Làm nhà báo, hãy là nhà báo suốt đời

Hội Nhà báo thành phố Hà Nội thành lập vào năm 1989, Ban liên lạc các Nhà báo cao tuổi Hà Nội ra đời sau đó. Đây là ý tưởng của cố Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Hồng Lĩnh nhằm giúp các đồng nghiệp đã nghỉ hưu không bị tâm lý mình không còn là nhà báo nữa…

Nhà báo lão thành Khiếu Quang Bảo tham luận tại Đại hội Hội Nhà báo TP Hà Nội lần thứ VII

Nhà báo lão thành Khiếu Quang Bảo tham luận tại Đại hội Hội Nhà báo TP Hà Nội lần thứ VII

Trót mang chữ nghĩa vào thân…

Đầu tiên Ban liên lạc mang cái tên “Ban liên lạc các nhà báo hưu trí Hà Nội”. Nhưng 2 từ “hưu trí” với nghề báo nghe hơi buồn, bởi thực tế họ vẫn làm nghề, cho nên mới đổi thành “Ban liên lạc các nhà báo cao tuổi” cho đỡ… tủi thân. Vậy nhưng 5 năm sau tôi mới “nhập môn” tổ chức này. Một số nhà báo có viết văn còn “sòn sòn” ra tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập bút ký, tập thơ và văn học dịch như: Bắc Sơn, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Chiến, Nguyễn Trọng Văn, Cao Ngọc Thắng, Khiếu Quang Bảo... Và thật vinh hạnh, nhà báo Giang Quân còn được thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Công dân ưu tú” vì những cống hiến của ông trong sự nghiệp báo chí và văn hóa của thành phố khi ông bước sang tuổi… cụ.

Tôi nghỉ hưu 19 năm nay nhưng chưa có một ngày nghỉ mà liên tục làm việc cho các cơ quan truyền thông VTC, Quốc phòng Việt Nam và giờ là Truyền hình Nhân dân. Đồng hành với thế hệ các nhà báo kém tới 2-3 giáp, tôi buộc phải thích nghi. Báo chí đang sống trong kỷ nguyên số, đó là cơ hội cho phát triển, nhà báo tự khẳng định nghề nghiệp mình, nhưng đó cũng là thách thức trong dòng chảy lớn, thậm chí là “thác lũ” của truyền thông. Các nhà báo ngày nay được đào tạo rất cơ bản, không những về nghiệp vụ báo chí, mà còn được đào tạo cả một chuyên ngành nào đó thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội đủ khả năng theo dõi chuyên biệt.

Báo chí ngày nay còn tổ chức tập hợp được một đội ngũ chuyên gia đủ lĩnh vực làm cộng tác viên góp cách nhìn đa chiều, phản biện xã hội, cùng đánh giá những vấn đề cần tranh cãi cho sáng rõ hơn để giúp Chính phủ nghiên cứu, tham khảo, có quyết sách chính xác. Ví dụ “gói cứu trợ” các doanh nghiệp nên hay không nên? Bởi nó được chuyên gia nhìn nhận như là để “phúng viếng” chứ không phải là “cứu sinh”, thay vì hãy giảm thuế cùng các nghĩa vụ khác để các doanh nghiệp bán được hàng tồn kho, thu hồi vốn tái sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, người lao động có thu nhập kích cầu tiêu dùng.

Những bê bối về tham nhũng đã trở thành vấn nạn trong phân bổ đất đai cho dự án, quản lý đấu thầu, chính sách giá, quản lý tiền tệ, chi tiêu công, cải cách hành chính… được báo chí nêu ra gần như thường nhật. Sự bảo thủ trong đường hướng giáo dục và đào tạo, cũng như quản lý yếu kém trong y tế, văn hóa, xã hội dưới cách nhìn “giải phẫu biện chứng” của báo chí cho thấy báo chí thực sự đóng vai trò quan trọng trên mặt trận dư luận. Tuy nhiên, hoạt động không dễ dàng gì mặc dù có Luật dành riêng cho báo chí. Những hành động thiếu hợp tác, chống đối, hành hung nhà báo ngày một nhiều và nghiêm trọng. Báo chí vào cuộc những vấn đề nhạy cảm càng khó khăn hơn.

Tâm sáng, lòng thẳng

Báo chí có sai lầm không? Chính xã hội phong cho báo chí danh hiệu “Quyền lực thứ tư”, nhưng nhiều khi chức phận định hướng dư luận, hướng dẫn dư luận đã lạc hướng. Báo chí đôi khi thiếu đồng nhất, thiếu cảm nhận cùng bạn đọc và đối tượng bị phê phán. Trong hệ thống báo chí, phát thanh và truyền hình có lợi thế nhất trong việc cập nhật tin tức trong bản tin thời sự 2giờ/lần. Các báo điện tử nhanh hơn và có thể đăng lên mạng ngay khi làm xong tin, nhất là tin nóng.

