'Làm mới' làng cổ Lộc Yên

Tại hội thảo khởi nghiệp sáng tạo 'Tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ Làng cổ Lộc Yên' do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 7-1 tại H. Tiên Phước, các đại biểu tham dự chung sức hiến kế để làng cổ này thu hút, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch bền vững.

Tại hội thảo khởi nghiệp sáng tạo "Tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ Làng cổ Lộc Yên" do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 7-1 tại H. Tiên Phước, các đại biểu tham dự chung sức hiến kế để làng cổ này thu hút, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch bền vững.

Ngõ đá Lộc Yên và thiếu nữ.

Ngõ đá Lộc Yên và thiếu nữ.

Theo Chủ tịch UBND H. Tiên Phước Hường Văn Minh, những năm gần đây, với nhiều chủ trương, quyết sách lớn, đúng đắn, Tiên Phước đã phát huy được ưu thế trong việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái miệt vườn, sinh thái núi rừng... Tuy nhiên, muốn làm du lịch thành công, nhất là mô hình du lịch cộng đồng từ Làng cổ Lộc Yên thì vấn đề tiên quyết phải có sự quảng bá mạnh mẽ, thường xuyên; có sự đầu tư kinh phí, hỗ trợ kết nối tour tuyến từ các hiệp hội, doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành. Từ đó, khai thác, đầu tư có hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có, sớm tạo ra các sản phẩm du lịch, vùng du lịch đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế hiện hữu cho người dân, tạo động lực, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian đến.

Tiên Phước là huyện trung du, bán sơn địa, chuyển tiếp giữa đồng bằng với miền núi của tỉnh Quảng Nam và quá trình khai phá, định cư, đấu tranh sinh tồn qua bao đời đã để lại nơi đây nhiều di sản vật thể và phi vật thể phong phú, giá trị. Trên địa bàn huyện hiện có 34 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật nổi bật như: Nhà lưu niệm Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam, Di tích vụ thảm sát Gò Vàng Tiên Sơn, Đồng Trại Tiên Cẩm và các di tích địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc Tiên Thọ. Ngoài ra, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, hữu tình như bãi đá Lò Thung (Tiên Cảnh), thác Ồ Ồ (Tiên Châu), Hang Dơi (Tiên An), làng trái cây Hố Qườn (Tiên Kỳ)...

Đặc biệt, tại Tiên Phước còn có di tích Làng cổ Lộc Yên vừa được Bộ VH- TT và DL công nhận di tích cấp quốc gia năm 2019. Tại đây lưu giữ hơn 50 ngôi nhà cổ thuần Việt hàng trăm năm tuổi, có kiến trúc tinh xảo và không gian văn hóa đậm nét cổ truyền với vườn nhà, ngõ đá, bờ đá, giếng nước, đường làng thơ mộng, cảnh sắc hiền hòa.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Tiên Phước tăng lên đáng kể, trong đó khách quốc tế có gần 500 lượt, khách nội địa ước gần 15.000 lượt. Tuy nhiên, việc phát triển hệ sinh thái du lịch nơi đây vẫn còn một số khó khăn như nguồn lực đầu tư còn quá hạn chế, quy hoạch du lịch chưa bài bản, cụ thể; chưa nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, hạ tầng du lịch vẫn còn nghèo, nhất là hệ thống lưu trú khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí; việc liên kết tour, khai thác, kết nối phát triển du lịch còn rất hạn chế; nhiều vùng lõi du lịch, trong đó có Làng cổ Lộc Yên và các hộ dân ở làng Lộc Yên có điều kiện, muốn làm du lịch chưa có môi trường thuận lợi để phát triển lớn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp Làng cổ Lộc Yên nói riêng và H. Tiên Phước nói chung có thể phát triển hệ sinh thái du lịch cộng đồng trong thời gian tới, Phó Giám đốc sở VH- TT và DL tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho rằng, Để phát triển du lịch bền vững, Tiên Phước cần lấy phát triển du lịch quốc tế là hướng chiến lược; tăng cường liên kết với các vùng khác trong tỉnh và quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành các sản phẩm, tour du lịch; đồng thời bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương. Từ đó, không gian du lịch đã không ngừng được phát triển, mở rộng, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Một trong số 50 nhà cổ ở Lộc Yên (H. Tiên Phước).

"Làng cổ Lộc Yên phù hợp với mô hình Farmstay, du lịch trang trại nông nghiệp kết hợp lưu trú, có hợp tác xã trang trại nông nghiệp rau sạch hữu cơ, kết hợp xây dựng kiến trúc nhà gỗ thiết kế đẹp, độc, lạ, vật liệu xây dựng gần gũi thiên nhiên môi trường, tránh tình trạng bê- tông hóa trong xây dựng. Đồng thời, Lộc Yên thu hút du khách không chỉ bằng vẻ đẹp vốn có mà ngay cả trong những món ăn thường ngày, những món ăn đơn sơ, giản dị nhưng đậm đà hương vị quê hương, giá cả hợp lý. Đây cũng là thế mạnh cần được phát huy hơn nữa để Tiên Phước nói chung hay Lộc Yên nói riêng vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa phát triển du dịch theo hướng sinh thái cộng đồng", ông Lê Ngọc Thuận- Chủ tịch hội Homestay Quảng Nam chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh, Tiên Phước cần có một bộ quy chuẩn riêng để quản lý, phát triển làng cổ Lộc Yên. Cùng với đó, chính quyền H. Tiên Phước cần có những đề án nhằm xây dựng ý thức cộng đồng cho nhân dân trong việc chung tay bảo vệ và phát triển làng cổ. Ngoài ra, H. Tiên Phước cần xác định phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn, lấy không gian Làng cổ Lộc Yên làm điểm nhấn và kết hợp với phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như: ẩm thực đặc trưng Tiên Phước, các đặc sản của vùng trung du Tiên Phước như lòn bon, tiêu, quế, chè, dó trầm, chuối, mít...

Tại buổi lễ, UBND H. Tiên Phước đã ký kết với Tập đoàn Thiên Minh biên bản ghi nhớ, cam kết hỗ trợ và kết nối phát triển du lịch tại địa phương.

TRẦN TĨNH - KHOA CHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_218844_-lam-moi-lang-co-loc-yen.aspx