống phân phối nông sản trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường; nâng cao năng lực dự báo; đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành, nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp.

Trần Hữu Hiệp

Lê Minh Hoan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276362/lam-nong-phai-het-lam-lu-.html