Các báo in phải đưa sự kiện vào sáng hôm sau, nhưng có lợi thế khác là có điều kiện kiểm chứng, cân nhắc kỹ càng, viết sâu hơn. Đưa tin nhanh là một trong những tiêu chí hàng đầu có giá trị tuyệt đối đối với mỗi tờ báo hằng ngày. Nhưng tính chính xác của sự kiện lại cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu. Những thông tin liên quan đến đời sống, sức khỏe mà không kiểm chứng, cân nhắc thì tai họa khó lường.

Cũng giống như nhân gian, quyền lực và chứng nghiện quyền lực có những tác động gần giống như ma túy. Và việc có quá nhiều quyền lực dẫn đến những tác động tiêu cực, chẳng hạn như sự hung hăng và tâm lý nóng vội. Đó cũng là cách giải thích hành vi khác lạ và bốc đồng ở người được trao quyền lực sẽ dẫn đến những sai sót thô thiển trong đánh giá cũng như không chấp nhận rủi ro, thất bại. Đó là chưa kể họ dễ xem mình là trung tâm của vũ trụ và thiếu đồng cảm với người khác.

Tác phẩm “90 giây để hút bất kỳ ai” (How to make people like you in 90 seconds) của tác giả Nicholas Boothman đã gợi mở những kỹ thuật đơn giản nhắm tới sự hòa hợp: Chọn lựa thái độ thực sự hữu ích (thái độ tích cực); Hiểu rõ về lời nói, giọng điệu và cử chỉ điệu bộ của mình khi nói ra bất cứ điều gì; Đồng bộ thái độ và những chuyển động cơ thể của bạn với người khác. Chính điều này sẽ khiến người đối thoại với bạn cảm thấy thoải mái, dù rằng họ không biết được nguyên do tại sao.

Cái lỗi của truyền thông là tự cho mình cái gì cũng đúng. Báo chí phải giúp người đọc có một nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về biện luận, chứ không phải chỉ đơn thuần là việc đưa ra những ý kiến của mình dưới một dạng thức mới. Biện luận không phải là tuyên bố hay tranh cãi về một quan điểm hay vấn đề nào đó, mà là cố gắng bảo vệ cho một quan điểm nhất định với các lý lẽ và bằng chứng rõ ràng. Và báo chí hãy làm sáng tỏ nhiều hơn chân lý đó.

Cần nhớ rằng báo chí không có bạn thân, cũng không có kẻ thù. Có bạn thân là ngòi bút thiếu công bằng, có kẻ thù là phải quyết chiến quyết thắng bằng bất cứ cách nào. Báo chí truyền thông là diễn đàn dành cho công chúng. Phải học cách tôn trọng người khác chứ đừng đẩy người ta ngã xuống đất, rồi đạp thêm cái nữa khiến người ta vĩnh viễn không đứng lên được nữa. Thời đại bây giờ ít niềm tin hơn, it tín nhiệm hơn. Khi báo chí không tin người trong cuộc thì đến lúc bạn đọc không tin vào báo chí nữa. Báo chí sẽ sống với ai và bằng cái gì?

Nhà báo, hãy nhớ anh là ai

Giống như ra gió ra mưa phải đi ô. Báo chí muốn có uy tín trong bạn đọc thì cần phải cẩn trọng. Báo chí hoạt động vì quyền lợi của độc giả, khán thính giả, đồng thời hòa đồng với lợi ích quốc gia với mục tiêu dân chủ và công bằng xã hội. Trong Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của Báo chí - Truyền thông trong phòng chống suy thoái” của Hội Nhà báo Việt Nam, ở phần 1 có bàn tới cái sự “chạy”: “Chạy tiền, chạy quyền, chạy tình” làm cả xã hội cùng “chạy”. Và phần 2 là: “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn có thể dẫn tới tiếp tay với các thế lực xấu phản bội lại lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó là những điểm nhấn trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Giới báo chí có thể tự hào về hàng loạt các vụ tham nhũng được phanh phui trên mặt báo. Thế nhưng trong 3 năm qua, chưa bao giờ số báo bị đình bản cùng các nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo lại nhiều đến thế. Tôi nhớ trên đặc san Nhà báo Thủ đô có in một tranh vui vẽ 5 cây bút, chiếc cong, chiếc uốn lượn như giun, chiếc phình ra như có khối u ác tính, chiếc cuộn tròn và có chiếc thẳng ngay với lời chú “Nhân cách nhà báo nằm ở đâu?”. Hóa ra nhân cách nhà báo nằm ở cây bút.

Vậy nhà báo anh là ai? Là người làm truyền thông có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân khi tác nghiệp. Có bản lĩnh vững vàng để nói không với “chạy”, để không “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Nếu như chúng ta đã chọn báo chí là nghề vinh quang nhất đời mình thì xin hãy sẵn sàng để đón nhận một nghiệp báo mà đa phần là nghiệp chướng.

KHIẾU QUANG BẢO (Ban Liên lạc các nhà báo cao tuổi)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/lam-nha-bao-hay-la-nha-bao-suot-doi/861300.antd