Làm những điều dân cần

Mặt trận và Chính phủ là vì dân, làm những điều dân cần. Đây là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định khi đề cập tới công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam. Mặt trận cũng như Chính phủ đều lo cho dân, cùng mục tiêu vì dân nên phải làm những điều thiết thực cho dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực với người dân thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: chinhphu.vn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực với người dân thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: chinhphu.vn.

Trong nhiều kỳ cuộc của Mặt trận ở khu dân cư như Ngày hội Đại đoàn kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong những vị lãnh đạo thường xuyên về dự với người dân. Bản thân người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ông thường sinh hoạt ở cơ sở và dù ở cương vị nào ông cũng thấy rất rõ vai trò cán bộ Mặt trận ở cơ sở vì “các đồng chí nói là dân tin, dân nghe”. Cho nên, mỗi lần đến với Mặt trận, lời đầu tiên của Thủ tướng là lời cảm ơn tới đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp đã luôn đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những lời chia sẻ chân tình của ông đã mang lại nhiều cảm xúc cho người Mặt trận để họ nói lên tiếng nói của mình, tiếng lòng mà nhân dân gửi gắm.

Ngày hội, còn là một dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về với dân “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao”, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi về với bà con trong Ngày hội tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Thủ tướng, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa lớn lao, là một hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân mà một bộ phận cán bộ mắc phải. Đối với khu dân cư, đây là dịp tổng kết tình làng nghĩa xóm, sự đóng góp của mỗi người dân trong việc xây dựng thôn, làng. Đây cũng là diễn đàn dân chủ ở nông thôn, tập hợp sức mạnh của người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc phải khắc phục cho được bệnh quan liêu, xa dân của cấp chính quyền, sớm xử lý tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, làm sao cán bộ cơ sở phải nóng ruột vì dân, lo lắng cho dân, không để người dân bất bình.

Bởi vì sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng đáng khích lệ, đời sống của người dân đã khá lên, đất nước có vị thế cao trên trường quốc tế. Nhưng bên cạnh đó lại nổi lên những vấn đề của xã hội. Giờ đây không chỉ có tệ nạn xã hội, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn là bạo lực học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạo đức xuống cấp… đang là những nỗi lo của mọi nhà, mọi người. Từ miếng ăn, nước uống, an toàn không bị bệnh tật cho đến việc nhà trường xưa nay được coi là “điểm đến an toàn” thì giờ đây đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn, nổi rõ là tình trạng bạo lực và dư luận cũng đã phải bày tỏ về sự xuống cấp đạo đức trong nhà trường, kể cả thầy và trò với nhiều vụ việc đau lòng, rất đáng suy nghẫm.

Chưa kể, hiện nay, ở nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho đời sống nhân dân.

Tất cả những vấn đề này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp, trách nhiệm của những người làm Mặt trận trong việc tăng cường khối đại đoàn kết và tạo sự đồng thuận.

Sự đồng thuận, ở phương diện nào, thời điểm nào cũng là quan trọng đối với công tác Mặt trận. Bởi hiện nay không phải lúc nào, không phải nơi nào cũng có thể tìm thấy sự đồng thuận. Câu chuyện điểm nóng từng xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trong năm 2018 đã cho thấy điều đó.

“Đừng để đốm lửa nhỏ thiêu rụi cả một cánh rừng lớn” là cách nói ví von nhưng mang đầy tính triết lý đáng suy ngẫm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ với Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tại Hội nghị liên tịch thường niên giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ diễn ra vào tháng 4/2019, để thêm một lần nói về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và chính quyền các cấp trong việc sát dân, gần dân, hiểu lòng dân để xây dựng sự đồng thuận.

Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị MTTQ với vai trò của mình, lựa chọn các vấn đề lớn, được đông đảo nhân dân quan tâm, bức xúc để phối hợp giám sát như cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đánh giá sự hài lòng của người dân với dịch vụ công, trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng…

“Đó là những việc người dân rất cần. Giám sát phải làm gì đó thiết thực. Chứ đừng ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và ông cũng đề nghị giám sát trực tiếp, thường xuyên hơn đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo phối hợp và tạo điều kiện cho MTTQ phát huy vai trò của mình.

Theo Thủ tướng, hiện nay, phát huy dân chủ là vấn đề quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nhất là dân chủ ở cơ sở. Dân chủ mạnh mẽ nhưng phải giữ vững kỷ cương. Cho nên, hơn lúc nào hết, Mặt trận và Chính phủ cần chủ động nắm bắt những xu hướng, nắm tình hình nhân dân để hóa giải khúc mắc trong nhân dân, trong các tôn giáo, dân tộc để tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết vì sự phát triển của đất nước.

Đồng hành cùng với Chính phủ, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong thời gian tới đây, Mặt trận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nắm bắt tình hình nhân dân thông qua hệ thống phần mềm kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tập hợp ý kiến, kiến nghị và phản ánh của cử tri để kịp thời giải quyết các điểm nóng phát sinh trên địa bàn khu dân cư. Mặt trận sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở; tăng cường đối thoại với nhân dân; giám sát những vấn đề nhân dân quan tâm và theo đến cùng của từng vụ việc.

Có thể nói, thời gian qua, nội dung chương trình phối hợp công tác giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng được triển khai hiệu quả thiết thực, góp phần tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chung của đất nước. Nổi bật như: tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cứu trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, nhất là việc giám sát cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam... Chính phủ đã ban hành chính sách góp phần hoàn thiện cơ chế, đảm bảo các điều kiện, nâng cao năng lực cho hoạt động của Mặt trận trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết - sáng tạo”, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp... Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, tạo điều kiện tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024.

Lê Na

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dai-hoi/lam-nhung-dieu-dan-can-tintuc447390