Làm hỏng phải đền trả dân

Tôi vẫn nhớ hồi đầu năm 2016, Hà Nội bắt đầu thông tin sẽ bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng lát đá vỉa hè trên hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành để trở thành những tuyến phố kiểu mẫu.

Vỉa hè đường Trần Duy Hưng, Hà Nội nhiều chỗ bị hư hỏng - Ảnh: Nam Khánh

Trong đó, phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đưa vào sử dụng đầu tiên (tháng 5/2016) với tổng mức đầu tư hơn 224.6 tỷ đồng, chỉ riêng các hạng mục như: Hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè… chiếm trên 50 tỷ đồng. Hay như toàn tuyến đường Trần Phú - Quang Trung dài hơn 5km có giá 180 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2015 đến nay cũng đã xuống cấp.

Ngay từ thời điểm đó, tôi đã băn khoăn không hiểu khi làm các dự án này, mục đích của thành phố và các chủ đầu tư đích thực là gì, muốn làm cho bền vững 70 năm thật hay chỉ muốn dự án phê duyệt, làm cho nhanh, hỏng lại xin tiền sửa. Đối với các ông chủ dự án mà ngay từ đầu đã muốn cho đá lát vỉa hè hỏng sớm, đương nhiên tuổi thọ của dự án sẽ ngắn.

Dân trong nghề xây dựng đều hiểu, tội vừa làm xong lại phải đào lên sửa là tội của các ông phê duyệt dự án, để dự án chồng lên dự án. Với các dự án lát đá vỉa hè này, đầu tiên phải bắt lỗi, quy trách nhiệm những người phê duyệt, dự án chẳng có tiêu chuẩn gì rõ ràng, để khi triển khai xây dựng làm vô tội vạ, mỗi nơi một phách như thời gian qua.

Không những chất lượng đá lởm khởm, giá thành mỗi quận một khác, công tác thi công nền bên dưới cũng có vấn đề. Lát đá kiểu gì mà chỉ đổ đất, đổ cát lên san san, vỗ vỗ vài cái là đặt tấm đá hàng chục cân lên rồi bảo đó là ốp(?!). Làm như thế, không bong tróc, vòng đời các dự án chẳng quá ngắn ngủi mới lạ.

Rõ ràng, với các dự án như lát đá vỉa hè, để công trình hư hỏng, xuống cấp, các chủ đầu tư, đơn vị triển khai dự án và cơ quan có trách nhiệm phải đền. Trước khi triển khai, họ đều khẳng định với dân là lát đá vỉa hè 70 năm, nhưng mới được 1 năm, thậm chí vài tháng đã hỏng. Không thể cứ hỏng là lấy tiền dân ra sửa, như vậy quá lãng phí, thất thoát.

Các quy định của pháp luật hiện đã khá đầy đủ, kể cả chế tài xử lý trách nhiệm. Qua việc này, TP Hà Nội phải truy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm minh. Nếu không sẽ không còn thượng tôn pháp luật, người dân và dư luận sẽ rất bất bình.

TS. Nguyễn Ngọc Long
Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN

Lê Tươi (Ghi)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lam-hong-phai-den-tra-dan-d275418.html