Làm 'mặn' Tết hiện đại

Ngày nay, có một thực tế rằng, trong cảm quan của nhiều người, nhất là một bộ phận người trẻ, Tết đang ngày một 'nhạt' dần, không còn thực sự vui vẻ, thích thú như xưa. Họ luôn mong muốn tìm lại những xúc cảm đúng của Tết, mong muốn làm Tết hiện đại trở nên 'mặn mà' hơn.

Tết Nguyên Đán là dịp lễ âm lịch lớn bậc nhất của Việt Nam. Đã thành lệ, cứ mỗi độ năm hết Tết đến, người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới, dù đi đâu, làm gì thì cũng cố gắng thu xếp công việc để cùng đoàn tụ với gia đình, chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này. Mọi người nô nức sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa để Tết đến đón khách, với hy vọng rước lộc vào nhà, cầu cho một năm viên mãn, bình an, hạnh phúc. Có thể nói, ở Tết hội tụ những tinh hoa văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc Việt Nam với bề dày lịch sử bốn ngàn năm.

Người Việt thích Tết và luôn đón chào những ngày đầu tiên của năm trong niềm hân hoan, vui vẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người, trong đó có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ thấy rằng Tết đang “nhạt” dần, không còn có những cảm xúc như Tết xưa. Bạn Thu Hiền, sinh viên Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Trước Tết thì mình thấy háo hức vô cùng nhưng trong Tết thì nhạt nhẽo, chẳng khác ngày thường là mấy. Nhưng dù sao mình cũng mong đón Tết Nguyên Đán”.

Tại sao Tết “nhạt”?

Ngày xưa, khi phương tiện sản xuất chưa phát triển, năng suất lao động chưa cao (đặc biệt trong nông nghiệp) thì những sản phẩm được tạo ra không đủ đáp ứng cuộc sống của đại đa số người dân. Quanh năm đói, lao động mệt nhọc nên họ luôn mong và chỉ có một dịp để ăn bù, chơi bù. Và dịp đó chính là Tết. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Do đó, Tết đến, nhân dân thực hiện rất nhiều món ăn được chế biến công phu với sự hòa quyện của nhiều nguyên liệu như bánh chưng, nem rán, thịt đông, giò mỡ… Chúng có một sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với người Việt trong dịp lễ Tết.

Theo thời gian đời sống ngài được nâng lên thì dường như Tết lại có phần nhạt hơn (Ảnh: TNO)

Theo thời gian đời sống ngài được nâng lên thì dường như Tết lại có phần nhạt hơn (Ảnh: TNO)

Theo thời gian, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng lên rõ rệt. Mong ước “ăn no mặc ấm” đã đi vào dĩ vãng khi ngay cả những món ăn đặc trưng nhất của Tết thì ngày thường cũng không thiếu. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã chẳng còn là niềm mong mỏi lớn lao của hầu hết mọi người vào mỗi dịp Tết đến nữa.

Còn nhớ thuở trước, đời sống kinh tế khó khăn và do đó, đời sống tinh thần của người Việt cũng bị hạn chế rất nhiều do còn phải đi làm ruộng, làm vườn… Những trò chơi dân gian dẫu thú vị nhưng chỉ trong những ngày Tết, nhân dân mới có cơ hội cùng nhau chơi những trò như đập niêu đất, chơi cà kheo, chơi cờ người, đánh đu… Những trò chơi mang tính kết nối cộng đồng cao, trực tiếp và giàu ý nghĩa này đã khiến Tết xưa thực thú vị.

Cho đến bây giờ, các trò chơi ấy vẫn có một sức hấp dẫn lớn đối với rất nhiều người. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có nhiều cách thức để giải trí quá, những cách thức vừa đơn giản, vừa không phụ thuộc vào thời tiết nhưng vẫn có sự lôi cuốn riêng như chơi game trên điện thoại, lướt facebook, xem video trên Youtube… Việc hạn chế không gian để tổ chức các trò chơi dân gian, việc lạm dụng các cách thức giải trí theo một cách hoàn toàn mới đã khiến một phần đặc sắc của Tết Việt trở nên lu mờ, nhạt nhòa đi.

Rồi cũng vì sự phát triển của xã hội, nhịp sống văn mình công nghiệp, nhiều hối hả, áp lực, căng thẳng mà đôi khi, người ta không dứt ra được. Với các bạn nhỏ, nào là bài tập trên lớp, bài tập học thêm, bài tập ở trung tâm, tất cả đều phải hoàn thành… Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cái cách mà người ta đón Tết, hưởng thụ những ngày Tết.

Còn một vấn đề nữa mà nhiều người cho rằng đấy chính là nguyên nhân khiến họ cảm thấy sợ Tết: sự biến tướng của các thuần phong mỹ tục. Đến nhà sếp chúc Tết, lì xì, tặng quà… đang trở thành những cách thức, những phương tiện để người ta mưu cầu danh lợi, để lấy lòng người lớn.

