Lâm nghiệp Việt Nam-75 năm hình thành và phát triển

Ngày 1-12, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm lâm nghiệp Việt Nam-75 năm hình thành và phát triển (1-12-1945 / 1-12-2020).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, dự lễ kỷ niệm. Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp đã vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng, với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội-môi trường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 13 tỷ USD, chiếm hơn 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và dự thảo chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tiếp tục xác định rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước. Do đó, cần duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5 đến 5,5%/năm giai đoạn 2021-2025 và duy trì ổn định đến năm 2030; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025; đạt 23-25 tỷ USD vào năm 2030. Đến 2025, có 50% và đến 2030, có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp hàng hóa hoặc các dịch vụ.

Để đạt được kết quả trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp hoàn thiện các chính sách, thể chế về lâm nghiệp. Trong đó, cần nhất quán, kiên quyết thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và giữ vững quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17-1-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngành lâm nghiệp phải chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để thực hiện thành công nhiệm vụ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

BẬT HƯNG -TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/lam-nghiep-viet-nam-75-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-645366