Làm mới tuồng Việt bằng kịch bản nước ngoài

Vở tuồng Huyền thoại về ngọn đồi đỏ của Nhà hát Tuồng Việt Nam được xây dựng dựa trên kịch bản Bukit Merah của TS. Chua Soo Pong (người Singapore) với dấu ấn của hai nền văn hóa trong một tác phẩm.

Một cảnh trong vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”

Hai văn hóa trong một vở tuồng

Huyền thoại ngọn đồi đỏ là vở tuồng được xây dựng dựa trên nguyên tác là một kịch bản múa hát mang tên Bukit Merah. Nội dung của vở xoay quanh câu chuyện về cậu Na Đin (14 tuổi) có trí thông minh hơn người. Cậu đã hiến kế giúp dân làng bắt cá kiếm, trả lại sự bình yên cho xóm chài và được Hoàng thượng trọng dụng. Nhưng cũng vì điều này, Na Đin bị tể tướng trong triều đình ghen ghét, đố kỵ và tìm cách hãm hại.

Theo đạo diễn Đặng Bá Tài, vở diễn này đã được lên kế hoạch từ năm 2017 và do Bộ VH, TT&DL đặt hàng. Nhà hát kết hợp với TS. Chua Soo Pong để xây dựng lại kịch bản Bukit Merah. Trước đó, Bukit Merah từng được dàn dựng ở các nước như: Singapore, Trung Quốc… và còn được dựng thành phim hoạt hình mang tên Legend of Bukit Merah. Kịch bản gốc khá đơn giản, nên tác giả Sỹ Chức đã phải chuyển thể, tổ chức lại thành một kịch bản của sân khấu tuồng, với từng màn diễn để làm nổi bật và truyền tải nhiều ý nghĩa của tác phẩm. Việc chuyển thể bám sát nguyên tắc của sân khấu tuồng như: Xây dựng tình huống hát khách, hát nam. Vở diễn mang tới những hỉ, nộ, ái, ố của con người thông qua số phận của nhân vật.

“Ngay khi đọc kịch bản, chúng tôi đã hình thành ý tưởng trong đầu. Hơn nữa, đây cũng là huyền thoại liên quan giữa triều đình với người dân - đặc điểm khá tương đồng với đề tài của tuồng truyền thống nên việc chuyển thể không quá khó khăn”, đạo diễn Đặng Bá Tài nói.

Là vở diễn hợp tác giữa Việt Nam - Singapore nên Huyền thoại ngọn đồi đỏ cũng mang dấu ấn của hai nền văn hóa. Các nhân vật Na Đin, già làng, trang phục và âm nhạc được sử dụng đều mang đậm nét văn hóa của người Singapore, cùng những lớp múa Ấn Độ, múa Hoa. Dù vậy, hình thức diễn viên biểu diễn và tâm hồn, ngôn ngữ đều mang tính chất của nghệ thuật tuồng truyền thống của Việt Nam. Đạo diễn Bá Tài tâm sự, đây là điều hay vì qua đó, người nước ngoài có thể thấy, sân khấu tuồng Việt vẫn có thể truyền tải được những vấn đề của xã hội trên thế giới.

Cùng với điều này, sân khấu cũng được thiết kế khá đơn giản và mang tính ước lệ. Đặc biệt, thay vì sử dụng đạo cụ, vở diễn đã dùng những điệu múa quạt để tạo thành nhiều hình ảnh khác nhau như cái cây, những lớp sóng biển động. “Vở diễn có tính huyền thoại nên chúng tôi phải tìm những thủ pháp để thực hiện. Cây quạt vừa là cái cây, vừa thể hiện suy nghĩ của con người trong những lúc dao động”, đạo diễn Đặng Bá Tài lý giải về ý tưởng của mình.

Lát cắt của thời đại

Trong vai cậu bé 14 tuổi Na Đin, nghệ sĩ Trần Long tâm sự, biểu diễn văn hóa Singapore bằng nghệ thuật tuồng không khó vì nghệ thuật luôn có tiếng nói chung. Những biểu cảm, văn hóa, âm nhạc biểu diễn, động tác hình thể là ngôn ngữ chung ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, anh đã diễn nhiều dạng vai nhưng Na Đin lại là vai khó nhất mà anh từng thể hiện, bởi bản thân anh ngoài đời đã gần 40 tuổi.

Đối với anh, áp lực phải làm sao để khán giả nhìn ra đó là một cậu bé còn trẻ con. Anh phải thường xuyên quan sát các em nhỏ, quan sát con mình từ những hành động, cử chỉ, ánh mắt nhanh nhẹn như thế nào, lời nói liến thoắng ra sao… để phân tích, rồi nhờ sự hỗ trợ của đạo diễn và tác giả để diễn cho tròn nhân vật hơn. Quá trình tập luyện cũng không đơn giản, bởi có nhiều hành động trẻ con mà anh đưa vào lại là vô nghĩa trong hành động tuồng.

Sau hai buổi diễn ra mắt khán giả, dự kiến đầu tháng 10, Huyền thoại ngọn đồi đỏ sẽ tham gia biểu diễn tại Singapore. Ngoài ra, vở còn có kế hoạch tham gia các Festival ở Trung Quốc, Hàn Quốc… nhằm đưa nghệ thuật Tuồng đến gần hơn với khán giả quốc tế.

“Tuồng là múa có nội dung. Mọi người cũng góp ý cho tôi nhưng tôi nghĩ, vai diễn một đứa trẻ thì nên có những hành động của trẻ thơ. Thực ra lúc được giao vai, tôi đã không dám nhận vì tuổi của mình với tuổi nhân vật quá chênh lệch. Các lãnh đạo, đạo diễn động viên mãi nên tôi đành cố gắng vậy”, nghệ sĩ Trần Long cười.

Chia sẻ với Báo Giao thông, tác giả kịch bản gốc - TS. Chua Soo Pong cho biết, có nhiều nơi đã dựng vở diễn này của ông nhưng ông lại ấn tượng với phiên bản của Việt Nam. Theo ông Chua, vở diễn mang phong cách của tuồng và đã diễn tả tất cả những gì thông thường nhất, căng thẳng nhất để khán giả cảm nhận được những hỉ, nộ, ái, ố của nhân vật. Ông thích ý tưởng sử dụng những cây quạt để làm cây, cũng như áp dụng những điệu múa của tuồng để làm những động tác như phi ngựa, bơi lội. Càng thú vị hơn khi một câu chuyện của Singapore lại được thể hiện bằng loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

“Bản diễn này đã có những thay đổi so với bản gốc của tôi, được tác giả làm với một góc nhìn khác. Từ hiện thực khi ngư dân phát hiện ra loài cá kiếm đã dẫn dắt đi tới những câu chuyện chốn vương quốc với những đố kỵ, ghen tuông bóp chết các tài năng, làm xã hội mất đi sự ổn định”, TS. Chua Soo Pong chia sẻ.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lam-moi-tuong-viet-bang-kich-ban-nuoc-ngoai-d267412.html