Lầm lũi nghề than

Làm việc trong không khí ngột ngạt, hơi nóng hừng hực, bụi bay mù mịt chẳng thấy mặt người - là cảnh mưu sinh của bà con nơi xóm hầm than củi xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Công việc thường ngày tại một hầm than xã Xuân Hòa.

Là hộ hai đời làm nghề hầm than củi, anh Nguyễn Văn Triển, 50 tuổi, ở ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa chia sẻ: Với gia đình tôi, quả ngọt chính là 3 đứa con trưởng thành, được đầu tư học hành đàng hoàng. Còn thì nghề này cực lắm!

Anh Triển nhớ lại thời gian đầu, khi lập gia đình, vợ chồng anh được cha mẹ cho gần 3 công đất trồng trọt kiếm kế sinh nhai, dù đã làm lụng vất vả nhưng cũng chẳng đủ ăn. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, anh đã xin làm thuê ở lò than của mấy hộ gần nhà. Sau một thời gian tích cóp, anh đã mua lại được 5 lò hầm than về đất nhà xây dựng lại và duy trì cho đến nay. “Cũng nhờ vào nguồn thu từ 5 lò than này mà tôi đã có tiền cho con ăn học, xây nhà, mua ghe và các vật dụng trong gia đình”- anh Triển cho biết.

Đến lò than của anh Đặng Văn Nhóm (ngụ ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa) từ xa đã cảm nhận được sức nóng. Tại đây một nhóm phụ nữ mồ hôi nhễ nhại, bụi bám đen người chỉ còn thấy hai con mắt ì ạch khiêng cần xé (dụng cụ đựng than) từ trong lò bước ra để cho cánh đàn ông cân và gánh xuống ghe.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (46 tuổi), nói: “Nực nội vậy đó, mà ráng làm kiếm tiền đủ mua cá, mắm hàng ngày, lo cho con cái ăn học”. Ngồi kế gần đó chị Nguyễn Thị Trúc Ly cũng tiếp lời, “nghề này cực vậy đó, nhưng đổi lại thu nhập cũng đỡ ngày nào cũng có tiền đủ chi tiêu trong gia đình, cực cũng ráng mà làm”.

Tuy mang lại cho người dân xã Xuân Hòa công ăn việc làm nuôi sống gia đình, nhưng các lò hầm than tại đây lại gây ra không ít những hệ lụy không ngờ cho cuộc sống người dân địa phương. Nhất là nguy cơ bệnh hô hấp và hủy hoại môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Cả chục năm nay, nhiều vườn cây ăn trái chủ yếu là bưởi và vú sữa ở vùng này phải bỏ hoang. Người dân không màng chăm sóc, vì có chăm thế nào cũng không có trái để thu hoạch, do đó nhiều cặp vợ chồng con cái đành bỏ vườn đi làm thuê cho lò than.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, người trong xã tâm sự: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu sống nhờ mảnh vườn trồng bưởi, nhưng cả chục năm nay ảnh hưởng của mấy lò than nên bưởi không đậu trái nổi. Gần chục công vườn mà chỉ vài ba trái thì gia đình lấy gì sống, vợ chồng con cái đành phải qua làm công ở lò than”. Tương tự, lấy chồng về xứ than đã gần 7 năm nay, ruộng vườn cha mẹ cho không canh tác được, khiến gia đình chị Nguyễn Thị Diệu Hiền lâm vào cảnh có đất cũng như không. Thiếu trước hụt sau, vợ chồng chị phải đi làm thuê tại các lò than để kiếm sống.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hoạt động của lò than còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chị Nguyễn Thị Hạnh gắn bó với nghề than nhiều năm qua cho biết, ai làm nghề than cũng đều bị viêm mũi vì khói bụi quá nhiều. Nhưng vì mưu sinh họ chấp nhận. Nghề than gian truân, cực khổ vô cùng. Nhất là khi nhận làm ngay các lò bán gấp, lỡ gặp lò mới đốt xong vài ngày, mùi than nồng nặc xộc lên tận mũi cộng với hơi nóng trong lò than phả ra chịu không nổi, nhiều chị bị ngất xỉu. “Làm than về là trầm mình dưới sông tắm lâu thiệt lâu mới sạch, tối ngủ thở ra cũng còn nghe mùi than”- chị Hạnh nói.

“Không chỉ những người làm công việc trong lò than mới bệnh, ngay cả những đứa trẻ ở xứ này cũng bị viêm mũi từ nhỏ”- chị Trần Thị Thảo (38 tuổi) cho biết và thêm rằng: “Tôi bị nhức đầu, viêm mũi nằm bệnh viện gần nửa tháng nay mới về. Tiền bạc “làm đồng nào xào đồng đó” nên khi bệnh tật tôi phải chạy vay nợ để chữa bệnh. Trong lò than khói bụi dữ lắm, mình làm mình hít vào riết bị bệnh hồi nào không hay. Thậm chí ho, khạc ra đờm cũng màu đen luôn”.

Đã nhiều cảnh báo về ô nhiễm ở đây, nhưng tình hình không biến chuyển. Làng nghề hầm than tại xã Xuân Hòa đã được tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành làng nghề truyền thống song hành với đó là giải pháp lắp đặt trên 730 hệ thống xử lý khí thải, công xuất 150m3/ngày/hệ thống, thế nhưng đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai vì chưa có kinh phí. Vì thế, người trong xã vẫn đứng ngồi không yên....

Nhật Hạ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/lam-lui-nghe-than-386479