Tục uống rượu cũng bị thay đổi khi không ít người dùng rượu để làm thước đo cho rất nhiều thứ tiêu chuẩn như bản lĩnh đàn ông, sự tôn trọng khách đến nhà, tình cảm anh em… Rồi khi ma men thấm vào, người ta kích bác nhau, người ta chửi bới nhau, người ta động chân động tay với nhau. Rất nhiều những câu chuyện đau lòng liên quan đến lạm dụng rượu bia đã xảy ra. Ý nghĩa nâng lên một chén rượu, xốc lại một giọt tình đã không còn… Những nội hàm tốt đẹp của một số thuần phong mỹ tục đã bị mất đi.

Tết đổi thay, giá trị không dời

Không thể phủ nhận sự đổi thay trong cách đón Tết theo từng năm của người Việt. Đó là quy luật tất yếu khách quan. Thế nhưng, những giá trị, những ý nghĩa mà Tết mang lại thì vẫn còn nguyên vẹn và chắc chắn sẽ trường tồn đến mãi về sau. Nói đến đây, không ít người đặt ra câu hỏi rằng: vậy giá trị to lớn nhất của Tết là gì?

Tết là dịp đoàn tụ không chỉ dừng lại ở người thân trong gia đình mà còn là giữa những người trên dương gian và người dưới cõi âm (Ảnh: NT)

Trả lời cho câu hỏi này, nhà báo Phan Đăng, trên kênh Youtube của mình đã khẳng định rằng: “Giá trị lớn nhất của Tết là ở hai chữ “đoàn viên”. Tết là Tết của gia đình”. Theo nhà báo Phan Đăng, sự đoàn tụ mà Tết mang lại không chỉ dừng lại ở những người thân trong gia đình với nhau, những người trên trần thế mà còn giữa người trên dương gian với những người ở dưới cõi âm.

Điều đó được thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Trong những nét truyền thống của mình, ông bà, cha mẹ giáo dục cho con cháu về dòng dõi gia đình, quê hương, từ đó, tạo sợi dây gắn kết thiêng liêng từ huyết thống, từ truyền thống. Hiểu được cội nguồn của mình thì cá nhân phát triển, gia đình phát triển và dòng họ, quốc gia ấy cũng phát triển.

Làm “mặn” Tết hiện đại

Có quá nhiều yếu tố của xã hội ngày nay tác động đến văn hóa Tết Việt, Tết Nguyên Đán bây giờ đã khác trước rất nhiều. Dường như vì những thay đổi đó mà nhiều người thấy Tết “nhạt”, một bộ phận các bạn trẻ thì không thực hào hứng với trong những ngày “Tết”. Vậy làm thế nào để những ngày Tết bớt nhạt đây? Làm thế nào để làm “mặn” Tết hiện đại?

Chia sẻ về vấn đề đặt ra, TS Nguyễn Thị Hồng, người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa Việt Nam, khẳng định: “Quan trọng nhất là các bạn phải hiểu cái Tết. Tôi giảng dạy cho các bạn sinh viên về ngày Tết, rất nhiều người không hiểu nó là cái gì, không hiểu những thuần phong, mỹ tục, những giá trị trong Tết của người Việt”.

TS Hồng cho rằng khi các bạn trẻ hiểu thì các bạn sẽ trân trọng nó. Đọc được những biểu hiện của nghi thức bình thưởng thì những nghi thức ấy không còn là những nghi thức bắt buộc nữa mà mỗi người sẽ làm toàn tâm toàn ý với chúng, những điều mang tính thiêng và mang giá trị vĩnh hằng.

Những hiểu biết về những giá trị văn hóa trong ngày Tết sẽ giúp mỗi người thêm trân trọng Tết cổ truyền của người Việt (Ảnh TNO)

“Ngoài ra, khi hiểu rồi thì người ta sẽ có nhu cầu đoàn tụ với nhau. Đồng thời những biểu hiện tiêu cực, những biến tướng trong Tết cũng sẽ bị đẩy lùi. Người ta sẽ biết làm gì để mang lại không khí Tết đúng nghĩa nhất”, TS Nguyễn Thị Hồng bổ sung thêm.

Qua câu trả lời của trên, có thể khẳng định rằng Tết Nguyên Đán xưa nay vẫn giữ nguyên các giá trị tinh túy của mình, vẫn luôn ẩn chứa niềm vui, niềm mong đợi của mọi người dân. Tết Nguyên Đán không “nhạt” mà do sự thiếu hiểu biết, hời hợt trong cách nghĩ, cách hiểu về các thuần phong mỹ tục mà nhiều người, nhất là những người trẻ, chưa tìm ra được vẻ đẹp thực sự của Tết Nguyên Đán để rồi thấy rằng Tết vui, Tết “mặn”.

Một mùa xuân đang về, cảnh vật, đất trời lại chuẩn bị giao hòa trong những thời khắc thiêng liêng nhất. Tết đến làm lòng người nô nức khôn cùng. Hy vọng bài ca “Tết nhạt” sẽ dần ít đi khi và đi vào dĩ vãng trong tâm trí của những người đang cảm thấy điều này và họ đã biết cách để giúp Tết hiện đại “mặn” hơn.

Đắc Quang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-man-tet-hien-dai-102548.html