Làm mới chung cư cũ bằng tranh bích họa

Một nhóm họa sĩ thiện nguyện từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội 'ăn dầm ở dề' mấy tháng nay để tô điểm cho một khu chung cư cũ của Hà Nội.

Bức tranh làng Láng - Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Những ngày gần đây, người dân sống gần khu Pháo Đài Láng, Hà Nội ngỡ ngàng khi chứng kiến những bức tường cũ trong khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, tổ 46, phường Láng Thượng) lần lượt được khoác lên mình những "chiếc áo mới". Đây là thành quả của dự án cộng đồng mang tên Arts build communities (Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng, gọi tắt là ABC) do các bạn họa sĩ trẻ của Công ty thiết kế kiến họa TP.HCM thực hiện.

Người có sáng kiến “khoác áo mới” cho khu tập thể cũ này là chị Tạ Thu Hương, một người dân sống trong khu tập thể. Chị Hương cho biết, chị mới mua căn hộ ở khu này cách đây khoảng gần 2 năm. Khi ấy, chị nhận thấy đây là một trong số rất ít khu tập thể cũ mà vẫn giữ được khoảng không gian chung ở giữa của Hà Nội. Không chỉ vậy, nó còn có không gian xanh xung quanh khá đẹp.

Chỉ tiếc là khu tập thể đã được xây dựng từ cách đây 40 năm, trong đó 20 năm gần đây không có một lần cải tạo chỉnh trang nào lớn, nên càng ngày càng xuống cấp. Nhiều bức tường cũ, bẩn. Gầm cầu thang trở thành chỗ vứt rác, tàn thuốc lá. Chân các bức tường công cộng thành chỗ vứt rác. Chị Hương chia sẻ: “Do ảnh hưởng của nghề nghiệp (chị Hương là kiến trúc sư, làm việc ở Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng- PV) nên tôi nhận thấy đó là một sự phi lý với một khu có đời sống dân trí cao như thế này, nên ấp ủ ý nghĩ tìm cách thay đổi. Bác Tình, tổ trưởng tổ dân phố, khi biết tôi là kiến trúc sư, cũng đề nghị giúp bà con trong khu phố tìm giải pháp, nên tôi càng quyết tâm”.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực phát triển không gian chung và không gian công cộng, chị Hương biết rằng nếu lập một dự án cộng đồng ở đây thì chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của các “mạnh thường quân”. Sau đó chị tìm đến một số công ty kiến trúc và thiết kế, nhưng không tìm được tiếng nói chung, cho đến khi gặp anh Nguyễn Thanh Tuyên, Giám đốc Công ty thiết kế kiến họa TP.HCM. “Mặc dù các bạn ấy ở tận TP. HCM, việc gặp nhau để trao đổi là khó khăn. Nhưng vì các bạn ấy có tinh thần thiện nguyện cao, nên chúng tôi đến được với nhau”, chị Hương chia sẻ.

Ban đầu nhóm đưa ra một số ý tưởng phác họa để giới thiệu với tổ dân số, với lãnh đạo chính quyền cơ sở. Dự án không chỉ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con mà còn được các bác hào hứng góp ý thêm, từ đó đủ căn cứ để dự án không chỉ dừng lại ở dăm bức vẽ đơn lẻ, mà phát triển thành một quần thể, gắn với văn hóa, lịch sử địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Tuyên thì cho biết, công việc được bắt đầu từ ngày 14.11.2017. Đến nay, nhóm đã hoàn thành được 10 bức tranh, trong đó bức lớn nhất có diện tích khoảng 50 m2, những bức nhỏ thì 15 - 20 m2. Theo kế hoạch thì khối lượng công việc mới chỉ được một nửa. Nhóm đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để 28.1 này hoàn thiện dự án. Số họa sĩ tham gia vẽ tranh là 7, trong đó có 4 người bay từ TP.HCM ra.

Anh Tuyên nói: “Một doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất sơn tài trợ cho chúng tôi toàn bộ phần sơn. Một doanh nghiệp khác tài trợ xi măng. Chi phí còn lại, như tiền ăn ở, đi lại, nhân lực… thì tự công ty chi trả. Gần đây chị Hương cho ở nhờ nhà (gia đình chị ấy chuyển đi ở một chỗ khác) nên chúng tôi cũng đỡ được khoản khách sạn. Thực ra chúng tôi có thể kêu gọi được thêm tài trợ, nhưng chúng tôi không muốn thế, vì muốn chính mình tham gia đóng góp được nhiều hơn vào các dự án cộng đồng”.

Khi được hỏi về việc cho nhóm thực hiện dự án ở nhờ nhà, chị Hương giải thích: “Giúp các bạn ấy tiết kiệm chi phí chỉ là một lý do nhỏ thôi. Còn điều quan trọng tôi muốn hướng tới là muốn để các bạn ấy thực sự trở thành những cư dân của khu tập thể, được sống trong nó, được cảm nhận hơi thở cuộc sống nơi đây. Chẳng hạn mỗi sáng thức giấc trong cảm giác thư thái bình yên vì được nghe tiếng đập bóng chuyền của các bác cao tuổi, có thế các bạn ấy mới yêu không gian sống ấy, nên khi vẽ sẽ dồi dào cảm xúc”.

Chùm ảnh một số bức bích họa đã được hoàn thiện ở khu tập thể Phụ nữ Trung ương, 39 Pháo Đài Láng, Hà Nội:

Bức tranh vẽ tàu điện của Hà Nội thời bao cấp - Ảnh: Ngọc Thắng

Một góc phố Hà Nội thời bao cấp - Ảnh: Ngọc thắng

Họa sĩ của Công ty Kiến họa đang thực hiện một bức vẽ - Ảnh: Ngọc Thắng

Lối lên cầu thang nhà A2 sau khi được điểm tô - Ảnh: Ngọc Thắng

Gầm cầu thang "biến" thành thủy cung - Ảnh: Ngọc Thắng

Quý Hiên

Quý Hiên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/lam-moi-chung-cu-cu-bang-tranh-bich-hoa-920564.html